Thứ Hai, Tháng 4 28, 2025

Thuốc lá – “kẻ giết người thầm lặng” cần từ bỏ sớm để bảo vệ bạn và cộng đồng

Là một bạn trẻ đang công tác tại Vụ pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC, Nguyễn Việt Dũng đã có những chia sẻ thiết thực về quy định pháp luật, kinh nghiệm bản thân sau khi từ bỏ thuốc lá điện tử cho đến những giải pháp thiết thực phòng chống tác hại của thuốc lá…

Quan ngại vì nhiều bạn trẻ nghiện thuốc lá thế hệ mới

Bạn Nguyễn Việt Dũng hiện đang là Bí thư Chi đoàn Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học thuộc TANDTC, công tác tại Phòng Pháp luật Hình sự, gia đình và người chưa thành niên. Là một cán bộ trẻ công tác trong ngành Tòa án, Dũng đã rất nỗ lực trong công tác chuyên môn, tích cực trong công tác đoàn và được tặng nhiều Bằng khen, giấy khen của Chánh án TANDTC, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên TANDTC.

dung-phap-che-1(1).jpg
Nguyễn Việt Dũng hiện đang công tác tại Vụ pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC

Chia sẻ quan điểm về thực trạng đáng lo ngại trong giới trẻ hiện nay, khi các thế hệ thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… đang dần len lỏi vào các trường học, bạn Nguyễn Việt Dũng cho biết:

Trong cuộc sống hiện đại, ai cũng mong muốn sống khỏe, sống tích cực. Thế nhưng, thuốc lá – đặc biệt là thuốc lá điện tử – vẫn đang âm thầm len lỏi vào đời sống của nhiều bạn trẻ. Dù pháp luật đã có chế tài xử lý về việc mua bán, sản xuất, sử dụng thuốc lá, nhưng để xây dựng môi trường sống lành mạnh, không khói thuốc là cả một quá trình, cần sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ.

Nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 đã đưa ra nhiều quy định mạnh mẽ như cấm hút thuốc tại nơi công cộng trong nhà như bệnh viện, trường học, sân bay, xe buýt; cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi; cấm quảng cáo, khuyến mãi dưới mọi hình thức và yêu cầu in hình ảnh cảnh báo trên bao bì sản phẩm…

Ngoài ra, Nhà nước cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng hút thuốc, đặc biệt là thuốc lá điện tử trong giới trẻ vẫn gia tăng ở mức đáng báo động.

Nhiều bạn trẻ bị cuốn vào vape (thuốc lá điện tử) vì tò mò, vì muốn thể hiện bản thân, hoặc đơn giản là vì… bạn bè hút thì mình cũng hút. Theo khảo sát, hơn 60% người hút thuốc bắt đầu từ việc bị bạn bè rủ rê. Nhiều bạn nghĩ thuốc lá điện tử “ít độc hại hơn”, “thơm thơm, không sao đâu”, nhưng thực chất vẫn chứa nicotine gây nghiện và nhiều hóa chất có hại cho phổi.

Điển hình như vụ nữ sinh lớp 9 ở Thành phố Hồ Chí Minh từng nhập viện vì ngộ độc sau khi thử một loại tinh dầu vape vị bạc hà. Mặt khác, chỉ vài cú click chuột là người chưa đủ tuổi đã có thể mua vape online, trong khi các cửa hàng không phép mọc lên ngay sát cổng trường học… Tất cả những điều đó cho thấy chỉ riêng luật thôi là chưa đủ. Điều quan trọng là mỗi người trẻ cần tỉnh táo, hiểu rõ và đủ bản lĩnh để nói “không” với khói thuốc, dù nó có được “trang điểm” bằng hương vị ngọt ngào hay vẻ ngoài bắt mắt đến đâu.

Thuốc lá – “kẻ giết người thầm lặng”

Từng chứng kiến người em trai của mình vì thuốc lá mà bỏ lỡ mất khoảng thời gian tươi đẹp nhất của tuổi trẻ, bạn Dũng chia sẻ câu chuyện bản thân và người thân của mình để mọi người hiểu vì sao thuốc lá được ví như “kẻ giết người thầm lặng”.

“Tôi có một người em trai sinh năm 1998, từng là học sinh ngoan, học giỏi, được thầy cô quý mến. Mọi thứ đang yên ổn cho đến khi em bị bạn bè rủ rê thử vape – thuốc lá điện tử. Ban đầu chỉ là “cho vui”, nhưng em nghiện lúc nào không hay. Cơ thể em bắt đầu yếu đi, mất ngủ triền miên, hay cáu gắt, đầu óc lơ mơ, học hành thì tuột dốc thấy rõ.

Tôi bắt đầu tìm hiểu và phát hiện “thế giới vape” thực sự khủng khiếp, tinh dầu đủ vị từ bạc hà, trà sữa, bánh kem, kẹo bông… Giá thì đủ loại, từ 100.000 đồng cũng có cho tới vài triệu một lọ cũng có, được rao bán công khai trên mạng, chẳng cần kiểm tra độ tuổi. Học sinh, sinh viên chỉ cần vài tin nhắn là mua được ngay.

capture.jpg
Lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh thuốc lá điện tử tại một cửa hàng trên địa bàn.

Nhờ sự nghiêm khắc nhưng cũng rất kiên nhẫn từ gia đình, sau một thời gian dài vật lộn, em tôi đã quyết tâm cai bỏ vape. Khi dứt được vape, em ấy mới bắt đầu lấy lại sức khỏe, sự tập trung trong học tập. Đến giờ, mỗi lần ai vô tình nhắc lại thời “phê vape”, em đều cúi mặt im lặng. Em nói với tôi, đó là khoảng thời gian dại dột nhất đời mình.

Đó là về em trai tôi, còn bản thân tôi thành thực mà nói, tôi cũng từng “gật đầu” trước thuốc lá, không phải vì bạn bè, mà là vì chiều lòng bạn gái cũ. Mặc dù biết rõ thuốc lá có hại, tôi vẫn chiều bạn gái bằng cách mua thuốc cho cô ấy hút, không phản đối cô ấy hút thuốc, thậm chí tập hút vài điếu vì muốn được “ngầu” trước mặt cô ấy.

Lúc đó tôi nghĩ, “chắc một chút cũng chẳng sao”. Nhưng càng nghĩ lại, tôi càng thấy đó là sự thỏa hiệp nguy hiểm và là một lựa chọn sai lầm. Sau khi chia tay bạn gái cũ, tôi đã cai được thuốc lá và rút ra một bài học sâu sắc: Đừng vì ai mà đánh đổi sức khỏe và nguyên tắc của chính mình. Điều đúng thì phải giữ và hãy nhớ thuốc lá là kẻ giết người thầm lặng, cần từ bỏ sớm để bảo vệ bản thân và những người xung quanh”.

Cần có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn

Bàn về quy định của pháp luật đang được áp dụng để phòng chống tác hại của thuốc lá, Nguyễn Việt Dũng chia sẻ: Để giảm thiểu tình trạng hút thuốc trong giới trẻ và cộng đồng, theo tôi, trước hết phải tăng cường hơn nữa giáo dục phòng chống thuốc lá ngay từ trường học. Đưa những nội dung về tác hại thuốc lá, kỹ năng “từ chối thuốc lá” vào các buổi sinh hoạt lớp hoặc sinh hoạt ngoại khóa….

Thời gian qua, Trường THPT Trần Phú, Hà Nội từng tổ chức cuộc thi “Hít thở không khói – tôi chọn sống khỏe” với các hình thức như vẽ tranh, kịch ngắn, video tuyên truyền do học sinh thực hiện với kết quả 95% học sinh tham gia cho biết họ “hiểu rõ hơn về tác hại thuốc lá” và “sẵn sàng từ chối nếu bị rủ rê”, đạt hiệu tích cực trong công tác giáo dục phòng chống thuốc lá.

thuoc-la-dien-tu-.jpg
Cần có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn để phòng chống tác hại của thuốc lá

Tiếp đến, cần thiết tăng mạnh mức xử phạt và siết chặt hơn nữa việc bán thuốc lá, đặc biệt là kiểm soát việc bán cho trẻ vị thành niên và xử lý nghiêm các điểm bán hàng trái phép. Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi Singapore, hành vi bán thuốc lá cho người dưới 21 tuổi bị phạt tới 5.000 đô la Singapore (khoảng 90.000.000 đồng). Nhờ vậy, tỷ lệ thanh thiếu niên hút thuốc ở Singapore đã giảm mạnh từ 9,8% (năm 2011) xuống còn dưới 4% (năm 2020).

Bên cạnh đó, việc mở rộng các chiến dịch truyền thông sáng tạo trên nền tảng mạng xã hội, qua những video viral, các influencer… cũng là một cách tiếp cận giới trẻ hiệu quả. Điển hình, một video trên TikTok của bác sĩ Trần Quốc Khánh nói về tác hại của nicotin với não bộ học sinh chỉ dài 60 giây nhưng thu hút hơn 800.000 lượt xem, hàng ngàn lượt chia sẻ và bình luận tích cực như “xem xong muốn vứt vape luôn”….

Cuối cùng, theo tôi bên cạnh các quy định của pháp luật vẫn cần ý thức tự giác của mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Hãy nhớ rằng, hút thuốc lá là một hành vi nguy hiểm, không chỉ phá hoại sức khỏe cá nhân mà còn gây tổn hại đến cộng đồng. Là người trẻ, chúng ta cần ý thức rõ tác hại, không cổ súy cho văn hóa hút thuốc, đồng thời hành động thiết thực để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội.

Theo Congly.vn

- Advertisement -spot_img
Mới nhất

Tiểu đoàn Phú Lợi, lá cờ đầu chống ngoại xâm trên chiến trường miền Đông anh hùng

Giữa năm 1965, Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở những cuộc hành quân ác liệt nhất trên khắp miền Đông Nam Bộ. Trong bối cảnh đó, Tiểu đoàn Phú Lợi được thành lập ngày 5/6/1965 với nhiều trận đánh đi vào lịch sử, vang danh khắp chiến trường Thủ Dầu Một nói riêng miền Đông Nam Bộ nói chung.
- Advertisement -spot_img

Tin liên quan

- Advertisement -spot_img