Thứ Hai, Tháng 4 28, 2025

Người con Biệt động đặc biệt và những cảm xúc tháng Tư thiêng liêng

Anh Trần Vũ Bình thoăn thoắt cho tôi xem tệp tài liệu quý đậm màu thời gian 50 năm anh vừa tự tay thu thập, rồi gửi video quay đường phố TP.HCM ở thời khắc tháng Tư đặc biệt. Ánh mắt người con anh hùng biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai ánh lên bầu nhiệt huyết, sự xúc động khi nhớ lại các chiến công cha ông.

Giữa những ngày tháng Tư sục sôi, anh trải lòng về hành trình “có một không hai” khi phục dựng chuỗi di tích để góp phần nuôi dưỡng tình yêu quê hương cho con cháu mai sau…

Tấm bia tưởng niệm cho lực lượng anh hùng chiến đấu “trực tiếp, trực diện”

Anh Trần Vũ Bình (tức Trần Kiến Xương) quả là một người đặc biệt, sáng lập chuỗi Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định bằng tình yêu cháy bỏng với cha mình: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (1920-2002) cùng các đồng đội của ông, những người cán bộ, chiến sĩ lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn anh hùng.

3c367802-5209-41ef-84b4-53dcb3c7102d.jpeg
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai

Đây là lực lượng được tổ chức đa dạng và hết sức công phu, dựa trên nền tảng quần chúng nhân dân mà giác ngộ, xây dựng “trận địa lòng dân” để chiến đấu và công tác; thực hiện tốt phương châm “ba hóa”: hợp pháp hóa, nghề nghiệp hóa, quần chúng hóa, để tồn tại và phát triển ngay trong lòng địch.

Các đơn vị có công rất lớn trong phục vụ chiến đấu nội thành qua hai thời kỳ kháng chiến, đặc biệt là trong thời kỳ chống Mỹ. Chỉ tính đến chiến dịch Mậu Thân đã xây dựng được 19 lõm chính trị, bao gồm 325 gia đình, tạo nên 400 điểm ém quân từ vùng trung tuyến đến nội thành.

Biệt động là lực lượng thầm lặng, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh mất mát, nhưng đóng vai trò rất quan trọng cho những trận đánh vang dội ngay tại đầu não địch. Nhiều cơ sở cả gia đình sống trên “kho” vũ khí hàng năm trời như đồng chí Ba Căn, Năm Mộc, Năm Lai, Bảy rau muống; gần như cả gia đình chị Hai Phê (địa điểm xuất phát tấn công Đại Sứ quán Mỹ) sau Tết Mậu Thân, bị đày ra Côn Đảo, gia đình ông Ngô Toại nhiều người bị địch đánh đập tra tấn dã man.

12c784af-f294-4d06-a5f3-c2e9cda707c5.jpeg
Những con người bình dị lập những chiến công vĩ đại ngay trong lòng địch

Vợ chồng ông nông dân Chín Khổ, ông Chín Ten, ông Năm Phùng, ông Sáu Mia… bất chấp hiểm nguy, nhiều lần chuyển vũ khí cho lực lượng biệt động đưa vào nội thành. Đặc biệt là đồng chí Ba Bảo mưu trí, dũng cảm đảm nhận chở nhiều chuyến vũ khí quan trọng phục vụ cho các trận đánh lớn ở Sài Gòn.

Việc đánh địch trong nội thành, đưa cuộc chiến tranh vào sào huyệt địch, làm mất ổn định hậu phương tại trung tâm đầu não chiến tranh của chúng là một trong những nét đặc sắc nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân TP.HCM. Biệt động đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình, góp cho thành phố những trang sử vàng chói lọi.

Với bề dày truyền thống và thành tích chiến đấu xuất sắc lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20/10/1976.

9448e909-1ed2-44bb-84c1-7e9263cb4992.jpeg
Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai trước căn hầm bí mật sau ngày giang sơn thu về một mối

Chiến công anh hùng Trần Văn Lai và đồng đội khiến chế độ Việt Nam Cộng hòa và người Mỹ choáng váng đến “thất điên bát đảo”. Ông là nguyên mẫu chủ hãng sơn Đông Á quả cảm, mưu trí trong bộ phim kinh điển “Biệt động Sài Gòn” được nhân dân cả nước yêu quý, khâm phục và mến mộ.

Tính cách của những con người Biệt động Sài Gòn luôn can trường, bảo mật, có nhiều việc “sống để bụng, chết mang theo” nên gần như anh Bình không được nghe cha kể lại về những chiến công hay thành tích của ông cùng đồng đội.

Anh Bình nhận ra rằng nếu ký ức về con người Biệt động Sài Gòn không được trưng bày cho thế hệ trẻ nhìn ngắm, nó sẽ biến mất khỏi dòng chảy cuộc sống… Từ thập niên 80, có những điều thôi thúc anh mãnh liệt, khi nhiều người quản lý di tích Dinh Độc Lập lại không biết việc Biệt động Sài Gòn táo bạo tấn công thẳng vào đầu não địch tại “Phủ đầu rồng”.

Từ đó thôi thúc anh dày công sưu tầm, phục dựng và lưu giữ những hiện vật, di tích về hoạt động của các anh hùng Biệt động Sài Gòn trong cuộc chiến vệ quốc.

Hơn 40 năm qua, anh Trần Vũ Bình dành thời gian, tâm huyết, trực tiếp “xắn tay áo” tìm hiểu, nghiên cứu. Anh tâm đắc với nhận xét của các lớp lãnh đạo rằng, Biệt động Sài Gòn là lực lượng “trực tiếp và trực diện” chiến đấu với lòng gan dạ, mưu lược đầy quả cảm ngay trong lòng địch.

5138e749-7aa0-42b7-b998-13920d7f0108.jpeg
Hơn 30 năm qua, anh Trần Vũ Bình thầm lặng, quyết tâm phục dựng lại các căn hầm bí mật

Anh trải lòng: Khi cuộc chiến kết thúc, hòa bình lập lại, những căn hầm cha ông mình từng sống chiến đấu thường sẽ được chuyển hóa để đời sống mới. Vài chục năm hay trăm năm sau, khi muốn phục dựng sẽ rất vất vả, phải tổ chức hội thảo, sự chính xác sẽ phụ thuộc qua lăng kính khác nhau. Trong khi điều kiện đang có, tại sao không làm ngay?

Vậy là bắt đầu từ sau năm 1980, anh Trần Vũ Bình bắt đầu hành trình dài để tìm kiếm, phục dựng những di tích, di vật liên quan đến Biệt động Sài Gòn.

“Từ những căn nhà mà ba tôi và các đồng đội đã mua để tổ chức thành cơ sở hoạt động bí mật, kháng chiến giữa đô thành Sài Gòn, tôi quyết làm, phục dựng để trả lại cho lịch sử, trả lại cho đồng đội ba tôi”.

Vậy là từ các vật dụng giản dị nhất gắn liền với các chiến sĩ biệt động thành… anh Bình kỳ công lùng mua cho được, phục dựng lại nguyên bản.

c49e4037-306f-4da0-a21c-0552b14b0ef3.jpeg
Anh Bình chia sẻ niềm vui sau khi thu thập được nhiều tài liệu quý từ 50 năm trước

Dẫu nhiều vất vả, gian truân nhưng với niềm tin, lòng quyết tâm và sự tôn kính anh dành cho những hi sinh của thế hệ đi trước, sau hơn 40 năm, hành trình ấy chưa bao giờ ngừng nghỉ.

“Địa điểm di tích đầu tiên tôi tìm ra và giữ luôn cho đến bây giờ là căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Lúc đó, ba tôi để cho cộng sự là ông Dương Văn Châm ở, dù lúc ấy con cái không nơi tá túc. Tôi xin ba đến ở chung căn nhà này với ông Châm và phát hiện có hầm bí mật bên dưới nền nhà…”, anh Bình bồi hồi nhớ lại.

Đến nay, sau hành trình thật dài với 10 căn nhà được phục dựng, trở thành di tích, bảo tàng và hơn 10.000 hiện vật của lực lượng Biệt động Sài Gòn được phục hồi, anh Bình tâm sự: Đó là di sản để lại cho muôn đời sau.

428951e0-2dda-4bc2-8845-85169e31c621.jpeg
Hình ảnh người cha anh hùng Trần Văn Lai và các đồng đội luôn khắc sâu trong tâm trí anh Bình

Các di sản đó, anh chia sẻ có ý nghĩa sâu sắc, là tấm bia tưởng niệm, nén hương thơm dành cho thế hệ cha ông đã ngã xuống khi tuổi đời đẹp nhất, nhiều người không để lại tên tuổi.

Bởi, Biệt động Sài Gòn đều chiến đấu “thi ân bất cầu báo”, đi vào vĩnh hằng dù chẳng ai biết đến do đó là nguyên tắc ngăn cách bí mật của lực lượng đặc biệt, phải thay tên đổi họ để chiến đấu “xuất quỷ, nhập thần”.

Bằng nhiệt huyết, sự tự nguyện dấn thân để phụng sự, anh Bình đã làm được điều đó. Trên hành trình đó, chúng tôi cảm nhận được sự hy sinh lớn lao của anh. Anh không rời TP.HCM chỉ để thực hiện cho được giá trị thiêng liêng nhất anh đặt ra cho đời mình, và anh nhẹ nhàng bỏ qua rất nhiều cơ hội thăng tiến. Anh thực hiện tốt nhất nhiệm vụ Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam – Tòa án nhân dân tối cao, phụng sự cho ngành và cho đất nước, nhân dân và tiếp tục hành trình hồi sinh những di tích, chứng tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn thuở nào.

b0861cff-ced1-40c7-a75f-53b70afdb359.jpeg
Anh Bình nâng niu các kỷ vật của cha ông

Anh Bình chia sẻ, hành trình anh xây dựng di sản về Biệt động Sài Gòn vẫn đang tiếp tục. Lực lượng đặc biệt này có đến 325 cơ sở bí mật tại chỗ. Tài mưu lược chỉ huy của các lãnh đạo biệt động thật phi thường, khi sống và chiến đấu “trực tiếp, trực diện” ngay giữa đô thành, đi lại trước mặt quân thù. Người Mỹ biết được sự thật là họ sẽ chiến bại nếu ở lại Sài Gòn, kết cục đó không thể tránh khỏi bởi người Sài Gòn sống chết để bảo vệ quê hương.

Thông điệp trân quý lịch sử và giá trị hòa bình

Tất cả những gì anh Trần Vũ Bình chắt chiu tạo ra đều chất đầy tình yêu, ngọn lửa, góp phần gìn giữ và thắp sáng vẻ đẹp lịch sử, là món quà đặc biệt anh dâng tặng cho các thế hệ mai sau, tiếp nối hành trình xây dựng đất nước.

tham-quan-di-tich-biet-dong-sai-gon.jpeg
Các bạn trẻ tại các di tích Biệt động Sài Gòn trong những ngày tháng Tư

Anh chia sẻ: “Cần lắm lớp trẻ hôm nay hiểu sâu, biết rộng lịch sử để nối tiếp truyền thống, giáo dục lòng yêu nước. Các thế hệ biệt động đã hy sinh tất cả cho hòa bình. Khi mỗi người biết hy sinh thì sẽ biết cống hiến, làm những điều tốt nhất cho quê hương”.

Và quả vậy, trong những ngày tháng Tư lịch sử, tại các bảo tàng do anh phục dựng đang thu hút nhiều người dân, du khách đến tham quan, khám phá chứng tích huyền thoại tại các quán cà phê Biệt động Sài Gòn.

nguoi-tre-thich-di-tich-lich-su.jpeg
Các bạn trẻ đến chuỗi di tích Biệt động Sài Gòn để khám phá lịch sử

Chị Thu Anh tâm sự: “Di tích này vô cùng quý giá, hãy cố gắng giữ gìn để lớp trẻ sau này có điều kiện tham quan, nghiên cứu làm luận văn chẳng hạn. Nếu có được máy chiếu những phim tư liệu của Biệt động thì càng giá trị hơn”.

Anh Nguyễn Hữu Cường, sĩ quan Quân đoàn 34 bày tỏ sự khâm phục về những điều tốt đẹp anh Trần Vũ Bình làm cho xã hội. Anh mong Nhà nước sẽ tổ chức cho con cháu, thậm chí là chắt của những chiến sĩ biệt động năm xưa có dịp gặp nhau để cùng ôn lại những trang sử hào hùng. Mong rằng những ý tưởng quá tốt đẹp của anh Bình sẽ trở thành hiện thực.

bietdongthanhoi2.jpeg
Các bạn trẻ dễ dàng kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai khi tham quan bảo tàng Biệt động Sài Gòn

Trong các cuộc tiếp xúc, chúng tôi thấy rằng những bạn trẻ đến các di tích cà phê biệt động để tự trải nghiệm, tìm về quá khứ hào hùng, tìm hiểu về đội quân đặc biệt. Anh Bình cho biết với xu hướng số hóa, khách đến với không gian cà phê còn được trải nghiệm thông tin lịch sử đầy đủ hơn và chi tiết hơn với những hình ảnh sinh động trên ứng dụng điện thoại.

Anh tâm sự một điều đặc biệt, đó là hàng chục con cháu các chiến sĩ lực lượng Biệt động Sài Gòn đang làm trong các bảo tàng, di tích biệt động. Ở đó, bản thân họ được “kết nối” với cha ông và tiếp tục phát huy truyền thống gia đình, phục vụ mảnh đất thân thương.

baotangoikhd.jpeg
Các hiện vật tại bảo tàng Biệt động

Nhiều thế hệ con cháu các Biệt động Sài Gòn năm xưa đã tìm đến quán cà phê di tích Biệt động Sài Gòn của anh Bình để tìm lại những kỷ vật mang dấu ấn thời gian, để kể cho nhau nghe những câu chuyện xưa từ cha ông họ. Nhiều cuộc hội ngộ trong xúc động, đẫm lệ trước ký ức thiêng liêng…

bietdongoukh.jpeg
Các buổi tọa đàm, gặp gỡ, giao lưu đầy ý nghĩa tại các Bảo tàng Biệt động

Chúng tôi chia tay anh Trần Vũ Bình khi nắng chiều tháng Tư đang đổ xuống. Phía ngoài nhiệm sở Vụ Công tác phía Nam TANDTC, các lực lượng đang tập luyện diễu binh, diễu hành trong không khí sôi sục, hàng triệu trái tim rung động trong khoảnh khắc Kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất non sông càng khiến chúng tôi bồi hồi, xúc động, biết ơn.

Để giang sơn gấm vóc mẹ Âu Cơ – cha Lạc Long Quân liền một dải, êm đềm, hòa bình và phát triển như hôm nay, chúng tôi thấu hiểu có sự hy sinh lớn lao của lực lượng biệt động, của quân đội nhân dân anh hùng.

Trong đợt dự Lễ cấp quốc gia Kỷ niệm “50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo TP.HCM đã đến thăm căn hầm bí mật của gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai tại quận 3, TP.HCM. Cố Tổng Bí thư tham quan, xem các hình ảnh, vũ khí, chiếc xe gắn máy và có cả chiếc xe ô tô vận tải nhẹ hiệu Citroen biển kiểm soát NCE-345 được Đội 5 Biệt động Sài Gòn sử dụng trong trận tấn công Dinh Độc Lập.

tp-b2-522.jpeg
tp-b3-1204.jpeg
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng niu từng kỷ vật tại căn hầm bí mật của Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng niu từng kỷ vật tại căn hầm và viết những dòng lưu niệm đầy xúc động: “Tôi hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã gìn giữ, lưu giữ những kỷ vật trưng bày vô cùng quý giá này. Mong rằng chính quyền thành phố tiếp tục đầu tư, tôn tạo, xây dựng Di tích lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia này không chỉ là nơi mang ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa, giàu tính nhân văn sâu sắc, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.

Theo Congly.vn

- Advertisement -spot_img
Mới nhất

Tạm giữ hơn 3.000 bộ đồ chơi nhập lậu

Hơn 3.000 bộ đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã bị Công an tỉnh Nam Định và các lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ.
- Advertisement -spot_img

Tin liên quan

- Advertisement -spot_img