Thứ Tư, Tháng 5 7, 2025

Từ chối cấp cứu người bệnh, bị xử lý thế nào?

Việc từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 7 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024).

Bạn đọc Nguyễn Hương Giang hỏi: Vừa qua tại bệnh viện của một địa phương, người dân có phản ánh về việc bệnh nhân “nộp đủ tiền mới cấp cứu”. Xin hỏi pháp luật hiện hành quy định việc cấp cứu bệnh nhân như thế nào? Nếu bệnh nhân không có thân nhân đi cùng có được cấp cứu không? Việc từ chối cấp cứu cho bệnh nhân do chưa đóng đủ viện phí có vi phạm pháp luật ?

luat-su-nguyen-van-dong-2-.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Nguyễn Văn Đồng, (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) trả lời:

Theo quy định Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 , có 21 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám, chữa bệnh. Trong đó, việc từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 7 Luật này.

Tại Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh cũng nêu rõ: “Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh trong tình trạng cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám chữa bệnh”.

Việc xác định tình trạng cấp cứu khi nhập viện của người bệnh thuộc thẩm quyền của bác sĩ điều trị và cơ sở y tế nơi tiếp nhận người bệnh.

Còn tại Điều 72 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 cũng quy định về việc tiếp nhận và xử lý đối với người bệnh không có thân nhân.

Theo đó, khi tiếp nhận, thực hiện khám, chữa bệnh cho người bệnh không có thân nhân, cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm kiểm kê, lập biên bản và lưu giữ tài sản của người bệnh.

Trong thời gian 48 giờ kể từ khi tiếp nhận người bệnh mà vẫn không thể xác định được thân nhân của người bệnh thì cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã nơi cơ sở khám chữa bệnh đặt trụ sở để báo tìm thân nhân của người bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cơ sở khám chữa bệnh lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định về bảo trợ xã hội đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi bị bỏ rơi tại cơ sở khám chữa bệnh.

Trường hợp người bệnh đã được điều trị ổn định mà vẫn không thể xác định được thân nhân và thuộc trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự, cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định về bảo trợ xã hội.

Cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, khám chữa bệnh cho người bệnh trong thời gian từ khi tiếp nhận đến khi hoàn thành thủ tục chuyển người bệnh đến cơ sở trợ giúp xã hội hoặc đến khi người bệnh tử vong.

Chính phủ quy định việc chi trả chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, khám chữa bệnh cho các đối tượng trên và việc xử lý đối với người bệnh không có thân nhân là người nước ngoài.

Như vậy, đối chiếu các quy định trên, kể cả trường hợp khi người bệnh cấp cứu không có thân nhân, cơ sở y tế đều phải tiếp nhận cấp cứu theo quy trình chuyên môn, không được từ chối người bệnh.

Về chế tài xử phạt, hiện nay, Nghị định 117/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP bác sĩ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt cụ thể tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm. Các mức phạt thường áp dụng cho hành vi như từ chối điều trị hoặc thực hiện các thủ thuật y tế không đúng quy trình từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra có thể bị phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng.

Đối với người dân có phản ánh về về việc bệnh nhân “nộp đủ tiền mới cấp cứu, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh sự việc thực tế. Nếu đúng thực tế như phản ánh, thì rất cần xử lý nghiêm cán bộ y bác sĩ vi phạm, vì không những vi phạm về chuyên môn khám chữa bệnh, cụ thể là trình tự tiếp đón bệnh nhân và khám điều trị đối với các ca cấp cứu khẩn cấp, mà còn vi phạm đạo đức ngành y.

Theo Congly.vn

- Advertisement -spot_img
Mới nhất

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn ở mức cao

Theo thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam bốn tháng đầu năm 2025 ước đạt 6,74 tỷ USD tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của bốn tháng trong 5 năm qua.
- Advertisement -spot_img

Tin liên quan

- Advertisement -spot_img