Người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đồng thuận cao, tích cực góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp khi cơ quan chức năng tổ chức lấy ý kiến.
Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có văn bản gửi đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Khẳng định việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có tính chất lịch sử.
Đây là công việc cần sự thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, nhằm tạo sự đồng thuận sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, hoàn thiện các văn bản pháp luật để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành các quy định mới của Hiến pháp là công việc cần được ưu tiên hàng đầu, phải đi trước một bước tạo nền tảng pháp lý cho việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Thời gian thực hiện tuyên truyền, lấy ý kiến từ ngày 6/5 đến hết ngày 5/6/2025 (có dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013).

Ông Phạm Đình Tiến (sinh năm 1958), trú tại thôn 7, xã Thiệu Lý (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) cho hay: “Chúng tôi rất phấn khởi khi các cấp có thẩm quyền quyết tâm thực hiện khát vọng vươn mình của dân tộc ta. Bản thân tôi từng công tác trong nhà nước, năm 1993 khi giải thể kho lương thực, chúng tôi về nghỉ chế độ một lần, nên hiểu rất rõ tâm tư của cán bộ, công chức thời điểm này.
Việc cải cách mạnh mẽ bộ máy Nhà nước, tinh gọn, hiệu quả hơn, giảm thiểu tầng lớp trung gian, nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm là xu hướng tất yếu. Qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hướng tới sự phát triển chung của đất nước. Dân giàu, nước mạnh là nguyện vọng chung của người dân, dân tộc Việt Nam.”

Nhà thơ Đinh Ngọc Diệp (Sầm Sơn, Thanh Hóa) cũng rất hào hứng khi được hỏi về góp ý sửa đổi Hiến pháp: “Nội dung quan trọng và chủ yếu nhất là để tạo nền tảng pháp lý từ đạo luật gốc của Nhà nước cho việc chuyển đổi mô hình quản trị đất nước sang Chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh và xã, bỏ cấp huyện). Khắc phục tình trạng bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều cấp trung gian, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Đây là việc làm không thể tránh né và không thể trì hoãn, là cơ hội đưa bộ máy gần dân, sát dân hơn, tăng hiệu suất, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, tất cả vì mục tiêu phục vụ người dân, đưa đất nước phát triển. Chủ động tránh được bẫy thu nhập trung bình, tạo điều kiện hội nhập sâu và toàn diện với thế giới, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Điều này thể hiện quyết tâm cao của Đảng, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, được sự đồng lòng của toàn dân để khắc phục “điểm nghẽn thể chế”, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên cất cánh, mở ra một tương lai tươi sáng xứng đáng với các lớp cha anh đã hiến thân mình cho độc lập, toàn vẹn của đất nước.”
Nhà báo Xuân Hùng (Phó Trưởng văn phòng Báo Lao động Bắc Trung Bộ) cho hay: “Việc sửa đổi Hiến pháp là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới. Đây là đạo luật gốc nên Hiến pháp cần phải phản ánh thực tiễn và nhu cầu của xã hội, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho các chính sách và quyết định của nhà nước.
Việc này rất hệ trọng, cần làm ngay nhưng phải tính toán kỹ lưỡng bởi sửa đổi Hiến pháp là cơ hội để khắc phục những “điểm nghẽn” trong hệ thống pháp luật và quản lý nhà nước hiện tại. Việc này đi đôi với việc tinh gọn bộ máy, giảm thiểu sự chồng chéo và cồng kềnh trong quản lý.
Các cơ quan chức năng cần có tầm nhìn dài hạn trong việc sửa đổi Hiến pháp, các điều khoản của các bộ luật không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề trước mắt mà còn để định hướng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.”
Theo Congly.vn