Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc đưa vốn tín dụng chính sách đến đúng người, đúng mục đích nhằm giúp dân phát triển kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Vốn đến đúng người, dùng đúng mục đích
Huyện Đăk Tô là một huyện miền núi thuộc khu vực phía Bắc tỉnh Kon Tum, nằm cách trung tâm hành chính của tỉnh khoảng 40 km. Với diện tích tự nhiên hơn 50.870 ha, địa phương này có 13.302 hộ dân với 55.629 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn một nửa, với 6.766 hộ (50,86%) và 32.104 nhân khẩu.
Mặc dù đời sống người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm gần đây, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức khá cao. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 916 hộ nghèo (chiếm 6,89%), trong đó 874 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số; số hộ cận nghèo là 682 hộ (5,13%) và hộ mới thoát nghèo là 235 hộ (1,76%).

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về kinh tế – xã hội, tín dụng chính sách xã hội do phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đăk Tô triển khai đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt, đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng nguồn vốn tín dụng trên địa bàn huyện Đăk Tô đạt 523.868 triệu đồng, bằng 99,9% kế hoạch năm. Trong đó, nguồn vốn từ Trung ương đạt 473.541 triệu đồng; nguồn vốn ủy thác từ địa phương đạt 27.867 triệu đồng, tăng 5.246 triệu đồng so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, nguồn vốn địa phương bao gồm 17.284 triệu đồng từ cấp tỉnh và 10.583 triệu đồng từ cấp huyện, thể hiện sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương trong việc đồng hành cùng NHCSXH.
Nhiều hộ dân đã sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi một cách hiệu quả để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Ông Hồ Trung Trực (thôn Đăk Tông, xã Ngọc Tụ) là một ví dụ điển hình. Nhờ khoản vay 100 triệu đồng từ chương trình Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, ông đã đầu tư trồng 5ha sầu riêng. Hiện nay, vườn cây của ông đã cho quả với năng suất cao, giúp ông ổn định kinh tế và từng bước vươn lên.

“Nhờ vào vốn vay ưu đãi dài hạn, lãi suất thấp, tôi mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Giờ đây vườn cây đã cho quả tốt, hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều,” ông Trực chia sẻ.
Tăng cường kiểm tra, nâng cao chất lượng hoạt động
Để đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, NHCSXH huyện Đăk Tô luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát từ cấp huyện đến cấp xã. Theo bà Bùi Thị Nga – Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH huyện Đăk Tô, công tác kiểm tra, giám sát đã được thực hiện theo đúng kế hoạch. Các lớp tập huấn nghiệp vụ đã được tổ chức tại 3/9 xã, thị trấn gồm Văn Lem, Pô Kô và Đăk Trăm nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tín dụng chính sách.
Trong quý I/2025, ngân hàng cũng đã hướng dẫn kịp thời các hộ vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan. Bên cạnh đó, NHCSXH huyện còn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội để đánh giá kết quả hoạt động ủy thác và triển khai nhiệm vụ quý II/2025.

Tính đến nay, tổng dư nợ ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị – xã hội cấp huyện và 31 đơn vị cấp xã đạt 513.619 triệu đồng. Nợ quá hạn là 1.304 triệu đồng (chiếm 0,25% tổng dư nợ), nợ khoanh là 1.392 triệu đồng (chiếm 0,27%). Đây là những con số cho thấy chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt.
Các điểm giao dịch xã hoạt động hiệu quả, nghiêm túc, gắn với giao ban định kỳ có sự tham dự của lãnh đạo UBND xã. Chính sách tín dụng được công khai minh bạch, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và giám sát.
Trong thời gian tới, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ, tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Mục tiêu là đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng, đúng mục đích, từ đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện”, bà Nga cho biết.
Theo Congly.vn