Thứ Năm, Tháng 7 3, 2025

Tây Bắc cần “liên kết thông minh” để nông sản vươn xa

Sở hữu tiềm năng lớn về thổ nhưỡng, khí hậu và hệ sinh thái đa dạng, khu vực Tây Bắc đang dần hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa quy mô. Tuy nhiên, thiếu liên kết chuỗi, chế biến sâu hạn chế và vùng nguyên liệu chưa được chuẩn hóa khiến nông sản nơi đây chưa thể vươn ra thị trường lớn.

Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông, lâm sản các tỉnh Tây Bắc” vừa được tổ chức tại tỉnh Sơn La đã mở ra nhiều gợi ý chính sách và giải pháp thực tiễn để khu vực này phát huy lợi thế, định vị lại giá trị nông sản trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tăng trưởng nhanh, nhưng thiếu bền vững

Theo Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Lê Quốc Doanh, trong 10 năm qua, diện tích cà phê tại khu vực Tây Bắc đã tăng 54%, sản lượng tăng 265%. Cùng với đó, các vùng trồng cây ăn quả, chè, cây dược liệu cũng liên tục được mở rộng. Tuy nhiên, số lượng chưa đi kèm chất lượng. “Tỷ lệ sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng còn rất thấp, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ chưa đồng bộ, chế biến sau thu hoạch còn yếu, khiến khả năng cạnh tranh của nông sản Tây Bắc vẫn hạn chế” – ông Doanh nhìn nhận.

quang-canh-dien-dan..png
Quang cảnh Diễn đàn.

Số liệu năm 2024 cho thấy, tổng giá trị nông sản xuất khẩu của toàn vùng Tây Bắc chỉ đạt khoảng 245 triệu USD – con số khiêm tốn so với tiềm năng. Trong đó, cà phê chiếm hơn 90 triệu USD, tinh bột mì trên 36 triệu USD, nhãn và xoài khoảng 30 triệu USD, chè 22 triệu USD và tinh dầu quế hơn 22 triệu USD.

Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, việc chưa chuẩn hóa vùng nguyên liệu khiến nông sản Tây Bắc khó đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Liên kết vùng – Tổ chức lại chuỗi giá trị

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho rằng, để nông sản Tây Bắc vươn ra thị trường lớn, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Cùng với đó là tái cấu trúc sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết từ nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp – nhà phân phối.

Điểm mấu chốt là các tỉnh cần rà soát, quy hoạch lại từng xã, từng vùng sản xuất, đặc biệt sau quá trình sáp nhập đơn vị hành chính. Việc xác định rõ vùng cây trồng chủ lực với quy mô phù hợp sẽ giúp địa phương chủ động tích hợp vào quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên nghiệp.

Bên cạnh tổ chức lại sản xuất, việc nâng cao năng lực chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch cũng được đặt ra cấp thiết. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương phối hợp với doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư hệ thống sơ chế, đóng gói, kho lạnh ngay tại các tổ hợp tác, đại lý thu gom. “Khi khâu bảo quản được cải thiện, nông sản mới có thể giữ chất lượng tốt hơn, kéo dài thời gian tiêu thụ và tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu” – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh.

Hướng tới chuỗi cung ứng toàn cầu

Một trong những kiến nghị đáng chú ý tại diễn đàn là xây dựng thương hiệu chung cho nông sản Tây Bắc, thay vì mỗi tỉnh, mỗi hợp tác xã tự xây dựng thương hiệu nhỏ lẻ. Việc phát triển nhãn hiệu vùng – ví dụ “Cà phê Tây Bắc”, “Chè Tây Bắc” – sẽ giúp tăng độ nhận diện và tạo lợi thế khi xúc tiến thương mại quốc tế.

vung-tay-bac-can-phat-huy-tiem-nang-da-dang-hoa-san-pham-nong-nghiep-chat-luong-cao-ket-hop-voi-du-lich-nong-nghiep-anh-minh-hoa-..png
Vùng Tây Bắc cần phát huy tiềm năng đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao kết hợp với du lịch nông nghiệp (Ảnh minh họa).

Cùng với đó, các địa phương cần thúc đẩy số hóa chuỗi cung ứng, ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các thị trường như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Mỹ…

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tỉnh Tây Bắc trong tái cơ cấu ngành hàng, hỗ trợ xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu. Một chương trình xúc tiến thương mại chuyên biệt dành cho nông sản Tây Bắc đang được nghiên cứu triển khai, tập trung vào các hội chợ quốc tế, nền tảng thương mại điện tử và kênh phân phối lớn tại châu Á và châu Âu.

“Liên kết thông minh giữa các tỉnh trong vùng, giữa nhà nước – doanh nghiệp – nông dân là điều kiện tiên quyết để nông sản Tây Bắc cất cánh. Chỉ khi có một chuỗi giá trị hoàn chỉnh và vùng nguyên liệu đạt chuẩn, khu vực này mới có thể chen chân vào các thị trường khắt khe, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu” – ông Nam nhấn mạnh.

Theo Congly.vn

- Advertisement -spot_img
Mới nhất

Tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh vượt 11,%

6 tháng đầu năm 2025, kinh tế Quảng Ninh duy trì tăng trưởng cao, tăng 11,03%, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
- Advertisement -spot_img

Tin liên quan

- Advertisement -spot_img