Thứ Hai, Tháng 7 7, 2025

Bỏ “room” tín dụng: Cải cách quan trọng để hiện đại hóa nền kinh tế thị trường

Khi bỏ room tín dụng, Việt Nam sẽ có thêm một cột mốc cải cách quan trọng trên hành trình hiện đại hóa nền kinh tế thị trường.

Hiệu quả của “room” tín dụng

Lâu nay, “room” tín dụng (hạn mức tín dụng) được Ngân hàng nhà nước (NHNN) sử dụng như một chiếc “van” để kiểm soát cung tiền ra nền kinh tế.

bo-room-tin-dung.jpg
Bỏ “room” tín dụng là cải cách quan trọng tiến tới nền kinh tế kinh tế thị trường

Trước đây, khi tín dụng tăng trưởng rất nhanh, có những giai đoạn tăng trưởng bình quân cả hệ thống trên 30%/năm, tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng nhanh dẫn tới nhiều hệ luỵ và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. Bởi lẽ, khi các nhà băng chạy đua cho vay, chất lượng khoản vay bị ảnh hưởng, nợ xấu gia tăng.

Từ khi NHNN sử dụng room tín dụng trong điều hành, tăng trưởng tín dụng hàng năm đã được kiểm soát chỉ còn 12% -14% trong những năm gần đây, vừa đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.

Có thể thấy, công cụ room tín dụng đã phát huy rất tốt vai trò giúp NHNN điều hành một cách rất linh hoạt, có những tiêu chí rõ ràng để phân bổ tín dụng cho các nhà băng như dựa trên quy mô, chất lượng tài sản, tuân thủ các quy định…

Trong bối cảnh sức khỏe các ngân hàng còn phân hóa rõ nét, nếu không có công cụ này, cơ quan điều hành khó khăn hơn trong việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng cũng như chất lượng tín dụng. Không thể chắc chắn việc các nhà băng không chạy theo lợi ích để tăng trưởng tín dụng. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển tăng trưởng nóng, gây mất ổn định trong hệ thống, nguy cơ dẫn tới nợ xấu là rất lớn.

Bên cạnh đó, room tín dụng còn giúp NHNN kiểm soát lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế. Nhờ đó, lạm phát cũng được kiểm soát một cách chủ động, góp phần ổn định giá trị đồng tiền.

Song đến nay, bối cảnh đã thay đổi, nhất là khi Việt Nam đang đề nghị các quốc gia công nhận quy chế thị trường và ngành ngân hàng đã có thêm nhiều quy chế quản lý an toàn tín dụng. Cơ chế “room tín dụng” ngày càng thể hiện rõ tính phi thị trường, gây rủi ro phát sinh cơ chế “xin – cho” và nhất là gây ách tắc dòng vốn, tạo méo mó thị trường.

Hơn nữa, việc duy trì hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng không chỉ can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng – vốn cũng là doanh nghiệp – mà còn dễ dẫn đến rủi ro pháp lý. Khi hết room, ngân hàng có thể phải vi phạm cam kết hợp đồng tín dụng với khách hàng, tạo tranh chấp dân sự hoặc gây mất niềm tin trong quan hệ thị trường.

Hơn thế, công cụ hành chính room tín dụng trái với mục tiêu quản trị ngân hàng hiện đại, minh bạch, và an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi ngành ngân hàng đã triển khai áp dụng chuẩn Basel 2 cho hàng chục ngân hàng thương mại, và các ngân hàng đã tuân thủ các quy định khắt khe về hệ số an toàn vốn (CAR), giới hạn tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR), thì việc vẫn áp room tín dụng là một hình thức “trói tay” thị trường và kìm hãm sự phát triển của chính hệ thống ngân hàng.

Dần tiến tới bỏ “room” tín dụng

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra một thông điệp cải cách đáng chú ý: yêu cầu NHNN khẩn trương gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng – cụ thể là chấm dứt việc giao chỉ tiêu (room) tín dụng cho từng ngân hàng thương mại – và thay vào đó là cơ chế thị trường với bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng rõ ràng.

Yêu cầu của Thủ tướng phù hợp với một xu hướng cải cách lớn hơn, đã được xác định trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 (Quyết định 986/QĐ-TTg): xây dựng NHNN hiện đại, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các chủ thể kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, bỏ hạn mức tín dụng không có nghĩa buông lỏng kiểm soát tín dụng, mà là thay đổi cách kiểm soát: từ hành chính sang thị trường; từ mệnh lệnh sang chuẩn mực; từ xin – cho sang cạnh tranh bình đẳng.

Đây là một cải cách quan trọng, có thể giúp khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, nâng cao năng lực điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và thúc đẩy thị trường tài chính Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Khi bỏ room tín dụng, Việt Nam sẽ có thêm một cột mốc cải cách quan trọng trên hành trình hiện đại hóa nền kinh tế kinh tế thị trường mà nhiều năm nay chúng ta phải thuyết phục các quốc gia trên thế giới công nhận.

Tuy nhiên, tại hội nghị, TS. Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, về lâu dài có thể bỏ công cụ hạn mức tín dụng và sử dụng các công cụ khác, nhưng chỉ khi các điều kiện của thị trường đã chín muồi và khi chính sách tiền tệ không còn đồng thời phải đạt được nhiều mục tiêu trong cùng một thời điểm như hiện nay. Mặt khác, nếu bỏ room tín dụng, nhất định phải sử dụng các công cụ điều hành khác để đảm bảo mức tăng tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế phù hợp với quy mô GDP, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, và đảm bảo chất lượng tín dụng, hoạt động của các TCTD an toàn.

Chuyên gia kinh tế TS. Châu Đình Linh – Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, bỏ công cụ room tín dụng là chính sách đúng đắn nhưng phải cân nhắc về thời điểm. Cơ quan điều hành phải phân tích kỹ các yếu tố để tìm điểm cân bằng lợi ích và rủi ro.

Nếu muốn bỏ “room” tín dụng, cần phải đáp ứng những điều kiện tiên quyết. Thứ nhất là sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát. Thứ hai là sức khoẻ của hệ thống ngân hàng đồng đều, đảm bảo thực hiện tốt việc tái cơ cấu các TCTD, đáp ứng các chuẩn mực quản trị rủi ro như Basel II, III. Thứ ba, NHNN tăng cường năng lực để giám sát và can thiệp kịp thời trong vấn đề tăng trưởng và kiểm soát chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, cần phát triển thị trường vốn đa dạng hơn, giảm áp lực vốn trung và dài hạn cho hệ thống ngân hàng.

Theo Congly.vn

- Advertisement -spot_img
Mới nhất

Điều tra động cơ phát tán vụ tố Công ty C.P Việt Nam bán thịt heo bệnh

Đại diện Cục C05 cho biết, đơn vị vẫn đang tiếp tục theo dõi, kết hợp chặt chẽ với Công an các địa phương trong quá trình xác minh, điều tra vụ việc Công ty C.P Việt Nam bị tố bán thịt heo bệnh.
- Advertisement -spot_img

Tin liên quan

- Advertisement -spot_img