Nuôi tôm tự phát không theo quy hoạch và các quy định gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho môi trường, kinh tế và xã hội. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần xem xét giải quyết dứt điểm, quy hoạch vùng nuôi cho người dân.
Thống kê từ Chi cục Thủy sản Thanh Hóa trên địa bàn 8 phường của khu vực biển Nghi Sơn có 119 hộ nuôi tôm tự phát vi phạm, cụ thể: Hải Hòa 09 hộ; Ninh Hải 15 hộ; Bình Minh 03 hộ; Hải Thanh 73 hộ và doanh nghiệp; Tĩnh Hải 06 hộ; Xuân Lâm 05 hộ; Trúc Lâm 03 hộ; Hải Bình 05 hộ.

Lực lượng chức năng đã phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan, UBND các xã, phường triển khai tuyên truyền, vận động các trường hợp vi phạm tự tháo dỡ các công trình nuôi tôm trái phép không thả đợt giống mới, chấm dứt việc nuôi tôm trái phép, đồng thời tự tháo dỡ các bể nuôi.
Kết quả sau khi triển khai thực hiện, hiện nay trên địa bàn các xã, phường còn 62 trường hợp nuôi tôm tự phát trái phép trên đất nông nghiệp, đất dự án (giảm 47,9%), cụ thể: Bình Minh 04 hộ; Ninh Hải 09 hộ; Hải Hòa 07 hộ; Hải Thanh 30 hộ; Xuân Lâm 02 hộ; Hải Yến 06 hộ; Hải Ninh 04 hộ.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc chưa xử lý dứt điểm là do các trường hợp nuôi tôm vi phạm trên địa bàn đã diễn ra từ nhiều năm trước. Quy mô xây dựng lớn, trong đó, có cả doanh nghiệp thuê đất đầu tư dự án, kinh phí đầu tư lớn bao gồm bể nuôi, máy móc, vật tư… dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc cưỡng chế phá dỡ.
Điều dễ nhận thấy nhất là việc thải chất thải từ nuôi tôm không kiểm soát có thể làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe của các loài thủy sinh.

Nuôi tôm trái phép có thể dẫn đến việc phá hủy môi trường sống tự nhiên của các loài sinh vật khác, gây mất cân bằng sinh thái. Việc chuyển đổi đất nông nghiệp hoặc đất rừng để nuôi tôm có thể dẫn đến xói mòn, làm giảm độ phì nhiêu của đất.
Ngoài ra, nuôi tôm không theo quy chuẩn có thể dẫn đến sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín và giá trị thương mại của tôm. Có thể tạo ra sự cạnh tranh không công bằng với những người nuôi tôm hợp pháp, gây thiệt hại cho nền kinh tế địa phương và quốc gia.

Không những thế, hoạy động này thường đi kèm với các hoạt động vi phạm pháp luật khác, có thể gây ra xung đột giữa các bên liên quan. Các hoạt động nuôi tôm không bền vững có thể làm giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên, ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân và cộng đồng phụ thuộc vào nghề cá.
Hoạt động nuôi thủy sản ngoài quy hoạch thường không tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong tôm và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trước những lụy nghiêm trọng cho môi trường mà còn ảnh hưởng lớn đến kinh tế và đời sống xã hội, việc quản lý và kiểm soát hoạt động nuôi tôm là rất cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững trong ngành nuôi trồng thủy sản.
Các hộ dân biết là không được nuôi tôm trên diện tích hiện tại nhưng thiếu sinh kế hoặc đầu tư theo phong nên “tất tay” cầm cố nhà cửa, tài sản để làm, dẫn tới không dễ gì từ bỏ. Khi cơ quan chức năng phát hiện thì khó xử lý vì nhiều lý do khác nhau.
Được biết, sau khi ổn định chính quyền 2 cấp tại các phường có liên quan, các đơn vị có liên quan phối hợp với chính quyền địa phương thành lập tổ công tác, tiến hành kiểm tra, tuyên truyền, vận động các trường hợp vi phạm tự tháo dỡ các công trình nuôi tôm trái phép, trả lại hiện trạng ban đầu của đất. Nếu các hộ không chấp hành, sẽ đề nghị UBND phường hoàn thiện hồ sơ và tổ chức cưỡng chế theo quy định.
Theo Congly.vn