Thứ Tư, Tháng 7 9, 2025

Thực trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội: Nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu

Giao thông luôn được xem là lĩnh vực trọng yếu, giữ vai trò then chốt trong việc tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Những năm qua, hạ tầng giao thông đã được đầu tư mạnh mẽ với kỳ vọng tạo nên cú hích đột phá. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều tuyến đường, nút giao trọng điểm có lưu lượng tham gia giao thông lớn, nhất là vào khung giờ cao điểm đã gây ra tình trạng ùn tắc kéo dài.

Áp lực giao thông – thách thức lớn với Hà Nội

anh-29.jpg
Giao thông Hà Nội giờ cao điểm. (Ảnh Nguyễn Quang)

6h45 sáng, chị Cao Thị Ánh Hồng (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) bắt đầu rời nhà đưa con đi học và đến cơ quan ở khu vực Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm). Tuy nhiên, đoạn đường khoảng 10km từ nhà đến cơ quan chị Hồng thường phải di chuyển mất đến gần một tiếng đồng hồ, thậm chí lâu hơn vào những ngày trời mưa hoặc có xảy ra va chạm giao thông.

Không riêng chị Hồng, hàng triệu người dân đang sinh sống, làm việc và học tập tại Thủ đô Hà Nội cũng đang mỗi ngày phải đối mặt với tình trạng tương tự.

Thậm chí nhiều tài xế cho biết, ngay cả khi không phải giờ cao điểm, tốc độ di chuyển trung bình của ô tô ở đô thị cũng chỉ dao động quanh mức dưới 20km/h. Còn vào giờ cao điểm, con số này thậm chí còn tụt giảm gấp đôi, gấp ba, khiến việc di chuyển trở thành hành trình vô cùng gian nan.

Theo thống kê mới nhất của Sở Giao thông vận tải Hà Nội năm 2025, thành phố hiện có hơn 8,5 triệu phương tiện giao thông, trong đó có khoảng 1,2 triệu ô tô và 7 triệu xe máy. Tốc độ gia tăng phương tiện vẫn duy trì ở mức 4-5% mỗi năm, trong khi diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ chiếm 10,5% tổng diện tích đô thị. Mức gia tăng hạ tầng giao thông vẫn chậm, chỉ đạt khoảng 0,5% mỗi năm, chưa đáp ứng được nhu cầu gia tăng phương tiện.

Theo đánh giá trước đây của Sở Giao thông vận tải Hà Nội (Bộ Giao thông vận tải, nay hợp nhất với Bộ Xây dựng), tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố hiện diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều tuyến đường, nút giao thông có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, nhất là vào khung giờ cao điểm. Ở thời điểm đầu năm 2024, toàn thành phố có 33 điểm ùn tắc giao thông. Tính đến hết tháng 11-2024 đã xử lý được 13/33 điểm nhưng lại phát sinh 16 điểm, nâng tổng số thành 36 điểm ùn tắc. Trong đó, có 8 điểm do rào chắn phục vụ thi công công trình; 28 điểm do chậm triển khai đầu tư dự án theo quy hoạch và quá tải kết cấu hạ tầng giao thông.

Những điểm ùn tắc có thể kể đến như các nút giao Cổ Linh – Đàm Quang Trung; nút giao trên đường Trần Nhật Duật (cửa khẩu Chương Dương Độ); ngã tư Trần Phú – Thanh Bình – Phùng Hưng (cầu Trắng – Hà Đông)… và các trục đường Nguyễn Trãi; Láng (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy); các lối lên, xuống đường Vành đai 3 trên cao; đường đê Nguyễn Khoái (đoạn từ Trần Khát Chân đến cầu Vĩnh Tuy)…

Đường Vành đai 3 trên cao theo tính toán là trục giao thông này có lưu lượng 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế; lưu lượng phương tiện qua cầu Thanh Trì, cầu Chương Dương đều gấp hơn tám lần năng lực thiết kế. Do đó chỉ cần có một vụ va chạm nhỏ hoặc khi thời tiết thay đổi, cuối các kỳ nghỉ lễ… là giao thông tại các tuyến này lại trở nên căng thẳng.

Nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông

Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội có xu hướng tăng theo từng năm. Nguyên nhân chung do lưu lượng phương tiện lớn, ý thức tham gia giao thông của người dân còn chưa cao.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như: Tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn tăng cao, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông lại quá hạn chế; rào chắn thi công dự án gây hẹp lòng đường; dừng đỗ xe thiếu ý thức, tạo thành những nút thắt cổ chai trong giờ cao điểm; người tham gia giao thông cố tình không tuân thủ đèn tín hiệu… Từ đó hình thành nên những điểm đen gây ra ùn tắc và tai nạn giao thông.

PGS.TS Nguyễn Minh Tân, giảng viên Khoa Quản lý Giao thông, Trường Đại học Giao thông Vận tải cũng đã nhận định: “Một trong những nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông tại Hà Nội là sự mất cân đối giữa tăng trưởng phương tiện cá nhân và sự phát triển của hạ tầng giao thông. Các dự án giao thông hiện tại không thể đáp ứng kịp sự gia tăng phương tiện, đặc biệt là xe máy và ô tô cá nhân. Bên cạnh đó, một số quy hoạch giao thông chưa được triển khai đồng bộ, dẫn đến tình trạng quá tải vào giờ cao điểm.”

Nhằm ứng phó với ùn tắc, thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố đã nỗ lực thực hiện các giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Sở Giao thông vận tải đã xây dựng Đề án tổng thể giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo.

Trước mắt, để hạn chế ùn tắc, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với Công an thành phố thành lập 5 tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp như: Lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhằm điều tiết lưu lượng, điều chỉnh pha đèn phù hợp với lưu lượng phương tiện; rà soát các bất cập tại các nút giao có mật độ giao thông cao để điều chỉnh tổ chức giao thông; sắp xếp, bố trí lại các điểm dừng, đỗ xe buýt một cách hợp lý; Thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng đã huy động lực lượng bố trí chốt trực, hướng dẫn giao thông tại 143 vị trí…

Đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, hiệu quả để phát triển hạ tầng giao thông, vận tải hành khách công cộng; quản lý, điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải; quản lý nhu cầu giao thông; tuyên truyền, nâng cao ý thức, văn hóa giao thông; và tăng cường xử phạt vi phạm.

Chuyên gia quy hoạch đô thị, TS. Lê Hồng Quang, nhận định: “Đường sắt đô thị là giải pháp chiến lược giúp giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội. Việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị không chỉ giảm tải cho các tuyến đường bộ mà còn tạo ra một phương tiện di chuyển an toàn, hiệu quả. Hà Nội với 15 tuyến đường sắt đô thị trong tương lai sẽ giúp kết nối các khu vực ngoại thành và trung tâm, làm giảm lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông.”

Những nỗ lực không ngừng trong việc đầu tư hạ tầng đang đặt kỳ vọng vào việc từng bước giảm ùn tắc, cải thiện giao thông đô thị Hà Nội trong thời gian tới. Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống đường sắt đô thị và các giải pháp giao thông thông minh, hy vọng tình trạng ùn tắc sẽ được kiểm soát hiệu quả hơn trong tương lai.

Theo Congly.vn

- Advertisement -spot_img
Mới nhất

TP.HCM: Nam sinh viên tử vong bất thường trong phòng trọ

Một sinh viên được phát hiện tử vong bất thường trong phòng trọ ở hẻm 302 đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, TP.HCM, Công an đang điều tra, làm rõ nguyên nhân.
- Advertisement -spot_img

Tin liên quan

- Advertisement -spot_img