Xu hướng mở rộng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước phản ánh thị trường bán lẻ Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, sôi động với đa dạng mô hình.
Dù ảnh hưởng bởi biến động thương mại toàn cầu, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Trong 6 tháng, doanh thu bán lẻ đạt hơn 2,6 triệu tỉ đồng, tăng 7,9% so cùng kỳ, chủ yếu từ nhóm hàng thiết yếu như vật phẩm văn hóa, giáo dục (tăng 11,5%), thực phẩm (9,5%), may mặc (6,1%), đồ dùng gia đình (5,5%)…

Nhu cầu mua sắm, du lịch, giải trí tăng cao dịp lễ, hè cùng các chương trình kích cầu nội địa, khuyến mãi và lượng khách quốc tế gia tăng góp phần thúc đẩy doanh thu. Các trung tâm kinh tế lớn như TPHCM, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Quảng Ninh đều ghi nhận mức tăng trưởng ổn định, phản ánh xu hướng tiêu dùng vững chắc của người dân.
Nắm bắt xu thế này, các doanh nghiệp trong và ngoài nước phản ánh thị trường bán lẻ Việt Nam đã tăng tốc mở rộng với đa dạng mô hình từ trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đến chuỗi nội địa.
Trong năm nay, AEON dự kiến khai trương hàng chục điểm bán mới, đa dạng về mô hình, tại các tỉnh thành. Central Retail của Thái Lan cũng đẩy mạnh mở rộng đầu tư. Hai trung tâm GO! Mall mới tại Hưng Yên và Yên Bái dự kiến đi vào hoạt động trong nửa cuối năm nay. Báo cáo quý 1/2025 của tập đoàn ghi nhận doanh thu tại Việt Nam đạt 14,16 tỉ baht (khoảng 9.900 tỉ đồng), đóng góp 20% tổng doanh thu toàn cầu.
Thương hiệu mới như JINS (Nhật Bản) cũng chuẩn bị khai trương cửa hàng đầu tiên tại TPHCM vào tháng 11 tới, sau khi mở trải nghiệm vào cuối tháng 6, khẳng định cam kết mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Đồng thời, các thương hiệu Trung Quốc như Oh!Some, Polarpopo, KKV, BanTianYao, Wayjie đến và mở rộng, tạo thêm sức cạnh tranh cho thị trường.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa cũng không đứng ngoài cuộc. Saigon Co.op dự kiến mở hơn 150 điểm bán mới trong năm nay, nâng tổng số lên gần 1.000 điểm trên toàn quốc. Còn Bách Hóa Xanh đã đạt 2.180 cửa hàng cuối tháng 5, mở trung bình 2-3 điểm mỗi ngày trong 5 tháng đầu năm.
WinCommerce, dự kiến nâng lên hơn 4.500 cửa hàng vào cuối năm, trong đó 70% tại nông thôn.
Giới phân tích nhận định, cuộc đua tranh giữa các chuỗi bán lẻ nội địa và quốc tế không chỉ diễn ra trên mặt trận mở rộng hệ thống mà còn đặc biệt quyết liệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, nâng cao trải nghiệm mua sắm và phát triển mô hình bán hàng đa kênh (omnichannel). Đặc biệt, cuộc chiến “giữ chân” và “kéo” khách hàng đến mua sắm trong ngành bán lẻ đang ngày càng trở nên khốc liệt và đa chiều.
Điểm bán kênh bán hàng hiện đại chưa tới 15% thị trường, nhưng doanh thu từ các kênh này lại tăng trưởng nhanh chóng. Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), năm 2024 đã vượt qua mốc 1/4 tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Với dự báo thị trường bán lẻ Việt sẽ vượt mốc 200 tỉ USD trong năm nay, doanh nghiệp cần nhanh chóng đổi mới, đầu tư và thích nghi với xu hướng mới để không bỏ lỡ cơ hội.
Theo Congly.vn