Chủ Nhật, Tháng 7 27, 2025

Hòa bình – Giá trị bất biến từ những trang sử “đỏ”

Trên dải đất hình chữ S, từ những vạch đường biên, cột mốc cho đến mỗi hòn đảo, quần đảo… hòa bình chưa bao giờ là thứ được “tặng” – “cho”, mà đó là thành quả đẫm máu, nước mắt và trí tuệ của biết bao thế hệ. Chiến tranh đã lấy đi quá nhiều, nhưng cũng để lại bài học mà các thế hệ mai sau không thể lãng quên: “Không gì quý hơn độc lập, tự do”. Câu nói ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là khẩu hiệu, mà còn là chân lý được chứng nghiệm bằng thực tiễn lịch sử và là bài học tiếp nối đến thế hệ hôm nay. Tất cả như một lời khẳng định: Hoà bình sẽ mãi là giá trị bất biến, là khát vọng, là mục tiêu tối thượng của dân tộc Việt Nam.

Máu và hoa – Những trang sử bất khuất của nhân dân Việt Nam

Lịch sử của dân tộc Việt Nam là một bản hùng ca bi tráng về sự hy sinh không giới hạn vì độc lập, tự do và quyền được sống trong hòa bình của nhân dân. Những chiến công rực rỡ trên chiến trường như Điện Biên Phủ 1954, Chiến dịch Mậu Thân 1968, hay Đại thắng mùa Xuân 1975 không thể được nhắc đến đơn lẻ, nếu thiếu đi sự ghi nhận hàng triệu sinh mạng đã ngã xuống vì Tổ quốc.

1147231806pm.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “… trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Ảnh tư liệu

Theo nhà sử học người Anh John Callow, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là “sự kết tinh giữa tầm nhìn chính trị và chiến lược quân sự độc đáo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và chiến thắng ấy cũng thể hiện sức mạnh, ý chí của của toàn dân: hàng vạn dân công hỏa tuyến gùi lương thực, kéo pháo bằng tay, chặt hàng vạn mét đường rừng, băng qua địa hình hiểm trở.

Không thể không nhắc đến mô hình “quốc phòng toàn dân” mà sử gia Brazil Pedro de Oliviera gọi là “một mô hình hiếm có trong lịch sử nhân loại”, nơi cả hệ thống xã hội – từ cán bộ đến thường dân – được huy động vào cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. Từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người Việt không phân biệt giai tầng xã hội, độ tuổi hay nghề nghiệp – tất cả vì một mục tiêu chung: giữ gìn chủ quyền dân tộc.

Theo TS. Nguyễn Thị Liên – giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – “chính tính toàn dân trong chiến tranh giải phóng dân tộc đã tạo nên sự cộng hưởng khổng lồ, biến khát vọng độc lập trở thành hiện thực”.

Giáo sư, nhà sử học Phan Huy Lê từng nhận định trong một buổi tọa đàm: “Không có dân tộc nào trên thế giới mà mọi tầng lớp – từ trí thức, công nhân, nông dân, phụ nữ, thanh niên, thiếu niên – đều dấn thân, đều chiến đấu như dân tộc Việt Nam. Tổ quốc không chọn ai, Tổ quốc gọi tên tất cả”.

Chắc chắn nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc – chàng trai Hà Nội, sinh viên Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh đã trở thành biểu tượng cho tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong những trang nhật ký đầy cảm xúc, anh viết: “Chúng tôi đi để cho người khác được sống trong hòa bình”. Anh ngã xuống trên đường mòn Trường Sơn khi chưa đầy 21 tuổi. Anh không đơn độc – bởi hàng ngàn thanh niên trí thức, công nhân, nông dân như anh, đã chấp nhận đổi tuổi thanh xuân để lấy một ngày mai, tương lai không tiếng súng.

Lịch sử kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới và cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo đều để lại những chương đẫm máu. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hơn 4.000 chiến sĩ ta hy sinh, nhiều người chưa kịp ghi tên tuổi, còn nằm lại trong rừng sâu hay khe núi. Ở Mặt trận Trị Thiên – Huế năm 1972, hàng ngàn thanh niên xung phong đã ngã xuống trong các trận đánh đẫm máu dọc đường 9 – Khe Sanh. Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979, chiến sĩ ta ngã xuống trong tư thế cầm chắc khẩu súng bảo vệ từng đỉnh cao, từng cột mốc chủ quyền. Họ đều là những chàng trai, cô gái tuổi mới đôi mươi, chưa kịp yêu, chưa từng biết đến một ngày hòa bình. Ra đi mang theo giấc mơ dở dang, để những thế hệ sau được sống trong giấc mơ trọn vẹn.

Suốt dọc dài đất nước, không có làng quê nào không có nấm mồ liệt sĩ. Đó là lý do vì sao ngày 27/7/1947 – chỉ 2 năm sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh chọn ngày này làm “Ngày Thương binh toàn quốc”. Trong thư gửi đồng bào cả nước nhân dịp đầu tiên kỷ niệm ngày 27/7, Người viết: “Thương binh là những người đã hy sinh một phần xương máu của mình vì Tổ quốc, vì đồng bào. Họ là những người con ưu tú của dân tộc. Vì vậy, bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải giúp đỡ họ”.

chien-tranh-viet-nam-13.jpg
Xe tăng của quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, hướng tới Dinh Độc lập.(Ảnh tư liệu)

Hoà bình – một giá trị bất biến

Với dân tộc Việt Nam, hai chữ “hòa bình” không chỉ là khát vọng muôn đời mà còn là thành quả xương máu, được đánh đổi bằng biết bao hy sinh, gian khổ từ mọi tầng lớp nhân dân. Từ người nông dân lam lũ, người thợ công nhân, trí thức cầm bút, đến các cụ già bám làng, các em thơ giữ đất. Đó là cuộc trường chinh của cả dân tộc, kéo dài suốt nhiều thế kỷ với những cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc. Mỗi người dân sinh ra và lớn lên trên dải hình chữ S này đều tâm niệm: Chúng tôi không chiến đấu để chiến thắng, mà hòa bình mới là đích đến cuối cùng.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dấu ấn về những cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc vẫn còn hằn sâu trong tâm khảm người Việt. Những địa danh như Điện Biên Phủ, Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Côn Đảo… không chỉ là những mốc son chói lọi của lịch sử mà còn là những biểu tượng sống động cho cái giá của tự do, cái giá của hòa bình. Mỗi tấc đất, mỗi nắm tro tàn nơi chiến địa đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, máu xương của hàng triệu con người, của những người đã ngã xuống mà không bao giờ thấy được ngày non sông thống nhất.

Chính vì vậy, với Việt Nam, giá trị của hòa bình lại càng trở nên thiêng liêng, khi hơn một nửa thế kỷ đã phải sống trong chiến tranh triền miên. PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – từng nhấn mạnh trong một bài phỏng vấn với TTXVN: “Chúng ta không bao giờ được phép quên rằng hòa bình của hôm nay là sự đánh đổi quá lớn của quá khứ. Những cuộc kháng chiến không chỉ chống lại một thế lực, mà chống lại cả sự áp đặt, nô dịch văn hóa, tư tưởng”.

Trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều xung đột, chiến tranh và bất ổn, khi nhìn lại những mất mát mà dân tộc Việt Nam từng trải qua để giữ vững hòa bình, ta càng thấm thía rằng: Hòa bình không chỉ là một hiện trạng – đó là giá trị bất biến, là lý tưởng thiêng liêng, là cốt lõi của mọi cuộc đấu tranh. Đó là một sứ mệnh được truyền trao, một di sản mà thế hệ hôm nay có trách nhiệm giữ gìn bằng tri thức, bản lĩnh, đạo đức và lòng yêu nước đúng nghĩa.

Thế hệ hôm nay có thể không còn đối diện với chiến tranh bom đạn, nhưng vẫn đang ở giữa những “mặt trận” khác – từ chủ quyền biển đảo, đến nguy cơ “chiến tranh thế hệ mới” trên các lĩnh vực văn hóa và kinh tế – xã hội. Để gìn giữ hòa bình, chúng ta cần sự tỉnh táo và bản lĩnh không kém gì thời chiến.

Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết: “Bắt đầu năm 2014, từ những sĩ quan đầu tiên làm nhiệm vụ cá nhân tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, đến nay, Việt Nam đã triển khai thành công 1.083 lượt sĩ quan, quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam và sĩ quan Công an nhân dân với 2 loại hình đơn vị và cá nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”. Những đóng góp ấy không chỉ thể hiện tinh thần quốc tế, mà còn là minh chứng cho năng lực gìn giữ hòa bình trong thời đại mới – dựa trên trí tuệ, ngoại giao và tinh thần trách nhiệm.

Nhà sử học John Callow đánh giá rằng tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ dẫn dắt Việt Nam đi tới độc lập mà còn xây nền cho một quốc gia chủ động hòa nhập, không lệ thuộc. “Đó là cách một dân tộc làm chủ vận mệnh của chính mình, tự kiến tạo nó bằng cả trí và lực”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với VietnamPlus.

Khi nhắc đến hòa bình, chúng ta thường nghĩ đến sự yên ổn, đến những buổi sáng trong trẻo không có tiếng súng. Nhưng với Việt Nam, hòa bình sâu hơn thế – nó là khát vọng xuyên suốt hàng thế kỷ, là giấc mơ của những người đã ngã xuống, là sự sống còn của một dân tộc biết đứng dậy từ tro tàn.

outside_image_72522b95-4e20-4dad-bcf4-1dd5511b833a_1736141765240.jpg
Thế hệ trẻ hôm nay tự tin kế thừa hoà bình, những giá trị từ thế hệ cha ông để lại và phát huy, phát triển, hướng tới tương lai, dựng xây đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng của với khẩu hiệu: “Thanh niên Việt Nam yêu nước – khát vọng – đoàn kết – tiên phong – sáng tạo – tự tin bước vào kỷ nguyên mới”. Nguồn: thanhnien.vn

Hòa bình không phải là một giai đoạn, mà là một quá trình. Một đất nước từng bị đô hộ triền miên, nay đã trở thành một phần tích cực trong cộng đồng quốc tế. Có được điều đó không chỉ nhờ vào lòng yêu nước, mà còn nhờ vào sự tiếp nối bài học từ lịch sử: Không ai khác, chính nhân dân Việt Nam tự quyết định vận mệnh đất nước mình.

Chúng ta hôm nay có thể sống, yêu, và mơ ước – đó là đặc ân từ lịch sử. Nhưng đặc ân đó chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta không thờ ơ, và luôn nhớ rằng: Hòa bình là giá trị phải gìn giữ bằng hành động, bằng lòng trung thành với Tổ quốc, và bằng sự tỉnh táo trước mọi thử thách của thời đại.

Theo Congly.vn

- Advertisement -spot_img
Mới nhất

Bắt tạm giam lái xe gây tai nạn liên hoàn khiến 2 cha con tử vong

Dương Kiệt Tâm điều khiển xe nhưng không chấp hành quy định về khoảng cách an toàn nên đã gây ra vụ tai nạn liên hoàn nghiêm trọng khiến 2 cha con tử vong.
- Advertisement -spot_img

Tin liên quan

- Advertisement -spot_img