Chiến dịch ‘Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng’ đã tập trung trang bị cho người dân 5 nhóm kỹ năng chính.
Việt Nam có hơn 70 triệu người (trên tổng số 100 triệu dân) sử dụng Internet. Người Việt phải thường xuyên đối mặt với vấn nạn lừa đảo trực tuyến. Các đối tượng lừa đảo tìm mọi cách để lợi dụng, khai thác vào điểm yếu nhất là con người. Bằng thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã sử dụng các biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản.
Cục An toàn thông tin cho biết, trong 9 tháng qua đã tiếp nhận hơn 22.200 phản ánh của người dùng Internet về các trưởng hợp lừa đảo trực tuyến.
Chính vì thế, Bộ TT-TT vừa phát động chiến dịch “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng”. Chiến dịch sẽ được triển khai rộng từ ngày 10/10-20/11. Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) và mục tiêu xa là hướng tới góp phần tạo niềm tin để người dân yên tâm giao dịch trên môi trường số.
Được biết, trong thời gian diễn ra chiến dịch, Cục An toàn thông tin sẽ phối hợp với các Bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương cũng như các doanh nghiệp an toàn thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến, nền tảng mạng xã hội và các cơ quan báo chí truyền thông, trang bị kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dân.
Cụ thể, các cơ quan, đơn vị cần trang bị cho người dân 5 nhóm kỹ năng chính được nêu trong “Cẩm nang kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” gồm: kỹ năng nhận biết, kỹ năng phát hiện, kỹ năng xử lý, kỹ năng phòng tránh và kỹ năng bảo vệ. Với mỗi nhóm kỹ năng, cẩm nang cung cấp từ những kỹ năng cơ bản đến các kỹ năng nâng cao.
Cục An toàn thông tin mong muốn chiến dịch sẽ lan tỏa mạnh mẽ và người dân có thể áp dụng khi tham gia vào không gian mạng.
Theo kinhtedothi.vn