Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ thuận lợi hơn trong điều hành, song diễn biến chung cho thấy, các ngân hàng sẽ tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định, tập trung tăng trưởng chất lượng, mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế.
Đây là ý kiến của chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi phân tích về những tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất ngày 18/9 vừa qua.
Tác động tích cực tới hoạt động kinh tế
Trong tháng 9 vừa qua, Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5%, lần đầu tiên sau 4 năm. Việc này tác động tới kinh tế Việt Nam thế nào, thưa ông?
– Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5%, qua đó phát tín hiệu về một chu kỳ chính sách tiền tệ nới lỏng. Thời gian này, ở Mỹ, lạm phát đang được kiểm soát tốt, tuy ở mức trên 2% nhưng đang xu hướng giảm. Fed có lý do để khi giảm lãi suất, giảm chi phí vốn cho các DN sẽ tăng tỷ lệ người lao động, để hỗ trợ tăng trưởng.
Việc giảm lãi suất của Fed sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam. Thứ nhất, lãi suất thấp hơn và đồng USD có thể yếu hơn làm giảm giá trị so với VND. Ở chiều ngược lại, giá trị VND tăng lên, chặn đà mất giá hay nói cách khác là giảm áp lực tỷ giá tăng. Đó là tác động trực tiếp.
Còn tác động gián tiếp, có thể thấy rõ là việc giảm chênh lãi suất tiền VND và USD, từ đó, làm giảm áp lực lên tỷ giá. Nếu trước đây, lãi suất USD cao, trong khi lãi suất VND thấp thì có hiện tượng giá trị VND so với giá trị USD thấp (áp lực tỷ giá lên).
Thứ hai, có lợi cho ngoại thương. Vì nếu tỷ giá ổn định góp phần giảm chi phí nhập khẩu, giảm bớt áp lực lên lạm phát của VND. Ngoài ra, lãi suất toàn cầu có xu hướng giảm sẽ kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất – kinh doanh của DN và người dân, giúp kinh tế thế giới giữ đà tăng trưởng và bền vững hơn, kích cầu hàng hóa – dịch vụ, từ đó thúc đẩy nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Về hoạt động đầu tư, việc Fed giảm lãi suất giúp góp phần ổn định mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vốn nợ và đầu tư bằng ngoại tệ của DN tại Việt Nam. Chi phí vốn vay của Chính phủ và DN FDI bằng ngoại tệ cũng giảm một phần. Điều này vừa góp phần giảm rủi ro nợ vay vừa kích cầu tín dụng, đầu tư trong thời gian tới. Và việc tỷ giá VND ổn định sẽ bổ trợ khuyến khích hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Lãi suất phù hợp với bối cảnh Việt Nam
Trong khi nhiều ngân hàng T.Ư giảm lãi suất nhưng vì sao thời điểm này NHNN vẫn chưa giảm lãi suất điều hành?
– Với Việt Nam, trước triển vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9, NHNN đã thực hiện giảm lãi suất cho vay cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) lần đầu tiên kể từ cuối năm 2023 từ 4,5% về 4,25% ngày 5/8, và lần thứ 2 về 4% vào ngày 16/9.
Việc giảm 2 loại lãi suất nêu trên được cho là nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng sau giai đoạn tăng lãi suất để giảm áp lực tỷ giá. Nên nhớ rằng, trước khi Mỹ giảm lãi suất 0,5% tháng 9 vừa qua, quốc gia này đã có đợt tăng lãi suất liên tục. Trong lộ trình này, Fed đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản 4 lần liên tiếp và lần cuối cùng tăng lãi suất là vào tháng 7/2023. Suốt vài tháng qua, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu tín dụng dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong các tháng cuối năm.
Thực tế, lãi suất trên kênh thị trường mở mà NHNN tác động qua đó giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đi xuống (thị trường 2) sẽ hỗ trợ chi phí vốn cho các ngân hàng, qua đó gián tiếp giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trên (thị trường 1) – nơi giao dịch giữa các định chế tài chính với DN và dân cư.
NHNN đã nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn Fed, lãi suất của Việt Nam hiện đã rất thấp rồi, nên khả năng từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ sẽ ổn định.
Bối cảnh hiện nay còn phải tính đến lạm phát, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối… NHNN nước cần cân bằng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong bối cảnh áp lực tỷ giá và lạm phát gia tăng…
Tình hình thế giới biến động, cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, xung đột chính trị quân sự leo thang khó lường, thiên tai, bão lũ… đẩy giá hàng hóa thế giới tăng, từ đó gây sức ép lạm phát lên Việt Nam – vốn có độ mở với thế giới rất cao. Trong những ngày qua giá dầu thô đã quay trở lại tăng cao do tình hình căng thẳng của Trung Đông.
Đây cũng là tâm tư của Thống đốc NHNN khi phân trần với các DN về nhu cầu giảm lãi suất cho vay gần đây. Vì nhiệm vụ của NHNN là đa mục tiêu. Gần đây tỷ giá trong nước tăng mạnh trở lại là do đâu, trong khi Fed đang giảm lãi suất đồng USD?
– Sau một giai đoạn hạ nhiệt từ tháng 8 và tạo đáy vào tháng 9, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với USD lại tăng trở lại từ đầu tháng 10 đến nay. Việc tỷ giá tăng không chỉ do chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND mà còn nhiều yếu tố khác trong đó có cung – cầu trên thị trường. Nhu cầu đồng USD tăng cũng đẩy tỷ giá lên. Dịp cuối năm nhu cầu ngoại tệ thanh toán của nhóm doanh nghiệp nhập khẩu và FDI phát sinh.
Biến động tỷ giá chưa đáng ngại đáng quan ngại. Giá USD trên thị trường phi chính thức leo thang trở lại, trong khi giá tại các ngân hàng vẫn ổn định. Fed có thể cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2024 nếu dữ liệu kinh tế tiếp tục diễn biến tích cực. Điều này có thể giúp giảm bớt áp lực lên VND. Tuy nhiên, lưu ý rằng, bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Fed cũng đều có thể tạo ra những biến động lớn trên thị trường ngoại hối Việt Nam.
DN vẫn mong giảm lãi suất, theo ông lãi suất như hiện nay đã phù hợp hay chưa?
– Hiện nay, lãi suất điều hành của NHNN đã ở ngưỡng tương đối thấp, ở mức 3 – 4,5% so với lạm phát mục tiêu là 4 – 4,5%. Chênh lệch lãi suất thực giữa lãi suất điều hành và lạm phát là tương đối hẹp. Do đó, dư địa để tiếp tục nới lỏng tiền tệ là không nhiều. Tôi cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ hiện nay phù hợp với bối cảnh kinh tế vĩ mô, lạm phát và sức chịu đựng của các tổ chức tín dụng.
Trên cơ sở cân bằng giữa các yếu tố phục hồi kinh tế, áp lực lạm phát vừa phải và tiền đồng yếu đi so với USD, tới lúc nào đó, NHNN có thể sẽ thuận lợi hơn trong điều hành, song diễn biến chung cho thấy các ngân hàng sẽ tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp để ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng. DN và người đi vay nói chung không nên kỳ vọng lãi suất cho vay giảm sâu hơn nữa, do tỷ lệ nợ xấu vẫn đang có xu hướng gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây và làm tăng thêm chi phí trích lập dự phòng của các ngân hàng.
Tín dụng chảy đúng chỗ
DN vẫn khó tiếp cận vốn giá rẻ và mong muốn được nhanh chóng dễ dàng hơn với nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh? Giải pháp nào để cả hai bên ngân hàng – DN “win – win”?
– Các ngân hàng luôn có các điều kiện và điều khoản chặt chẽ và DN muốn vay được phải chấp nhận tuân thủ. Cần thay đổi chính sách liên quan đến tín dụng đặc biệt về tài sản thế chấp, nhất là tài sản thế chấp trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng giá trị cho vay trên tài sản thế chấp. Và đặc biệt là cần phát huy vai trò, hiệu quả của Quỹ bảo lãnh tín dụng. Cần khai thác các nguồn tài trợ từ Nhà nước, các bộ, ngành và từ dự án để tổ chức thêm một số chương trình nhằm nâng cao năng lực cho các DN nhỏ và vừa.
Nhà nước thành lập và phát triển các định chế tài chính thuộc sở hữu Nhà nước để thực hiện chính sách bảo lãnh tín dụng cho DN. Hoạt động cơ bản của các định chế này là thực hiện chính sách bảo lãnh những khoản tín dụng ngân hàng của các DN nhỏ và vừa nhằm khuyến khích các DN đầu tư dài hạn, đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập vào thị trường quốc tế.
Mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 khoảng trên 7%, tăng trưởng quý IV từ 7,5 – 8%. Từ nay tới cuối năm sẽ có một lượng vốn được đẩy mạnh vào nền kinh tế. Theo ông tăng trưởng tín dụng có đạt mục tiêu đề ra 15%? Làm sao để dòng vốn được hấp thụ, đi vào đời sống sản xuất, kinh doanh một cách kịp thời và hiệu quả?
– Với việc nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực trong quý II và 9 tháng năm 2024, cộng thêm mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục được giữ ổn định ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ về đích. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, chúng ta không phải tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá mà phải bảo đảm chất lượng.
Hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam trên 125%. Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong nhóm nước có thu nhập trung bình.
Chúng ta cần chính sách kích cầu và biện pháp kích cầu tốt hơn là chính sách tài khóa. Theo quan điểm của tôi, chính sách tài khóa kích cầu sẽ bao gồm tăng chi tiêu của Chính phủ, đặc biệt là đầu tư công. Bên cạnh đó, chi tiêu cho các chương trình xã hội, ví dụ chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cũng cần được chú trọng. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, chính sách tài khóa tiếp tục giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Đối với chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp vốn cho DN…
Xin cảm ơn ông!
Đến ngày 30/9, tăng trưởng tín dụng đạt 9%. Con số giải ngân sau 9 tháng của các ngân hàng đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, khoảng 60%. Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm 2024, còn khoảng 800.000 tỷ đồng cần được bơm vào nền kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% đã đề ra, mở ra cơ hội phục hồi cho nền kinh tế khi dòng vốn sẽ được giải ngân mạnh mẽ hơn vào những lĩnh vực then chốt, tiếp sức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho DN hiệu quả hơn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Theo kinhtedothi.vn