Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
24 C
Hanoi
Chủ Nhật, 24/11/2024, 14:20

Nâng cao giá trị sử dụng đất, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

Sáng 18/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.

Hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị đất trồng trọt

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh đất là nguyên liệu đặc biệt phục vụ sản xuất, trồng trọt. Các tổ chức quốc tế đã đặt ra vấn đề làm sao gìn giữ, cải tạo đất tốt hơn.

Hiện nay, bình quân diện tích đất đai trên đầu người thấp; cộng với tập quán thâm canh, chuyên canh, sử dụng không cân đối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ô nhiễm đất do sự phát triển của các khu công nghiệp, làng nghề; tác động của biến đổi khí hậu dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn, phèn hóa… đã làm sức khỏe đất bị suy giảm nghiêm trọng.

bo-nong-nghiep.jpg
Thứ trưởng Bộ NN – PTNT Hoàng Trung phát biểu tại hội nghị

Trước thực trạng đó, đã có nhiều hoạt động quản lý và kỹ thuật đã được triển khai. Hành lang pháp lý về sức khỏe đất cũng đã được hoàn thiện cơ bản, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, công tác quản lý sức khỏe đất vẫn còn nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết.

Ông Hoàng Trung cũng cho biết, từ ngày 25/6, Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội nghị, đưa ra hiện trạng và giải pháp về đất trồng trọt. Lúc đó, có nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế được thảo luận. Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp cùng các chuyên gia thực hiện Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng”. Đề án đã xác định rõ vai trò của quản lý đất và dinh dưỡng cây trồng trong việc ngăn chặn suy thoái đất, phát triển nông nghiệp hữu cơ và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thống kê năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, nhóm đất nông nghiệp của cả nước là hơn 27,9 triệu héc ta. Các loại đất nông nghiệp, gồm: Đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối và đất nông nghiệp khác. Trong nhóm đất nông nghiệp, diện tích đất trồng lúa là hơn 3,9 triệu héc ta; đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng là hơn 7,3 triệu héc ta; diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 3.949.158ha.

Đất trồng trọt bị suy giảm nghiêm trọng do tập quán canh tác trồng nhiều vụ một năm; lạm dụng các loại phân bón trong thời gian dài, dẫn tới đất bị trơ cứng, mất độ tơi xốp; tập quán canh tác độc canh lấy đi chất lượng dinh dưỡng của đất.

Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” ra đời với mục tiêu và kỳ vọng giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả, nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cục Trồng trọt đã xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về đất điều tra khảo sát thực trạng đất tại các vùng có nguy cơ; tổ chức các hội thảo…; xây dựng chiến lược để quản lý sức khỏe đất của quốc gia liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp để trình Chính phủ ban hành.

Sử dụng phân bón hiệu quả giúp đất khỏe

Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam đánh giá Đề án được ban hành đúng thời điểm, việc nâng cao sức khỏe của đất trồng là cần thiết do chất lượng đất đã bị suy giảm rất nhiều, đặc biệt là độ phì nhiêu của đất.

nong-nghiep.jpg
Ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam phát biểu

Theo ông Hà, mối liên hệ giữa đất với cây trồng là đương nhiên, giữa đất và cây là phân bón. Cây trồng muốn phát triển phải có phân bón, nếu không sử dụng phân bón thì 50% dân số sẽ thiếu lương thực.

Thực trạng tại Việt Nam, quá nhiều dư lượng phân bón trong đất trồng và cao hơn so với chỉ số trung bình của thế giới, đặc biệt là dùng quá dư thừa phân bón vô cơ. Thứ hai, nhiệm vụ đề ra cho ngành phân bón là phải làm sao giảm phân bón hữu cơ, tăng phân bón hữu cơ. Tới đây, nếu việc áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón, các nhà đầu tư sẽ có sự điều chỉnh, thay đổi trong quá trình sản xuất.

Còn PGS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam nhận định, việc bổ sung, tăng cường chất hữu cơ cho đất là việc cần thiết, lâu dài.

bo-nong-nghiep(1).jpg
PGS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, tham luận tại hội nghị

“Chúng tôi mong muốn có chương trình quốc gia nâng cao sức khỏe của đất gắn với cây trồng. Nói về sức khỏe đất có lẽ là khái niệm chưa rõ ràng, không phải ai cũng biết. Coi đất như là một cơ thể sống với 3 thành phần chính: vật lý đất, khoa học đất và sinh vật đất. Cần có chiến lược tăng cường hữu cơ cho đất tầm nhìn đến năm 2050 và thậm chí có thể hơn nữa. Nếu đất khỏe, sản xuất thực phẩm sẽ an toàn, con người sẽ khỏe mạnh và thế hệ sau cũng sẽ khỏe mạnh. Đây là việc làm lâu dài, liên tục”, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam phát biểu.

Bổ sung chất hữu cơ trong đất là yếu tố quan trọng nhất trong vật lý đất, khoa học đất và sinh vật đất. Hội Khoa học Đất có thể tham gia trực tiếp nhiệm vụ phân loại của đất Việt Nam. Việt Nam hiện vẫn chưa có sự thống nhất trong phân loại đất kể từ khi thống nhất đất nước, hiện vẫn đang sử dụng hệ thống phân loại đất cũ.

Ông Dũng khẳng định, nếu được Bộ chấp thuận, nửa đầu năm 2025, Hội sẽ hoàn thành nhiệm vụ thống kê, phân loại đất của Việt Nam; cuối 2025 sẽ hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sức khỏe đất cùng với các cơ quan của Bộ NNPTNT.

Đẩy mạnh truyền thông để triển khai hiệu quả Đề án

Nhấn mạnh tới công tác truyền thông có nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong quá trình triển khai đề án, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết thời gian qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam thường xuyên phối hợp với các Cơ quan Bộ NNPTNT để tổ chức các diễn đàn nông nghiệp, kết nối và truyền thông trong và ngoài nước.

trien-khai-de-an-nang-cao-suc-khoe-dat-va-quan-ly-dinh-duong-cay-trong-112852_192.jpg
Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch cho rằng, liên quan tới quá trình triển khai đề án, “truyền thông phải đi trước để tác động đến tư duy và nhận thức của người dân”.

“Truyền thông phải đi trước để tác động đến tư duy và nhận thức của người dân, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác. Đồng thời, tạo dựng niềm tin và sự ủng hộ của cộng đồng cho các chính sách và chương trình.

Báo Nông nghiệp Việt Nam cam kết sẽ là cầu nối để tuyên truyền về đề án cũng như các chủ trương chính sách của Bộ NNPTNT và Nhà nước. Đẩy mạnh lan tỏa kiến thức, những giải pháp khoa học – kĩ thuật về sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng đến người dân cũng như mục tiêu, lợi ích của đề án. Từ đó, giúp các địa phương hiểu và chung tay thực hiện hiệu quả”, ông Nguyễn Ngọc Thạch nói.

Ngoài ra, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, phóng viên của Báo luôn tích cực đến từng địa phương để ghi nhận thực trạng đất của từng vùng cụ thể. Trên cơ sở đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà khoa học có thể xem xét, tích hợp các giải pháp phù hợp với sức khỏe và dinh dưỡng đất từng vùng, hướng đến triển khai đề án hiệu quả.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung khẳng định, đất là nguyên liệu đặc biệt phục vụ sản xuất, trồng trọt nên phải gìn giữ, cải tạo đất tốt hơn. Bộ NN&PTNT đề nghị, Ban soạn thảo Đề án cần có lộ trình cụ thể, quy trách nhiệm rõ ràng tới từng địa phương. Sau đó, quá trình làm cần sơ kết, tổng kết, nhằm nhận diện khó khăn và tìm giải pháp tháo gỡ.

Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật tham gia xây dựng chi tiết này, sau đó Bộ sẽ tiếp thu mọi ý kiến trước khi ban hành chính thức. Cục Trồng trọt phối hợp Cục Bảo vệ thực vật phải đánh giá được kỹ từng loạt đất ở từng địa phương, từ đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cây trồng phù hợp…

Theo Congly.vn

Mới nhất

Giá vàng hôm nay 24/11: tăng mạnh liên tục cả tuần, SJC lên đến 5 triệu/lượng

Giá vàng trên thị trường quốc tế và trong nước tuần qua tăng mạnh liên tục. Thế giới tăng đến 147 USD/ounce, giá vàng miếng SJC tăng đến 5 triệu đồng/lượng trong tuần.

Tin liên quan