Nghề nuôi biển của tỉnh Quảng Ninh nói chung và thị xã Quảng Yên nói riêng chịu tổn thất nặng nề sau khi siêu bão số 3 (Yagi) đổ bộ.
Những khó khăn, thách thức mà cơn bão để lại đòi hỏi chính quyền địa phương và ngư dân nuôi biển phải có sự kiên trì đủ lớn, quyết sách đủ mạnh để có thể vực dậy.
Thiệt hại “ngoài sức tưởng tượng”
Hơn một tháng nay, ông Nguyễn Ngọc Tài (trú tại xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) không về nhà để bám trụ trên bè, ngày ngày vật lộn với đống hoang tàn, đổ nát từng là cả cơ nghiệp của gia đình.
Ở bên trong chiếc chòi vừa được gia cố lại để ở tạm, gương mặt ông Tài lộ rõ vẻ mệt mỏi, thất thần khi tài sản không còn, toàn bộ tư liệu sản xuất bị phá huỷ, trong khi các khoản nợ vẫn đè nặng trên vai.
Ông Tài cho biết, để bảo vệ tài sản trước khi bão đổ bộ, gia đình đã thuê người đóng cọc, chằng chống lại toàn bộ bè, nhưng hôm bão vào, khi thấy sức gió khủng khiếp cũng đã có dự cảm “lành ít, dữ nhiều”. Tuy nhiên, dù đã xác định tâm thế sẽ bị thiệt hại, nhưng khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng trên biển thì thật sự vẫn vượt ngoài sức tưởng tượng.
“Cả một vùng biển trắng xóa, toàn bộ lồng bè nuôi biển bị xóa sổ. Chứng kiến cảnh tượng đó thật sự dù có cứng cỏi đến mấy cũng thấy bàng hoàng, bật khóc vì mất mát quá lớn” – ông Tài chia sẻ.
Hơn 12 năm làm nghề nuôi trồng thủy sản trên biển, ông Tài cho biết, tổn thất lần này là nặng nề nhất đối với gia đình vốn đã trải qua nhiều thăng trầm với nghề nuôi biển.
Trước thời điểm bão, gia đình ông có 20 cặp bè (tương ứng 400 bè con) với 20 vạn dây hà đại dương. Trong đó, có khoảng 10 vạn dây hà giống, 6 vạn dây hà nhỡ nuôi trên 1 năm và 4 vạn dây hà nuôi trên 2 năm sắp đến ngày thu hoạch. Số hà trong độ thu hoạch ước khoảng 250 tấn. Với giá hà hiện tại hơn 13.000 đồng/kg, vị chi gia đình anh Tài mất trắng hơn 3,2 tỷ đồng tiền hà, chưa kể tiền đầu tư cơ sở, con giống và công chăm sóc.
Vực dậy tinh thần sau nhiều ngày thất thần khi tận mắt thấy gia sản hàng tỷ đồng bỗng chốc mất trắng, ông Tài bắt tay tiến hành thu dọn, cố vớt vát được cái gì hay cái đó để gây dựng lại nghề. Bởi ngoài việc nuôi biển, gia đình ông không còn nghề nào khác đủ khả năng chi trả những món nợ vẫn còn.
Nằm cách bè nhà ông Tài không xa là khu vực nuôi của gia đình bà Lê Thị Hương (cùng trú tại xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cũng trong tình cảnh thiệt hại nặng nề. Siêu bão ập đến đúng lúc hà đại dương của gia đình bà Hương đang độ lớn, sắp đến ngày thu hoạch.
Nhìn những mảng bè xác xơ trôi dạt trên biển, bà Hương nghẹn ngào cho biết, trước kia nuôi hà chỉ mất 12-13 tháng, nhưng bây giờ mật độ nuôi đông, nguồn thức ăn thu hẹp nên một lứa hà muốn thu hoạch được phải mất 2-3 năm.
“Bão đổ bộ vào đúng đợt gia đình tôi vừa nhận tiền đặt cọc, chuẩn bị bán lứa hà đại dương cuối cùng trước khi xuống giống đợt mới. Sau bão chúng tôi mất hết tất cả” – bà Hương ngậm ngùi.
Theo lời kể của những ngư dân nơi đây, khu vực nuôi trồng thủy sản tại xã Hoàng Tân từng hoạt động sôi động và tấp nập nhất của thị xã Quảng Yên thì nay đều trong tình cảnh gần như mất sạch tài sản. Những lồng bè bị bão đánh vỡ tan, chỉ còn lại một ít mảng bè gỗ, phao nhựa. Có người thậm chí còn không tìm lại được bè của mình.
Ông Ngô Doãn Cương – Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tân, cho biết: Địa phương có số lượng hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại lớn nhất thị xã Quảng Yên với 381 hộ, diện tích nuôi trên 1.260ha. Trong đó, diện tích nuôi bị thiệt hại 30-50% là 29,9ha; diện tích nuôi bị thiệt hại từ 70% trở lên là hơn 1.230ha.
Hiện người dân đang cố gắng vớt vát những dây treo hà còn sót lại để tiếp tục nuôi trồng, với mong muốn có thể tái sản xuất trong thời gian sớm nhất.
Chung tay tái thiết nghề nuôi biển
Qua thống kê sơ bộ của thị xã Quảng Yên, ước tính thiệt hại do bão số 3 gây ra lên tới hơn 2.346 tỷ đồng. Số hộ dân bị thiệt hại đang vay nợ của các ngân hàng lên tới 2.653 người, với tỷ lệ thiệt hại 40-100% trị giá tài sản, tổng trị giá dư nợ bị thiệt hại ước tính trên 680 tỷ đồng.
Để sớm khôi phục nghề nuôi trồng thủy sản, Quảng Yên cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn trước mắt. Cụ thể, thị xã đã tiến hành giao khu vực biển cho 142 hộ nuôi hàu, hà (đợt 1) và hoàn thành giao khu vực biển cho 435 hộ còn lại trong tháng 10.
Đồng thời, chính quyền địa phương huy động đóng góp từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ phao nổi hợp quy và một phần con giống phục vụ sản xuất những hộ dân bị thiệt hại được giao khu vực nuôi biển…
Ông Trần Đức Thắng – Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, cho biết: Cùng với với công tác khắc phục hậu quả của bão số 3, địa phương đang khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tác động thiệt hại của cơn bão đối với tăng trưởng kinh tế trong từng lĩnh vực để điều chỉnh, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024 và kế hoạch năm 2025 phù hợp với tình hình mới.
Trước mắt, Quảng Yên đề xuất tỉnh nghiên cứu cho phép thị xã quy hoạch tạm thời một số vùng nuôi tập trung tránh mặn, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất đối với nuôi hà đại dương.
Theo Congly.vn