Ngày 23/10, tại TP Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo năm 2024 cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Chủ trì và báo cáo tại buổi tập huấn có ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT; Thượng tá Phạm Ngọc Khoái – Nguyên Trợ lý phòng Tuyên huấn Bộ đội Biên phòng – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Ths. Nguyễn Thị Tuyết Giang – Trưởng phòng Phòng Công pháp quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp.
Buổi tập huấn nhằm nâng cao hiểu biết của đội ngũ làm công tác truyền thông về biển và hải đảo, nhấn mạnh vai trò, vị trí, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông, về tài nguyên – môi trường và sự phát triển bền vững kinh tế biển, đồng thời nâng cao nhận thức về hợp tác quốc tế, về biển và đại dương.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT chia sẻ: Biển Đông, với ý nghĩa chiến lược quan trọng, luôn là tâm điểm về quân sự và sự phức tạp về pháp lý. Nhìn lại năm 2023 và những diễn biến xảy ra trong những tháng đầu năm 2024 thấy rằng, vùng biển này đang nóng lên do sự tác động qua lại phức tạp giữa các nỗ lực ngoại giao, thế trận quân sự, hợp tác khu vực, và vi phạm pháp lý. Việc giải quyết các thách thức ở Biển Đông sẽ đòi hỏi phải có chính sách ngoại giao đa sắc thái, các nỗ lực hợp tác trong khu vực và cam kết duy trì các chuẩn mực quốc tế.
“Những biến động tại Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích tối cao của dân tộc là an ninh, chủ quyền quốc gia. Do đó, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo là quá trình đấu tranh lâu dài, cần phải kết hợp sức mạnh nội lực của quốc gia, kết hợp sự ủng hộ từ quốc tế và quan trọng là đảm bảo giữ vững hòa bình, ổn định trên thực địa và tuân thủ pháp lý quốc tế”, ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT nhấn mạnh thêm.
Bên cạnh đó, Việt Nam kiên trì theo đuổi chính sách: tôn trọng đầy đủ, thiện chí thực thi các quy định của luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, thúc đẩy hợp tác biển dựa trên UNCLOS.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về biển bằng các chính sách cụ thể như: Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trên cơ sở đó, ngày 30/5/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng;
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26/NQ-CP về việc ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đặc biệt, gần đây ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 139/2024/QH15 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại buổi tập huấn, Thượng tá Phạm Ngọc Khoái đã chia sẻ một số thông tin về tình hình các khu vực biên giới và công tác thực thi pháp luật của lực lượng bộ đội biên phòng ở các tuyến biên giới với tình hình an ninh chính trị được duy trì ổn định.
Ths. Nguyễn Thị Tuyết Giang – Trưởng phòng Phòng Công pháp quốc tế Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp, đã chia sẻ một số nội dung về chính sách, pháp luật về biển, đảo trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, Ths. Nguyễn Thị Tuyết Giang cũng phổ biến về các điều ước quốc tế, một số quy định của pháp luật Việt Nam tại Hiến pháp năm 2013, Luật Biên giới quốc gia; Luật Biển Việt Nam năm 2012… Việt Nam đã ban hành các Luật chuyên ngành liên quan đến quản lý và sử dụng biển như: Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Dầu khí năm 2022, Luật Thủy sản năm 2017, Luật cảnh sát biển Việt Nam năm 2018…
Trong các điều ước quốc tế hiện nay, Ths. Nguyễn Thị Tuyết Giang khẳng định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là công cụ pháp lý hữu hiệu để Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển.
Hội nghị tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về chính sách pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc cho đội ngũ cán bộ, Phóng viên, Biên tập viên trong thời gian đến.
Theo Congly.vn