Nghề làm bún gạo truyền thống ngày càng có nguy cơ mai một do nhiều yếu tố, thế nhưng ở xã Hưng Hòa, TP Vinh lại có một hộ gia đình với cơ sở sản xuất bún gạo truyền thống hết sức quy mô và đặc biệt hơn sản phẩm là OCOP 3 sao.
Nghề sản xuất bún gạo truyền thống đâu đó đã và đang dần bị mai một do nhiều yếu tố, thế nhưng ở xã Hưng Hòa, TP Vinh (Nghệ An) có hộ gia đình Dương Văn Nguyên lại gắn bó với nghề này, đưa những sợi bún sạch từ gạo quê trở thành sản phẩm OCOP.
Chủ cơ sở sản xuất bún gạo truyền thống Dương Văn Nguyên (xã Hưng Hòa, TP Vinh) cho biết, gạo để làm ra những sợi bún sạch là gạo anh thu mua của người dân ở quê, tính chất gạo là điều tiên quyết để có thể tạo ra những sợi bún theo phương pháp làm truyền thống, bảo đảm giữ được chất lượng, hương vị gạo.
Nghề làm bún truyền thống cũng được ví như nghề làm sợi dâu tằm, để tạo ra được những sợi bún đến tay người tiêu dùng đòi hỏi nhiều công đoạn, sự chắt chiu về thời gian, công sức. Mặc dù phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, nhưng để nhờ nghề mà giàu có thì rất hiếm hoi, xã hội càng phát triển, nghề bún truyền thống tồn tại như cơ sở bún Ông Nguyên là rất hiếm hoi.
Để sản xuất ra được những sợi bún gạo sạch đòi hỏi hết sự kỳ công và cả những vất vả, nhọc nhằn. Từ lựa chọn loại gạo sao cho đảm bảo, rồi đến khâu xay, ngâm ủ gạo đúng kỹ thuật thì mới có thể đưa vào làm bún, tạo ra những sợi bún thơm, ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng năng suất sản xuất chủ cơ sở đã đưa vào dây chuyền sản xuất bún gạo một số máy móc để hỗ trợ như máy xay bột, máy tạo sợi…nhờ đó có sự đột phá về quy mô sản xuất hơn, năng lực sản xuất bảo đảm cung ứng cho thị trường lớn hơn.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông Dương Văn Nguyên đã đưa sản phẩm bún gạo truyền thống bước vào hệ thống sản phẩm OCOP địa phương. Qua đánh giá từ các cơ quan chuyên môn Nghệ An, bún sạch Ông Nguyên đã được chứng nhận đạt OCOP 3 sao.
Từ những sợi bún được sản xuất dựa trên phương pháp truyền thống, được chứng nhận là sản phẩm sạch, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, bún gạo sạch Ông Nguyên cũng từ đó có thương hiệu hơn và trở nên gần gũi hơn với nhiều thị trường, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh cũng như các kênh phân phối, tạo đầu ra ổn định.
Ngoài việc tạo nên những sợi bún sạch hương vị truyền thống, chủ cơ sở còn phải tự mày mò, tìm hiểu và tạo ra thương hiệu, nhãn hiệu riêng cho sản phẩm để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận, tránh mua nhầm hàng nhái, hàng giả và kém chất lượng trên thị trường. Hiện nay bún gạo do cơ sở này sản xuất đã và đang phủ kín thị trường từ các trường học đến nhà hàng ẩm thực, khách sạn lớn trên địa bàn.
“Sau những trăn trở, thương hiệu bún truyền thống của gia đình tôi sản xuất đã được người tiêu dùng ghi nhận và lựa chọn cho bữa ăn, các cơ quan chuyên môn ghi nhận với đánh giá hạng 3 sao cho sản phẩm, đó là niềm tự hào lớn và cũng là sự khích lệ lớn để cơ sở có thêm động lực để phát triển, giữ bằng được cái nghề truyền thống biết bao đời cha ông để lại để phục vụ nhu cầu cho người dân…”, ông Dương Văn Nguyên, chủ cơ sở bún gạo bộc bạch.
Theo kinhtedothi.vn