Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
22 C
Hanoi
Thứ hai, 25/11/2024, 07:34

Bão số 6 gây mưa rất lớn, các địa phương cần chủ động ứng phó

Sáng 26/10, bão số 6 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tiến gần đất liền các tỉnh, TP khu vực miền Trung. Dự kiến vùng gây mưa sẽ rất rộng có khả năng gây ngập lụt nghiêm trọng ở đô thị.

Dự kiến bão đi vào miền Trung

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, khoảng trưa nay (26/10), bão số 6 tiếp tục tăng cấp nhẹ, đạt cường độ mạnh nhất cấp 11 – 12, giật cấp 15 trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa.

Đến 13 giờ ngày mai (27/10), bão nằm trên khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa, cách Quảng Trị – Quảng Ngãi khoảng 180km. Cường độ bão được nhận định ở cấp 10 – 11, giật cấp 14.

Đường đi của bão số 6.
Đường đi của bão số 6.

Rạng sáng 28/10, bão có thể đổi hướng Đông Đông Nam trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ với cường độ cấp 10, giật cấp 12; sau đó di chuyển theo hướng Đông và tiếp tục suy yếu.

“Đây là cơn bão có hoàn lưu rộng nên vùng gây mưa cũng rất rộng, từ 500 – 600km. Cơn bão này có nhiều thay đổi từ khi hình thành và dự báo sẽ đi vào miền Trung…” – ông Mai Văn Khiêm thông tin thêm.

Trước diễn biến của bão số 6, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo biên phòng tuyến biển tập trung kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão, trong đó có 35 tàu/184 người (Quảng Ngãi) hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa. Hiện, không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm.

Nguy cơ ngập lụt đô thị

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, bão số 6 được dự báo đổ bộ vào miền Trung, sẽ quần thảo trên biển và đất liền rất lâu. Đồng thời, lượng mưa sẽ rất lớn từ 500 – 700mm, có nguy cơ gây ngập lụt diện rộng ở đô thị như năm 2020.

“Các đô thị đã từng xảy ra ngập lụt thì cần lên phương án kê đồ, di chuyển tài sản giá trị lên cao. Các tỉnh ven biển cũng cần đặc biệt lưu ý sạt lở bờ biển do thời gian lưu sóng lâu, sóng đánh 45 – 50 độ chếch vào bờ, khả năng cao sẽ có sạt lở bờ biển rất lớn” – Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khuyến cáo.

Gia cố mái nhà ứng phó bão số 6 tại Quảng Nam.
Gia cố mái nhà ứng phó bão số 6 tại Quảng Nam.

Đối với nguy cơ sạt lở đất, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương mở rộng rà soát bằng flycam để không chỉ kiểm tra các vết nứt mà cả những vị trí có cộng đồng dân cư sống ven sông, suối.

Liên quan đến vấn đề sử dụng flycam, Đại tá Phạm Hải Châu – Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ – Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, kinh nghiệm ứng phó với cơn bão Yagi vừa qua, Bộ Quốc phòng đã dùng 4 flycam để bay rà soát tại Hà Giang và phát hiện 6 vết nứt.

“Để ứng phó ở cơn bão số 6 này, đề nghị các địa phương, các đơn vị tham mưu chính quyền địa phương rà soát nguy cơ, chủ động rà soát vị trí xảy ra sạt lở” – Đại tá Phạm Hải Châu nói thêm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để đối phó với cơn bão 6, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đưa ra những tình huống, kịch bản ứng phó cụ thể trên tinh thần “không hối tiếc”, nhằm hạn chế thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân.

“Các tỉnh ven biển, sườn Đông, sườn Tây đều có cả đồi núi. Do đó cần rút kinh nghiệm từ bão Yagi khi lo tương đối an toàn ngoài biển thì không ngờ lại tác động nhiều ở sườn núi…” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá.

Trong những giờ tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản trên biển; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn. 

 

“Các tỉnh, TP ven biển miền Trung thông tin tuyên truyền đến người dân đầy đủ nhất có thể. Tránh như cơn bão số 3, dự báo rất sát nhưng người dân còn tâm lý chủ quan. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cấm biển dài hơn vì đây là cơn bão có sóng lớn, có khả năng vào rồi quay ra…” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.

#box1729900400766:before,#box1729900400766:after{background-color:#c69090}

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng: “Liệu cơm gắp mắm”

Dư luận đồng thuận cao với đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT), đồng thời mong muốn thời gian thực hiện kéo dài hơn để có những tác động mạnh hơn, rõ ràng và hiệu quả hơn.

Tin liên quan