Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
26 C
Hanoi
Thứ bảy, 23/11/2024, 12:45

Những công trình của tình đoàn kết

Sau khi Nghị quyết 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội được ban hành, nút thắt về cơ chế, chính sách để các quận nội thành hỗ trợ các huyện khó khăn thực hiện xây dựng nông thôn mới đã được tháo gỡ.

Nhiều công trình hạ tầng kinh tế – xã hội tại các huyện đã được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn hỗ trợ từ các quận. Trợ lực quan trọng góp phần đưa nhiều địa phương về đích nông thôn mới.

Hỗ trợ thiết thực, kịp thời

Là địa phương thuần nông, điều kiện kinh tế – xã hội của xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) hết sức khó khăn. Trong đó, hạ tầng giáo dục là một trong những bài toán nan giải nhất của địa phương trong suốt nhiều năm.

Tháng 9/2024 vừa qua, hàng trăm em nhỏ trên địa bàn xã Phụng Thượng đón nhận niềm vui lớn, khi ngôi trường mầm non khang trang, rộng đẹp chính thức khánh thành. Công trình được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 78 tỷ đồng, trong đó có 50 tỷ đồng là kinh phí do quận Tây Hồ hỗ trợ.

Đình Mai Nội tại xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) được tu bổ, tôn tạo nhờ nguồn vốn hỗ trợ của quận Hoàn Kiếm.
Đình Mai Nội tại xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) được tu bổ, tôn tạo nhờ nguồn vốn hỗ trợ của quận Hoàn Kiếm.

Cô Nguyễn Thị Mai Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phụng Thượng cho biết, do điều kiện khó khăn nên trước đây, cô trò nhà trường phải “ở ghép” với Trường Tiểu học xã Phụng Thượng. Điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nhiều bề. Từ khi ngôi trường mới được xây dựng, trang thiết bị cơ sở vật chất cũng được mua sắm, bố trí đầy đủ tiện nghi. Hàng trăm trẻ em nơi đây đã có điều kiện được chăm sóc, tiếp cận giáo dục tốt hơn rất nhiều.

Ít năm về trước, người dân trên địa bàn một số thôn, xóm thuộc các xã: Tản Hồng, Phú Cường, Sơn Đà, Tòng Bạt (huyện Ba Vì) thường xuyên phải sống chung với tình cảnh hễ mưa lớn là úng ngập. Nguyên nhân là do hệ thống cống, rãnh thoát nước trên các tuyến đường chưa được đầu tư.

Năm 2023, UBND quận Bắc Từ Liêm đã hỗ trợ huyện Ba Vì 50 tỷ đồng để thực hiện 2 dự án cải tạo, nâng cấp cống, rãnh thoát nước đường trục chính xã Tản Hồng – Phú Cường và đường trục chính xã Sơn Đà – Tòng Bạt. Nhờ đó đến nay tình trạng “hễ mưa là đường ngập úng” đã được khắc phục.

“Hệ thống rãnh thoát nước được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ của quận Bắc Từ Liêm đã giúp địa phương củng cố tiêu chí hạ tầng giao thông. Quan trọng hơn là người dân đã không còn lấm lem bùn đất mỗi khi trở về nhà sau những ngày mưa lớn…” – Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Cũng là địa phương có xuất phát điểm thấp và gặp nhiều khó khăn khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Mỹ Đức đã nhận được hỗ trợ khá nhiều từ các quận nội thành trong những năm qua, nhất là về thiết chế hạ tầng văn hóa. Chị Dương Thị Hưng ở thôn Áng Thượng (xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức), cho biết trước năm 2021, mỗi khi có kỳ cuộc hội họp, người dân phải tổ chức nhờ tại trường mầm non.

Tuy nhiên, việc cậy nhờ trên chỉ đáp ứng được nhu cầu họp hành đơn thuần, muốn tổ chức các hoạt động cộng đồng thì vô cùng bất tiện. Niềm vui đến với người dân thôn Áng Thượng, khi hai năm trước, quận Hà Đông đã hỗ trợ xã Lê Thanh 1,25 tỷ đồng để xây dựng nhà hội họp của thôn. Công trình hoàn thành sau đó gần 1 năm đã giúp địa phương giải quyết bài toán điểm sinh hoạt cộng đồng, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho người dân.

Gần 1.100 tỷ đồng hỗ trợ các huyện

Sau khi Nghị quyết 115/2020/QH14 được ban hành, căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Nghị định số 40/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội xem xét cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn xây dựng nông thôn mới.

Tại Kỳ họp thứ 18 HĐND TP Hà Nội khóa XV, lần đầu tiên một nghị quyết cụ thể hóa Nghị quyết 115/2020/QH14 của Quốc hội khoá XIV được ban hành, cho phép một số quận hỗ trợ các huyện đầu tư nâng cấp các công trình thiết chế văn hóa. Đây là bước đi đầu tiên, cụ thể hóa việc triển khai Nghị quyết 115/2020/QH14 của HĐND TP Hà Nội, trên cơ sở tinh thần chỉ đạo chung của Thành ủy Hà Nội.

Một tuyến đường khang trang, rộng đẹp tại xã Tản Hồng (huyện Ba Vì). Ảnh: Trọng Tùng
Một tuyến đường khang trang, rộng đẹp tại xã Tản Hồng (huyện Ba Vì). Ảnh: Trọng Tùng

Trên cơ sở Nghị quyết 115/2020/QH14, HĐND TP Hà Nội đã ban hành các nghị quyết về việc cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới; đồng thời đề nghị các huyện sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ từ các quận, cần khẩn trương giao kế hoạch vốn đến từng dự án, bảo đảm đúng quy định pháp luật về đầu tư công.

Để nâng cao trách nhiệm của các huyện được hỗ trợ, TP Hà Nội cũng đề nghị các huyện cân đối, bố trí bổ sung nguồn vốn còn thiếu từ ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các dự án; huy động mọi nguồn lực để sớm hoàn thành các công trình được hỗ trợ trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả nhất.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, từ tháng 6/2020 (thời điểm Nghị quyết 115/2020/QH14 chính thức được ban hành) cho đến tháng 10/2024, các quận đã hỗ trợ gần 1.100 tỷ đồng cho các huyện khó khăn xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn lực hỗ trợ, 53 công trình hạ tầng kinh tế – xã hội tại các địa phương đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp.

Căn cứ vào các tiêu chí nông thôn mới còn thiếu của các huyện và mục tiêu kế hoạch thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, các quận đã hỗ trợ nhiều hạng mục công trình khác nhau như trạm y tế, nhà văn hóa, trường học, tu bổ – tôn tạo di tích, xây dựng sân chơi cộng đồng/ khu thể thao ngoài trời, nâng cấp các tuyến đường giao thông…

Ghi nhận cho thấy, đến nay hàng chục công trình hạ tầng kinh tế – xã hội đã được các huyện hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả tích cực. Không chỉ giúp các địa phương hoàn thiện nhiều tiêu chí, tiến thêm một bước đến mục tiêu nông thôn mới, mà còn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, tăng cường tình đoàn kết giữa các quận, huyện.

Tại nhiều hội nghị giao ban thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU giai đoạn 2021 – 2025, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình thường xuyên nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 115/2020/QH14 và chủ trương các quận hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đề nghị các quận tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng yêu cầu các huyện đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng các công trình được các quận hỗ trợ thực sự hiệu quả, đúng mục đích. Trước hết là tránh lãng phí tài sản công; thứ nữa là không phụ tấm lòng của Nhân dân các quận.

(còn nữa)

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Tận dụng lợi thế các FTA

Thời gian tới, TP Hà Nội thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường, phát triển, khai thác thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng. Thường xuyên cung cấp thông tin về các thị trường xuất khẩu, các ngành hàng xuất khẩu, những Hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia để hỗ trợ DN.

Tin liên quan