Thứ năm, Tháng mười hai 5, 2024
22 C
Hanoi
Thứ năm, 5/12/2024, 02:02

Quảng Nam “cởi trói” cho kinh tế hợp tác xã

Kinhtedothi- Giải quyết các vướng mắc cho hợp tác xã (HTX) được lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá không chỉ giúp cho người dân tăng thu nhập, còn đưa những mặt hàng mang tính bản địa cạnh tranh tốt hơn.

Quy mô các HTX còn nhỏ

Sáng nay 1/11, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Quảng Nam hiện có 613 HTX đang hoạt động. Trong đó có khoảng 407 HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp; 35 HTX ở lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; 20 HTX ở lĩnh vực giao thông vận tải; số còn lại ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, môi trường, quản lý chợ.

Lãnh đạo các HTX đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến chính sách tiếp cận vốn, mặt bằng và nguồn lực để phát triển.
Lãnh đạo các HTX đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến chính sách tiếp cận vốn, mặt bằng và nguồn lực để phát triển.

Các HTX hoạt động với quy mô, cấp độ khác nhau nhưng còn nhiều tồn đọng, vướng mắc.

Điểm chung của các HTX phần lớn siêu nhỏ, khả năng sản xuất hàng hóa không đủ lớn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường; thiếu vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; năng lực quản lý, vận hành của đội ngũ còn hạn chế; HTX chưa tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Bà Huỳnh Thị Thu Thủy – đại diện HTX Bà Ba Hội (TP Tam Kỳ) kiến nghị cần có cơ chế thuận lợi hơn trong quy định tiếp cận vốn để đầu tư hạ tầng nhằm mở rộng phát triển. Điển hình như quy định HTX đồng bằng phải có 50 thành viên mới được tiếp cận vốn như vậy rất khó khăn. Bởi trên địa bàn tỉnh, phần lớn HTX đều có quy mô vừa, nhỏ nên để tập hợp được số lượng thành viên nhiều như vậy rất khó đạt hiệu quả kinh doanh.

Ông Phạm Khánh Nam – HTX tại huyện Phú Ninh, cho biết cơ sở nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng, đặc biệt giải tỏa trắng. Gần một năm qua HTX dường như không thể hoạt động do đang xin cơ chế để được hỗ trợ quỹ đất. Mong muốn huyện và tỉnh tiếp tục quan tâm để đơn vị sớm hoạt động trở lại bình thường, vì còn khoảng 60 ngày nữa là đến vụ sản xuất đông xuân.

Song song, lãnh đạo một số HTX còn kiến nghị các cơ chế chính sách liên quan đến khuyến khích thu hút nguồn nhân lực trẻ về làm việc; cơ chế lương cho cán bộ chủ chốt đã gắn bó lâu dài với HTX…

Không để nguồn vốn nằm trong ngân hàng

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết phần lớn các HTX có quy mô không lớn nhưng nhiều mô hình tiên tiến đã được ghi nhận. Tỉnh cũng chỉ đạo mạnh mẽ về hợp tác với nước ngoài, tăng cường nguồn vốn vay để hỗ trợ HTX. Điển hình sắp đến sẽ phát triển mạnh mẽ mô hình du lịch nông nghiệp, trong đó có làng rau Trà Quế trở thành điểm du lịch tốt nhất thế giới.

“Đề nghị các HTX nếu biết địa phương nào có những cách làm hay, giải pháp tốt thì tham mưu cho tỉnh. Nhưng trong thời gian sắp tới, các HTX nên chú trọng áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh” – ông Bửu chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng khẳng định HTX có đóng góp lớn trong phát triển kinh tế của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng khẳng định HTX có đóng góp lớn trong phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận mô hình HTX có đóng góp tích cực vào nền kinh tế chung của địa phương. Các đơn vị đã tổ chức nhiều diễn đàn, phiên hội chợ để quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Nhưng nhìn chung chất lượng, thương hiệu và đầu ra của HTX vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

“HTX cần được định vị lại vai trò trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh. Phải làm sao để những HTX sớm trở thành đầu tàu, có tính lan tỏa và dẫn dắt thị trường. Bởi hiện vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích, đơn cử như để đạt được xã nông thôn mới thì cần có HTX” – ông Dũng nói.

Để làm được những điều đó, các cơ quan, ban, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền để nhận thức đúng đắn về vai trò của HTX, tránh hiểu theo phương thức sản xuất truyền thống; chính quyền cần làm tốt công tác quản lý Nhà nước, triển khai rộng rãi và quyết liệt các chủ trương, chính sách; kiến nghị, đề xuất để sớm bổ sung, chỉnh sửa những văn bản không còn phù hợp, hạn chế sự phát triển; các cấp chính quyền cần tăng cường lắng nghe, đối thoại với HTX.

Ông Dũng cũng khẳng định vốn là nhu cầu, nguồn sống của HTX. Do đó, các ngân hàng cần vào cuộc quyết liệt để xem xét, tạo cơ chế tốt nhất cho HTX, tránh trường hợp có tiền nhưng HTX không thể tiếp cận, thậm chí tiền bỏ trong ngân hàng để lấy lãi. Quan điểm tiền phải được lưu thông ra ngoài thì xã hội mới phát triển.

 

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Quảng Ngãi: Ô nhiễm môi trường từ các cảng cá

Thiếu kinh phí vận hành nên các hệ thống thu gom, trạm xử lý nước thải tại cảng cá Tịnh Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) không thể hoạt động thường xuyên, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nặng tại khu vực này.

Tin liên quan