Kinhtedothi- Các mô hình nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác tại từng cộng đồng dân cư cũng như định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh đã mang lại hiệu quả cao, giúp người dân phát triển kinh tế.
Cộng đồng được hưởng lợi
Thôn Làng Ranh (xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) có khoảng 90% hộ dân là người đồng bào H’re. Lâu nay, việc lựa chọn cây, con giống để hỗ trợ, hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Tình hình đã có chuyển biến đáng kể khi cuối năm 2019, thôn Làng Ranh được lựa chọn thành lập nhóm để chăn nuôi lợn rừng lai.
Đây là giống lợn bà con biết đến từ lâu nhưng không được chú trọng nên vẫn thả nuôi theo cách truyền thống, kém hiệu quả. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền về nhiều mặt, sau một thời gian thử nghiệm, 35 hộ dân tham gia mô hình đều biết cách chăn nuôi, đàn lợn phát triển tốt.
“Tham gia mô hình, gia đình tôi đã biết cách trồng rau, cỏ để làm thức ăn cho lợn. Chính quyền còn hỗ trợ bà con vay vốn để làm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Nhiều nhà không chỉ nuôi lợn thịt mà còn nhân giống bán cho những người có nhu cầu”- bà Đinh Thị Rí (thôn Làng Ranh) chia sẻ.
Lợn rừng lai là loại lợn lai giữa lợn rừng với lợn bản địa nên có đặc trưng rất riêng. Khác với những giống lợn khác, lợn rừng lai dễ nuôi, khả năng thích ứng cao, ít dịch bệnh, thịt chắc, nhiều nạc, thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Hiện nay địa phương không lo đầu ra vì đã được nhiều đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm
“Việc thành công với mô hình nuôi lợn rừng lai đã mở ra cơ hội giảm nghèo cho người dân địa phương. Đến nay, toàn xã có hàng trăm hộ thành công với mô hình này”- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Ba Đặng Văn Minh cho hay.
Nhiều năm nay, thay vì trồng lúa, nhiều hộ nông dân ở thôn Kim Lộc (xã Tịnh Châu, TP Quảng Ngãi) đã chuyển qua trồng chuyên canh diếp cá và có nguồn thu nhập ổn định. Nhiều hộ đã thoát nghèo, kinh tế khá giả cũng nhờ cây diếp cá.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nụ có 4 sào đất trồng cây hàng năm, nhưng do chưa tìm được cây trồng phù hợp nên tùy vào mùa vụ có khi trồng lúa, khi trồng bắp.
Thấy cây diếp cá đầu tư ít mà lại có lợi nhuận cao, ban đầu, bà trồng thử 1 sào, sau đó thấy có triển vọng nên tiếp tục mở rộng, đầu tư trụ bê tông cốt thép và phủ bạt che nắng cho 4 sào rau diếp cá và khoan giếng để chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô.
“Diếp cá là loại cây lưu gốc nên chu kỳ thu hoạch kéo dài đến 10 năm. Nhờ đó, tôi có rau bán quanh năm, bình quân mỗi sào có thể thu về 7 triệu đồng/tháng”- bà Nụ cho hay.
Để tăng hiệu quả sản xuất, chính quyền địa phương còn hỗ trợ bà con đầu tư hệ thống sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, từng bước xây dựng nhãn hiệu rau diếp cá trở thành một sản phẩm chủ lực của địa phương trong đề án “Mỗi xã một sản phẩm”.
Từ việc chỉ có một số hộ dân trồng thử trên diện tích vài sào, đến nay xã Tịnh Châu có khoảng 180 hộ trồng rau diếp cá với tổng diện tích hơn 20ha (trong đó có 2,6ha đã được chứng nhận VietGap).
“So với trồng lúa, trồng diếp cá có hiệu quả cao hơn khoảng 3 lần. Hiện nay địa phương đang khuyến khích bà con áp dụng quy trình trồng VietGap, giúp sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, giá cả ổn định”- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Châu Huỳnh Văn Hiếu cho biết.
Nhân rộng các mô hình hiệu quả
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, hiện trên địa bàn có hàng chục mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp tiên tiến, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tập quán canh tác của người dân và định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong đó có nhiều mô hình, dự án đã được các địa phương chủ động nhân rộng như: mô hình trồng rau sạch đạt chuẩn VietGap; vùng chuyên canh cây ăn quả; nuôi lợn rừng lai; nuôi thủy sản xen ghép lồng bè trên sông, trên biển,…
Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả để nâng cao đời sống cho người dân, ngành nông nghiệp tập trung xây dựng các mô hình khuyến nông mới đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phù hợp với định hướng phát triển ngành nông nghiệp và gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
“Ưu tiên xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng tôi cũng khuyến khích nông dân thực hiện các hình thức liên kết, phát triển các vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn thực phẩm, VietGAP, đáp ứng yêu cầu cho thị trường xuất khẩu”- Phó Giám đốc NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung cho biết.
Theo kinhtedothi.vn