Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
23 C
Hanoi
Thứ bảy, 23/11/2024, 11:48

Phòng vệ thương mại: Nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm thiểu rủi ro xuất khẩu

Tính đến cuối tháng 9/2024, đã có 263 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với một nửa là các vụ điều tra chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp.

Sản xuất thép của các doanh nghiệp trong nước.
Sản xuất thép của các doanh nghiệp trong nước.

Việt Nam là nền kinh tế mở, đã và đang tham gia đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Trong bối cảnh các quốc gia đẩy mạnh bảo hộ nền sản xuất trong nước, nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại nói chung và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nói riêng luôn hiện hữu khi hàng hóa Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Do đó, để duy trì cho dòng chảy xuất khẩu một cách bền vững, việc nâng cao năng lực xử lý các vụ việc điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại từ thị trường nước ngoài có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Nhiều mặt hàng trong “tầm ngắm” điều tra

Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại, tính đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với hàng trăm vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý, tính chất các vụ việc có xu hướng điều tra khắt khe hơn, nguy cơ đối diện với các rủi ro của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là rất lớn.

Thông tin thêm, theo ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), hiện các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đang tăng từng ngày.

Theo đó, đến hết tháng 9/2024 đã có 263 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó chiếm một nửa là các vụ điều tra chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp và chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Đặc biệt, các vụ điều tra phòng vệ thương mại đang phủ rộng đến nhiều mặt hàng, nhất là mặt hàng kim loại (thép, nhôm), hóa chất, chất dẻo; các mặt hàng nông lâm sản, trong đó đáng chú ý là gỗ và sản phẩm gỗ.

“Hầu hết các vụ điều tra đều liên quan đến mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao. Như vụ Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế tủ gỗ, bàn trang điểm, đây là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 3,4 – 3,5 tỷ USD (năm 2023); hay vụ Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá pin năng lượng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ USD (năm 2023)” – ông Chu Thắng Trung cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại, trong thời gian gần đây, các quốc gia gia tăng các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do sự dịch chuyển sản xuất cũng như các thị trường cáo buộc hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang bị thị trường áp dụng với hàng hoá các quốc gia khác.

Phòng vệ thương mại: Nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm thiểu rủi ro xuất khẩu - Ảnh 1

Hoa Kỳ hiện là thị trường khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam.

Ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết ngay trong tháng 10/2024 đã có 2 mặt hàng của Việt Nam bị nguyên đơn yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp và hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã đối diện với 4 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại trong chưa đầy 30 ngày từ thị trường Hoa Kỳ.

Cung cấp thêm, ông Đỗ Ngọc Hưng cho hay Hoa Kỳ tăng điều tra phòng vệ thương mại do kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh. Ngoài ra, Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên hàng hóa xuất khẩu thường bị vào “tầm ngắm” điều tra phòng vệ thương mại.

Có thể thấy, tác động tiêu cực từ các vụ điều tra phòng vệ thương mại, nhất là các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất Việt Nam là rất lớn.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Sĩ Hoài – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, ngay giai đoạn khởi kiện doanh nghiệp đã bị thiệt hại và quá trình điều tra doanh nghiệp luôn trong trạng thái “đứng ngồi không yên.” Nếu bị áp thuế với mức thuế cao, thì như bị “cấm vận” không có cách nào xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, khi đã bị liệt vào “danh sách đen” điều tra phòng vệ thương mại thì thiệt hại rất lớn.

Cạnh tranh bằng chất lượng thay vì cạnh tranh giá

Hiện nay, song hành với tiến trình tự do hóa và toàn cầu hóa, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Từ đó, dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Đặc biệt, nhiều thị trường gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Bối cảnh này đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức nhiều hơn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB LAW cho rằng đối với doanh nghiệp Việt Nam, khi hàng hoá xuất khẩu bị thị trường khởi xướng điều tra sẽ phải huy động nhân lực, tài chính để theo đuổi vụ việc. Mặt khác mỗi vụ việc đều quy định thời gian điều tra nhất định, trong khi doanh nghiệp phải thu thập thông tin, chứng cứ để cung cấp cho nhà điều tra…

Còn nếu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, hàng hoá xuất khẩu sẽ bị giảm tính cạnh tranh, thậm chí mất thị trường nếu bị áp mức thuế cao. Như vậy, áp lực đặt ra đối với doanh nghiệp, ngành hàng là rất lớn trước xu thế điều tra phòng vệ thương mại tại nhiều quốc gia hiện nay.

Vì vậy, để giảm thiểu các rủi ro khi xuất khẩu, theo vị luật sư này, ngoài công tác đẩy mạnh cảnh báo sớm về điều tra phòng vệ thương mại từ Bộ Công Thương, cơ quan chức năng nên ra sách trắng về phòng vệ thương mại, giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn đối với lĩnh vực này, qua đó có những biện pháp ứng phó phù hợp với từng thị trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nắm vững các quy định về phòng vệ thương mại quốc tế nhằm tránh sự bị động khi bị khởi xướng điều tra các vụ việc. Còn trong quá trình tham gia cung cấp thông tin vụ việc, cần thuê công ty tư vấn, hỗ trợ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, nhất đại diện thương mại Việt Nam tại thị trường nhập khẩu để nắm được thông tin điều tra từ sớm, từ xa.

“Doanh nghiệp phải luôn luôn nhận thức rằng, khi ra “sân chơi” kinh tế quốc tế phải cạnh tranh bằng chất lượng chứ không chỉ tập trung cạnh tranh bằng giá. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để không chỉ tránh được rủi ro vào danh sách điều tra phòng vệ thương mại mà còn góp phần duy trì ổn định và nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế” – luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.

Nhiều thị trường gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Nhiều thị trường gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về phía cơ quan chức năng, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, cũng như đảm bảo hoạt động xuất khẩu bền vững, ông Chu Thắng Trung cho biết Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp xuất khẩu xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài thông qua các chương trình, hoạt động trọng tâm.

Trong đó, tăng cường nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, triển khai các hoạt động cảnh báo sớm, phân tích đánh giá các mặt hàng có nguy cơ, rủi ro cao về điều tra phòng vệ thương mại từ các thị trường, đồng thời triển khai các hoạt động tham mưu Bộ Công Thương, Chính phủ để có chính sách ứng phó hiệu quả với các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường nước ngoài.

Còn theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Thương vụ sẽ tiếp tục theo dõi số liệu xuất nhập khẩu, thu thập thông tin từ nhiều bên liên quan để có thể cảnh báo sớm các vụ kiện có thể xảy ra. Đặc biệt là thắt chặt quan hệ với các công ty luật có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc.

“Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng sẽ tận dụng các kênh thông tin để trao đổi, làm việc với đối tác, cơ quan liên quan của Hoa Kỳ, tăng cường tham vấn, bày tỏ quan điểm, lập luận trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công Thương. Thương vụ cũng báo cáo Đại sứ và phối hợp với các đơn vị liên quan của Đại sứ quán để vận động, trao đổi ở các cấp khác nhau để có thể hỗ trợ quá trình xử lý vụ việc” – ông Đỗ Ngọc Hưng cho hay./.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Huyện Ứng Hòa: Hướng tới mục tiêu xây dựng địa bàn không có ma túy

Đợt cao điểm tổng rà soát, thống kê, quản lý người nghiện ma túy trên địa bàn huyện Ứng Hòa nhằm đảm bảo thống kê, quản lý chặt chẽ, đầy đủ, chính xác diện các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện và sau cai nghiện để lập danh sách cụ thể, phục vụ công tác phòng ngừa, hướng tới mục tiêu xây dựng địa bàn không có ma túy.

Tin liên quan