Thứ tư, Tháng mười một 6, 2024
26 C
Hanoi
Thứ tư, 6/11/2024, 19:39

Bao bì và câu chuyện thương hiệu sản phẩm làng nghề

Vượt ra khỏi vai trò vỏ bọc bên ngoài, bao bì sản phẩm còn là câu chuyện thương hiệu và thông điệp mà nhà sản xuất muốn gửi gắm. Vì vậy, thiết kế bao bì không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo, mà còn cần sự hiểu biết sâu sắc về sản phẩm, thị trường và khách hàng.

Định vị sản phẩm, nhận diện thương hiệu

Bao bì là một phần không thể thiếu của sản phẩm. Ngoài vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sản phẩm, đặc biệt là trong quá trình vận chuyển và lưu trữ, nó còn được xem như công cụ marketing hiệu quả, định vị, nhận diện thương hiệu sản phẩm.

Miến dong làng So (Cộng Hòa, Quốc Oai) được đầu tư thiết kế bao bì bắt mắt.
Miến dong làng So (Cộng Hòa, Quốc Oai) được đầu tư thiết kế bao bì bắt mắt.

Theo một nghiên cứu của Công ty bao bì toàn cầu (MWW), 64% người tiêu dùng thử một sản phẩm mới chỉ vì bao bì của nó hấp dẫn. Khách hàng mua sản phẩm không chỉ là mua sản phẩm bên trong mà họ còn bị hấp dẫn thiết kế, cấu trúc của bao bì sản phẩm, họ cảm nhận được cam kết thương hiệu. Chất liệu, kiểu dáng và giá trị của bao bì là những yếu tố quan trọng để định vị sản phẩm. Bao bì cao cấp, sang trọng sẽ tạo cảm giác tin tưởng về chất lượng sản phẩm, phù hợp với phân khúc khách hàng cao cấp. Bao bì bình dân với thiết kế đơn giản, giá cả hợp lý sẽ thu hút khách hàng ở phân khúc tầm trung.

Chia sẻ thực tế từ phía DN, Chủ tịch Hội da giày tỉnh Hải Dương Lê Hoàng Hà cho biết: trong bối cảnh nền kinh tế mở, sản phẩm làng nghề buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh về nhiều mặt. Trong đó, mẫu mã, bao bì sản phẩm là yếu tố rất quan trọng trong những yếu tố cấu thành sức cạnh tranh của sản phẩm. Khách hàng luôn muốn xem những sản phẩm đẹp nhất, không ai muốn mua về cho mình một sản phẩm có bao bì xấu xí, vụng về.

Khi một mẫu bao bì thành công nó sẽ tạo nên cảm tình từ người tiêu dùng và ấn tượng giúp khách hàng liên tưởng ngay được đến thương hiệu. Vì vậy, DN nên chú trọng đến mẫu bao bì sản phẩm làm sao cho nổi bật, thu hút khách hàng. Từ đó giúp người tiêu dùng nhận biết thương hiệu, sản phẩm và tạo niềm tin với khách hàng.

Đồng tình quan điểm trên, Chánh Văn phòng Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Nguyễn Vân nhìn nhận, để có thể tồn tại và phát triển bền vững, mỗi sản phẩm đều phải có những nét đặc trưng riêng, tạo dấu ấn riêng biệt để định vị được thương hiệu của mình trên thị trường.

Mang trong mình sứ mệnh quan trọng, bao bì sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của sản phẩm và chiến lược marketing của DN. Thiết kế bao bì độc đáo tạo điểm nhấn ấn tượng, thu hút sự chú ý của khách hàng, đồng thời giúp họ nhận diện thương hiệu và sản phẩm dễ dàng hơn. Với tầm quan trọng to lớn trong việc định vị thương hiệu và tạo dựng sự quen thuộc với người tiêu dùng, bao bì sản phẩm là một yếu tố không thể xem nhẹ trong chiến lược kinh doanh của bất kỳ DN nào.

Chia sẻ về thực trạng mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ ở nước ta, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Nguyễn Vi Khải cho biết: các làng nghề hầu như chưa coi trọng việc thiết kế cải tiến mẫu mã, bao bì, thường dập khuôn mẫu có sẵn trên thị trường mặc dù nhiều mẫu đã lạc hậu không thể cạnh tranh. Có những thiết kế mẫu mã thiếu sáng tạo, đơn điệu, không phù hợp thị hiếu khách hàng. Có những thiết kế đẹp nhưng thiếu tính thương mại, khó sản xuất hàng loạt, giá thành cao nên thiết kế chỉ nằm trên giấy.

Theo ông Nguyễn Vi Khải, có một thực tế ở các làng nghề số lượng nghệ nhân tài hoa, hiểu sâu về kỹ thuật, kỹ xảo nghề truyền thống không có nhiều. Còn những người trẻ được học hành bài bản, có sự năng động, nhạy bén nhưng lại chưa có nhiều kỹ năng, kỹ xảo với nghề, hạn chế hiểu biết những chuẩn mực về giá trị truyền thống. Đấy cũng là sự hạn chế nhất định cho phát triển mẫu mã sản phẩm và bao bì, kiểu dáng thiết kế của sản phẩm thủ công mỹ nghệ hiện nay.

Một lý do quan trọng nữa cắt nghĩa sự chậm phát triển của mẫu mã sản phẩm và thiết kế bao bì là hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề đều ở quy mô nhỏ lẻ (hộ gia đình), năng lực về vốn, mặt bằng và cơ sở vật chất hạn chế nên không thể đầu tư chiều sâu cho việc thiết kế mẫu mã mới.

Cần cái bắt tay giữa nhà sản xuất và nhà thiết kế

Bao bì sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và quảng bá sản phẩm, cũng như cải thiện trải nghiệm người dùng. Một thiết kế bao bì tốt cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa các yếu tố về mặt chức năng và thẩm mỹ để đạt hiệu quả tối ưu.

Vì vậy, chiến lược nâng cao chất lượng mẫu mã bao bì hàng thủ công mỹ nghệ cần được phát động liên tục theo thời gian, dưới sự chỉ đạo của cơ quan chức năng phối hợp với các tổ chức xã hội kết nối với các trường Đại học, các trung tâm, Viện nghiên cứu, các làng nghề… Song song với đó, cần phát động các cuộc thi nâng cao cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho quà tặng lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

TS. Nguyễn Như Chinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam nhận định, để phát triển mẫu mã sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và bao bì phù hợp, cần có sự “bắt tay” của nhà thiết kế và nhà sản xuất.

Với nhà thiết kế, cần có sự thực tế của nhà sản xuất để mẫu mã sản phẩm, mẫu mã bao bì vẫn mang được bản sắc dân tộc, hơi thở của vùng miền; vẫn tận dụng được nét truyền thống, vừa có thể áp dụng công nghệ mới; dễ tổ chức sản xuất, đáp ứng được yêu cầu về số lượng lớn; kích thước, chất lượng, nguyên vật liệu và giá thành thành phẩm cần phù hợp với đối tượng khách hàng; sản phẩm vừa là mỹ thuật đơn thuần, vừa có thể là sản phẩm mỹ thuật ứng dụng…

Đối với nhà sản xuất, để nhà thiết kế đủ dữ kiện và thăng hoa sáng tạo, phải có sự chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ tối đa. Bên cạnh đó, ở mỗi bước trong quá trình sáng tạo, cả nhà thiết kế và nhà sản xuất phải liên tục bàn bạc, đánh giá để đưa ra những lựa chọn tối ưu nhất, chuẩn bị cho bước kế tiếp. Thậm chí, nhà sản xuất còn phải đem những gì đã phác thảo được thăm dò trước thị trường để đánh giá tiềm năng tương lai của sản phẩm có thiết kế, mẫu mã mới.

Còn theo GS.TS Lê Tiến Sang, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hướng nghiệp Hội nhập Quốc tế, cần tăng cường lớp đào tạo thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm. Việc đề xuất xây dựng chương trình đào tạo toàn diện, tổ chức khóa đào tạo thường xuyên, xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng, tạo liên kết và cung cấp hỗ trợ về công nghệ và thiết bị sẽ giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho ngành nghề.

Song song với đó, tăng cường lớp đào tạo tập huấn thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm đòi hỏi sự đa phương và toàn diện. Những biện pháp như xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức khóa đào tạo, tạo liên kết, cung cấp hỗ trợ công nghệ và thiết bị, khuyến khích sự giao lưu và hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp cận thị trường, cùng với việc đánh giá và theo dõi hiệu quả, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và sự cạnh tranh của sản phẩm.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Thách thức bủa vây thị trường chứng khoán: xuống tiền mã ngành nào?

Khi thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước trầm lắng, thanh khoản sụt giảm, khối ngoại liên tục bán ròng… các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư cần giao dịch thận trọng, hạn chế giải ngân, có thể tận dụng các phiên rũ hàng để tìm kiếm cơ hội.

Tin liên quan