Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
27 C
Hanoi
Thứ sáu, 22/11/2024, 15:32

Xuất khẩu gạo, đích đến 5 tỷ USD đã rất gần

Kinhtedothi-Những tháng cuối năm 2024, hoạt động xuất khẩu gạo được nhiều chuyên gia, DN dự báo sẽ tiếp tục ổn định nhờ một lượng lớn gạo chất lượng cao xuất sang các thị trường khó tính. Hơn 8 triệu tấn, trị giá 5 tỷ USD là đích đến trong tầm tay của ngành lúa gạo Việt trong năm nay.

Hơn 8 triệu tấn, trị giá 5 tỷ USD là đích đến trong tầm tay của ngành lúa gạo Việt trong năm nay.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất châu Á

Trên thị trường thế giới, lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đối với gạo trắng không phải basmati (loại gạo đặc sản nổi tiếng của Ấn Độ và khu vực Nam Á) từ ngày 20/7/2023 đã có tác động sâu rộng đến giá gạo xuất khẩu toàn cầu trong hơn một năm qua, đẩy giá lên mức cao nhất trong 15 năm.

Cách đây hơn 1 tháng (ngày 28/9/2024), Chính phủ Ấn Độ đã đình chỉ lệnh cấm xuất khẩu gạo đối với gạo xay xát không phải gạo basmati, chấm dứt lệnh cấm kéo dài hơn 14 tháng. Việc gạo tẻ thường của Ấn Độ quay lại thị trường đã gây áp lực giảm giá rõ rệt lên các loại gạo phổ thông, như gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam. Thời điểm hiện tại, giá gạo xuất khẩu Việt Nam có giảm nhẹ, song vẫn ở mức cao.

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 6/11 ở mức 524 USD/tấn, giảm 34 USD so với cuối tháng 9/2024; gạo 25% tấm ở mức 495 USD/tấn và gạo 100% tấm ở mức 427 USD/tấn, giảm 25 – 30 USD/tấn so với cuối tháng 9/2024.

Tương tự, giá gạo của Thái Lan cũng giảm về mức khoảng 508 USD/tấn, giảm 32 USD/tấn so với tháng trước và đây là mức giá thấp nhất trong hơn 1 năm qua.

Kim ngạch xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam tăng mạnh trong những năm qua. Ảnh: Phạm Hùng
Kim ngạch xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam tăng mạnh trong những năm qua. Ảnh: Phạm Hùng

Như vậy ở thời điểm hiện tại, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn 16 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan và cao hơn 46 USD/tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ. Giá xuất khẩu gạo từ các nước khác đã giảm mạnh và một số đã giảm xuống dưới 500 USD/tấn kể từ tháng 7/2023.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo đạt gần 7,8 triệu tấn, giá trị 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2024 trung bình đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, hiện gạo cao cấp và gạo thơm chiếm khoảng 50% phân khúc gạo xuất khẩu của Việt Nam. Đây là định hướng được ngành lúa gạo đề ra trong nhiều năm nay với mục tiêu không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng nhằm tăng giá trị xuất khẩu. Đơn cử, giữa tháng 10 vừa qua, hơn 1.000 tấn gạo chất lượng cao của DN đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản từ đầu tháng 10 với giá bán khoảng 800 USD/tấn.

Đối ngược với giá gạo xuất khẩu, giá gạo nguyên liệu trong nước có xu hướng tăng nhẹ, đang gây áp lực lên các DN thu mua lúa gạo và xuất khẩu.

Theo hệ thống khảo sát giá nông sản, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu hiện dao động ở mức 10.450 – 10.600 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 có giá 12.500 – 12.600 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân khiến giá gạo trong nước diễn biến ngược chiều so với giá gạo thế giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho hay, do ảnh hưởng của bão lũ trong tháng 9/2024 khiến hàng trăm héc ta lúa ở miền Bắc bị ảnh hưởng, dẫn đến nguồn cung gạo trong nước giảm.

Trong 2 tháng cuối năm, nguồn cung gạo không còn dồi dào, vì vậy một số DN xuất khẩu phải tăng nhập lúa gạo từ các nước láng giềng để trả đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm.

Duy trì chất lượng gạo ổn định để giữ mức giá cao

Đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: 5 năm trở lại đây, Bộ NN&PTNT kết hợp với các tỉnh, thành và nông dân, DN đã thay đổi hoàn toàn cơ cấu về nâng chất lượng gạo lên. Nhờ đó, gạo Việt Nam giá cao nhưng các quốc gia vẫn chấp nhận.

Với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước, xuất khẩu gạo năm nay sẽ đạt trên 8 triệu tấn. Còn theo chia sẻ của một số DN xuất khẩu gạo ở khu vực các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, các DN đều nhận được nhiều đơn hàng mới từ các đối tác ở Philippines và Trung Quốc.

Thêm vào đó, chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như EU, Mỹ, và Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hơn. Dự báo, từ nay đến tháng 12, khả năng các DN tiếp tục xuất khẩu với khối lượng tăng và giá trị tốt hơn.

Nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay giá gạo có điều chỉnh giảm, tuy nhiên vẫn ở mức tương đối cao, vẫn thuận lợi cho các DN. Việc cần làm là các DN xuất khẩu gạo Việt Nam phải luôn bảo đảm, duy trì được chất lượng gạo giữa các lô hàng. Tiếp đến, phải bảo đảm yếu tố cạnh tranh, tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh để phá giá gạo. Bởi, điều đó cũng sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến rất nhiều DN xuất khẩu gạo trong nước.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, DN xuất khẩu gạo ngoài việc tiếp cận xuất khẩu sang thị trường mới phải luôn quan tâm duy trì bảo đảm vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Philippines, hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam.

Chính vì vậy, DN Việt Nam phải tiếp tục giữ vững và bảo đảm chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm gạo xuất khẩu; qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, giữ được giá bán ổn định và không để xảy ra cạnh tranh về giá giữa các DN.

Theo Phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, việc Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo, đương nhiên sẽ kéo giá gạo của các quốc gia xuất khẩu chính trên thế giới xuống, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công Thương khuyến cáo các DN xuất khẩu gạo theo dõi sát thị trường gạo thế giới và trong nước, có tính toán thận trọng, chắc chắn khi chào giá đối với các lô hàng xuất khẩu để bảo đảm hiệu quả kinh doanh và giữ uy tín cho gạo Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải cũng lưu ý, gạo vẫn là ngành hàng thiết yếu trên thế giới cũng như Việt Nam, nên thời gian tới, cơ hội sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này còn rất lớn. Ðiều cần thiết là DN xuất khẩu cần tăng khả năng thích ứng và độ linh hoạt cao để tận dụng hiệu quả các cơ hội này.

Khuyến nghị về giải pháp để xuất khẩu thuận lợi, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, xuất khẩu gạo vẫn sẽ là điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam. Do đó, DN phải bám sát các thông tin về diễn biến của thị trường, sự thay đổi của người tiêu dùng để tìm các thị trường ngách.

Về phía Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần chú trọng quan tâm công tác thị trường để kịp thời nắm vững các diễn biến ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến xuất khẩu gạo, đặc biệt là nhu cầu, thói quen của người tiêu dùng và thị trường. Mặt khác, cũng không vì quá mải mê các thị trường truyền thống mà bỏ qua các thị trường ngách.

 

Năm 2023, Việt Nam ghi nhận kết quả kỷ lục về xuất khẩu gạo với hơn 8,13 triệu tấn, trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với mức bình quân năm 2022. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ tiếp tục khởi sắc với trên 8 triệu tấn và lập kỳ tích mới 5 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Điện Biên: giữ gìn và phát huy nghề dệt truyền thống

Việc đưa sản phẩm dệt thủ công của người dân tộc Lào ở Na Sang thành sản phẩm phát triển kinh tế không chỉ đem lại nguồn thu cho bà con, đồng thời còn giúp thế hệ trẻ khơi dậy tình yêu với nghề truyền thống, qua đó góp phần gìn giữ phát triển nghề dệt thủ công.

Tin liên quan