Tại Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán, Chính phủ đề xuất bổ sung trong hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng, DN phải có báo cáo kiểm toán về vốn điều lệ đã góp trong 10 năm tính tới thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO).
Theo các chuyên gia, việc kiểm toán quá trình tăng vốn của DN là cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư. Tuy nhiên, thời gian đề xuất 10 năm là quá dài, gây cản trở đến việc các DN chào sàn.
“Màng lọc” doanh nghiệp
Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật (Chứng khoán; Kế toán; Kiểm toán độc lập; Ngân sách Nhà nước; Quản lý, sử dụng tài sản công; Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia).
Tại sửa đổi Luật Chứng khoán, Chính phủ đề xuất bổ sung trong hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng, DN phải có báo cáo kiểm toán về vốn điều lệ đã góp trong 10 năm tính tới thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu. Theo các đại biểu và chuyên gia, việc yêu cầu kiểm toán vốn điều lệ nhằm giải quyết các vấn đề gian lận nghiêm trọng đã từng xảy ra, tránh gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư và làm giảm niềm tin vào thị trường tài chính.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Hữu Toàn khẳng định, xác định vốn điều lệ thực tế của DN là một yếu tố quan trọng. Ông nhấn mạnh, việc siết lại hồ sơ chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng là cần thiết, giúp xác minh chính xác số vốn thực góp, bảo đảm rằng tổng số cổ phần phát hành ra công chúng phản ánh đúng thực trạng tài chính của DN.
Dẫn chứng về vụ việc của Công ty Faros thuộc Tập đoàn FLC, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết, Công ty này đã khởi đầu với vốn điều lệ chỉ 1,5 tỷ đồng nhưng trong vòng 3 năm, từ 2014 – 2016, đã “phù phép” tăng lên đến 4.300 tỷ đồng thông qua 5 lần tăng vốn. Hậu quả là thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng bất ổn, nhiều nhà đầu tư đã bị lừa dối về quy mô và năng lực thực sự của công ty này.
Thực tế, có những DN đăng ký vốn điều lệ lên đến 10.000 – 20.000 tỷ đồng nhưng không có tiền thực trong tài khoản hoặc trụ sở rõ ràng. Đây là một trong những lý do khiến Chính phủ quyết định siết chặt quy định về vốn điều lệ nhằm bảo vệ thị trường khỏi những rủi ro tiềm tàng.
Phó Thủ tướng Chính phủ
Hồ Đức Phớc
Cũng theo cách làm tương tự, ông Nguyễn Cao Trí trong vụ án Sài Gòn – Đại Ninh đã sử dụng chiêu trò bơm rồi rút vốn để thổi phồng vốn điều lệ của DN mình lên đến 2.000 tỷ đồng.
“Nếu trước đây chúng ta có những quy định chặt chẽ, đã không xảy ra trường hợp tăng vốn ảo như Faros. Kiểm toán vốn điều lệ sẽ giúp ngăn chặn tình trạng này, đồng thời bảo đảm thị trường hoạt động minh bạch và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh.
Luật sư Lê Văn Tiến – Công ty Luật TNHH Vietthink cho rằng, việc dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi thắt chặt các điều kiện IPO, trong đó yêu cầu DN phải báo cáo kiểm toán vốn điều lệ khi chào bán chứng khoán lần đầu, sẽ tạo thêm lớp “màng lọc” nhằm loại bỏ các DN nhỏ lẻ, chưa đủ điều kiện tham gia thị trường chứng khoán. Qua đó, tình trạng IPO ồ ạt như trước đây sẽ được hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng cổ phiếu, tăng tính an toàn và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư. Sự thắt chặt này cũng thúc đẩy tính minh bạch và cải thiện chất lượng của thị trường chứng khoán Việt Nam, đưa thị trường tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế theo lộ trình đã đề ra.
“Đối với các DN, yêu cầu báo cáo kiểm toán vốn điều lệ sẽ khiến việc gia nhập thị trường chứng khoán trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và dài hạn. Tuy nhiên, điều này không làm giảm sức hấp dẫn của sân chơi IPO. Ngược lại, sự kiểm soát chặt chẽ sẽ càng tăng thêm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán, khuyến khích các DN hoạt động bền vững và có triển vọng dài hạn hướng tới IPO. Nói cách khác, dù các quy định nghiêm ngặt hơn, IPO vẫn là mục tiêu và đích đến hấp dẫn mà nhiều DN muốn chinh phục, nhờ những lợi ích lớn mà nó mang lại”- ông Tiến nhấn mạnh.
Dưới góc độ DN, theo ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, kiểm toán vốn điều lệ trước khi đăng ký chào bán cổ phần ra công chúng sẽ làm tăng tính mình bạch và nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán. Theo ông Ngọc, những việc này trước đây luật chưa quy định, tuy nhiên, DN lách luật dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là những trường hợp như ROS.
“Thực tế, có rất nhiều DN lên sàn trước đây dễ dàng vượt qua khâu kiểm toán vốn rồi lên sàn với mục đích bán cổ phiếu cho cổ đông, huy động vốn là chính, xong sau đó thì hoạt động kinh doanh không hiệu quả, cổ phiếu cứ giảm dần, thanh khoản thấp, không ai giao dịch gì nữa. Tỷ lệ những cổ phiếu dạng zombie (xác chết) trên sàn HNX và UPCOM là rất cao. Điều này cho thấy chất lượng hàng ở những sàn có tỷ lệ cao là thấp, không đáng để nhà đầu tư đầu tư lâu dài” – ông Đỗ Bảo Ngọc nhấn mạnh.
10 năm hay 5 năm?
Đồng tình với việc kiểm toán quá trình tăng vốn để chặn cửa DN “thổi” vốn ảo là cần thiết, tuy nhiên, đề xuất này cũng gặp phải một số ý kiến trái chiều. Một số đại biểu bày tỏ quan ngại rằng, việc yêu cầu kiểm toán vốn điều lệ trong vòng 10 năm có thể gây thêm gánh nặng chi phí và kéo dài thời gian chuẩn bị cho DN. Điều này cũng tạo ra tâm lý e ngại, khiến DN ngần ngại hơn khi quyết định niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Điều này có thể vô tình làm thị trường mất đi những cơ hội đầu tư hấp dẫn từ những DN thực sự có tiềm năng.
Theo CEO Công ty CP Techprofit Phan Linh, đề xuất kiểm toán quá trình tăng vốn của DN IPO là cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư. Tuy nhiên, quá trình kiểm toán không cần thiết phải kéo dài 10 năm như đề xuất tại Dự thảo. Điều này gây cản trở đến việc các DN chào bán cổ phiếu lần đầu. Thời gian kiểm toán 5 năm là phù hợp để vừa giảm áp lực cho DN nhưng vẫn bảo đảm được tính minh bạch và công bằng.
Trước các lo ngại của DN, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến và cân nhắc điều chỉnh thời hạn kiểm toán xuống còn 5 năm, nhằm giảm bớt áp lực chi phí nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu minh bạch.
Trước đó, tại Hội nghị Doanh nghiệp Thường niên 2024 do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải nhấn mạnh rằng, công bố thông tin đầy đủ và minh bạch là yếu tố then chốt để duy trì niềm tin của nhà đầu tư, góp phần bảo đảm sự vận hành hiệu quả, công bằng và phát triển bền vững của thị trường chứng khoán. Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý đang tích cực đưa ra nhiều đề xuất chính sách nhằm hoàn thiện khung pháp lý, hướng tới việc nâng cao tính công khai và minh bạch trong hoạt động công bố thông tin của DN.
Chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán là yếu tố quan trọng nhất để giữ chân những nhà đầu tư chân chính. Hàng hóa có chất lượng thì nhà đầu tư mới yên tâm góp vốn dài hạn và các DN không đàng hoàng, chất lượng thấp mới hết cửa “hút máu” cổ đông bằng những câu chuyện đầu cơ lướt sóng, đánh quả ngắn hạn.
Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam
Đỗ Bảo Ngọc
Theo kinhtedothi.vn