Việc TP Hà Nội đưa Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam thành hoạt động thường niên đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đó là ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế khi nói về lợi ích mà hội chợ mang lại.
Sự hấp dẫn của các sản vật
Là người yêu thích du lịch, khám phá các vùng quê xa xôi, chị Minh Phương ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) thường xuyên đi các tour du lịch trải nghiệm trong nước. Mỗi khi đi đến tỉnh nào, chị cũng lân la vào các khu dân cư mua cho được các đặc sản về làm quà hoặc để tự thưởng thức.
Tuy nhiên, không phải bất cứ đặc sản nào chị Phương cũng có thể thuận tiện mua mang về. Phần là vì vận chuyển cồng kềnh, xa xôi, đi lại không tiện, cái chính là mua về nhiều, khâu bảo quản không được tốt, hàng có thể bị hỏng gây lãng phí.
Chính vì vậy, mỗi khi có Hội chợ Đặc sản vùng miền, chị cũng đi mua sắm bởi ở đây quy tụ đặc sản của nhiều địa phương trong cả nước. Trong đó có những địa phương chị Phương chưa có cơ hội đến tham quan, thưởng thức đặc sản nên thông qua hội chợ, chị và gia đình được tiếp cận với các sản phẩm đặc sản vùng miền.
“Chẳng hạn, gạo Điện Biên với hạt gạo trắng đục, sáng bóng, khi nấu cơm có mùi thơm nhẹ, vị đậm, mềm và dẻo; Trà Shan Tuyết với vị thơm đặc trưng, không chát xít và rõ ngọt hậu nhờ được chế biến từ búp chè tươi 1 búp 2 lá non” – chị Phương nói.
Xách trên tay những túi cam, bác Nguyễn Thị Tuyết, ở 79 Phố Huế (Hai Bà Trưng) cho hay, hằng ngày gia đình bà đều mua cam về để vắt nước uống. “Nay qua hội chợ thấy có cam Cao Phong (Hòa Bình) mã đẹp và mỏng vỏ, ăn thử thấy khá ngọt thơm nên tôi mua mấy cân về uống. Mua tại đây tôi khá yên tâm về chất lượng sản phẩm mà giá cả phải chăng phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng” – bà Tuyết chia sẻ.
Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) cho thấy, Hội chợ đặc sản vùng miền 2024 với quy mô 250 gian hàng, thu hút hơn 200 đơn vị đến từ 63 tỉnh thành tham gia trưng bầy, giới thiệu đặc sản vùng miền. Với các tỉnh vùng núi cao Tây Bắc mang tới hội chợ sản phẩm, gạo Séng Cù, tương ớt Mường Khương, bí thơm Bắc Kạn, cam Hàm Yên. Vùng đồng bằng Sông Hồng với cá kho làng Vũ Đại, rươi Tứ Kỳ, nhãn Hưng Yên. Miền Trung với yến sào Khánh Hòa, tỏi Lý Sơn, hải sản Phú Yên, trầm hương Quảng Nam. Đồng bằng Sông Cửu Long với sản phẩm cua Cà Mau, mắm Gò Công, đường thốt nốt, mật hoa dừa, hạt tiêu Phú Quốc, bánh pía…
Phó Giám đốc HPA Bùi Duy Quang cho biết, sản phẩm trưng bày tại hội chợ đều bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm… “Hội chợ đặc sản vùng miền 2024, có khoảng 50% số lượng sản phẩm các tỉnh đăng ký trực tiếp là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên”- ông Quang nêu rõ.
Thêm cơ hội mở rộng thị trường
Đây là lần đầu tiên Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Tiến Phát (Quy Nhơn, Bình Định) đem các sản phẩm giới thiệu với thị trường Hà Nội, ngoài các lại thủy hải sản, đặc sản của vùng biển Bình Định, còn có những sản phẩm nông sản chế biến sạch, trồng từ vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên như trà (trà khô, trà túi lọc), ca cao, artiso….
Đại diện của Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Tiến Phát Hồ Xuân Thắng cho biết, Công ty có nhà phân phối ở nhiều tỉnh miền trung và Tây Nguyên, nên lần này tham gia Hội chợ Đặc sản vùng miền nhằm mục tiêu mở rộng thị trường ra Hà Nội và các tỉnh phía bắc. “Ngay trong ngày đầu tiên giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, đã có nhiều nhà phân phối đến gặp gỡ, tìm hiểu về sản phẩm và hẹn sẽ vào tận nơi sản xuất để tham quan, tìm hiểu để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm”-ông Thắng chia sẻ.
Tương tự Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare Nguyễn Thanh Hiền thông tin sản phẩm duy nhất giới thiệu tại hội chợ lần này là tương ớt, ớt xay lên men, được lấy từ nguồn ớt sạch trồng trong nước. “Mặc dù sản phẩm tương ớt lên men của doanh nghiệp đã xuất khẩu sang Australia, Mỹ, Canada, Nga… nhưng thị trường phía bắc, nhất là Hà Nội vẫn là mục tiêu hàng đầu của Tomcare, vì đây là thị trường khó tính nếu chinh phục được là một thành công lớn”- anh Thắng nêu rõ.
Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái Vũ Thị Huệ chia sẻ, sau nhiều lần tham gia Hội chợ đặc sản vùng miền do Hà Nội tổ chức, Hội nữ doanh nhân Yên Bái đã xây dựng được mối liên kết với tỉnh Thanh Hoá, Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên… tiêu thụ sản phẩm. “Hy vọng trong lần tham gia hội chợ đặc sản vùng miền 2024, doanh nghiệp Yên Bái sẽ có thêm đối tác tiêu thụ hàng hóa trong thời gian tới” – bà Huệ mong mỏi.
Thông tin về việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kết nối với các nhà bán lẻ tiêu thụ sản phẩm, Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương cho hay, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất đặc sản vùng miền khai thác thị trường Hà Nội, trong thời gian diễn ra HPA tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp sản xuất với hệ thống bán lẻ hiện đại như Vinmart, Central Retail Việt Nam, Co.op Mart… và sàn thương mại điện tử Sendo, Voso…
Đặc biệt, HPA còn hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh thành giới thiệu sản phẩm đến các tổ chức, doanh nghiệp, đại sứ quán, văn phòng đại diện thương mại của doanh nghiệp quốc tế trên địa bàn Hà Nội. Không chỉ vậy, trong thời gian diễn ra hội chợ, HPA tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử…
“Hội chợ Đặc sản vùng miền 2023 đã thu hút trên 50.000 lươt khách đến mua sắm với doanh thu đạt gần 50 tỷ đồng. Đặc biệt, rất nhiều các giao dịch đã thành công doanh nghiệp sản xuất đã trở thành nhà cung cấp sản phẩm lâu dài tại các hệ thống phân phối và các đối tác lớn” – ông Dương nêu ví dụ.
Nhìn nhận lợi ích mà Hội chợ Đặc sản vùng miền mang lại cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan nêu rõ, sự kiện không chỉ kết nối giao thương hàng hóa từ các tỉnh, thành về Hà Nội mà còn nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt tại hệ thống bán lẻ truyền thống cũng như hệ thống siêu thị hiện đại. Qua đó, nâng cao nhận thức, lòng tin của người tiêu dùng về văn minh thương mại, chất lượng, giá cả, thương hiệu của sản phẩm Việt.
Theo kinhtedothi.vn