Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024
20 C
Hanoi
Thứ tư, 27/11/2024, 23:58

Phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam dài hơi

Ngành dịch vụ logistics là nhân tố chiến lược để đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế nói chung, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Tuy nhiên, Việt Nam cần có chiến lược dài hơi, bài bản và phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay.

Tăng trưởng nhanh và ổn định

Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14 – 16%, ngành logistics Việt Nam là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất Việt Nam trong thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 681 tỷ USD, bằng 158% GDP cả nước. 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 648 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị logistics cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa
Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị logistics cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương đánh giá, Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị logistics cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, với hệ thống giao thông hiện nay đã được trải dài và rộng khắp các vùng miền trong cả nước, trong đó, bao gồm cả 5 hệ thống giao thông (đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy nội địa, đường biển).

Các hạ tầng logistics bao gồm kho bãi, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng về quy mô. Các dịch vụ đi kèm của các doanh nghiệp logistics hiện nay đã, đang thích nghi rất kịp thời và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2022 – 2024 vừa rồi, đã có hàng trăm nghìn tỷ đồng của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã được đầu tư vào các dự án quan trọng, dự án trọng điểm và một phần không nhỏ trong số này đã được đưa vào hệ thống hạ tầng giao thông. Đây là hệ thống huyết mạch của nền kinh tế cũng như huyết mạch của ngành dịch vụ logistics.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics như: nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường mới nổi thứ 8 có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, là trung tâm sản xuất mới của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Phối cảnh Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc - “siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới Logistics thông minh ASEAN. Ảnh minh họa
Phối cảnh Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc – “siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới Logistics thông minh ASEAN. Ảnh minh họa

Đặc biệt, với sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ là động lực cho sự phát triển ngành dịch vụ logistic. Theo đó, Việt Nam xếp trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Chính sự phát triển của thương mại điện tử đã tạo ra sự thay đổi của ngành logistics trong việc cung cấp các dịch vụ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Cốt lõi là hoàn thiện thể chế, chính sách

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam cần đầu tư hình thành hệ thống các trung tâm logistics đủ tầm, cũng như cần có nhiều hơn những doanh nghiệp logistics có sức cạnh tranh cao.

 

Để xây dựng Đề án chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045 sát thực tiễn, Bộ Công Thương đã tìm hiểu đặc trưng, đặc thù thực trạng cũng như định hướng phát triển logistics của từng địa phương, đặc biệt là tính liên kết vùng miền ở mỗi khu vực. Việc xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics kịp thời sẽ kịp tích hợp vào các quy hoạch, làm nền tảng, cơ sở tiến đến những bước tiếp theo như xây dựng cơ chế, chính sách để tạo động lực cho phát triển logistics.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Vì vậy, trước hết, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, tham mưu chính sách, hoàn thiện chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics…

Bên cạnh đó, cần tổ chức triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics trên cơ sở ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng; ban hành bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh.

PGS.TS Phạm Tất Thắng – chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) khuyến nghị, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để phát triển sản phẩm, đa dạng hoá thị trường và chuỗi cung ứng, thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.

Đối với các địa phương cần tăng cường thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng. Quy hoạch và xây dựng các khu logistics tập trung, có quy mô lớn, gắn với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh.

Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) Trần Tiến Dũng, các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics.

 

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề “Khu thương mại tự do – Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics” sẽ diễn ra vào ngày 1-2/12 tại khách sạn The Grand Hồ Tràm (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương tổ chức từ năm 2013 nhằm phối hợp đồng bộ các hoạt động để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu; đồng thời cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về các vấn đề cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Vì sao người tiêu dùng không hào hứng mua sắm trong ngày Black Friday?

Trước ngày Black Friday, nhiều cửa hàng đã rầm rộ quảng cáo khuyến mại sớm, song người mua không còn hào hứng mua sắm như những năm trước. Vậy đâu là nguyên nhân khiến người tiêu dùng thờ ở trước các chương trình giảm giá, khuyến mại?

Tin liên quan