Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024
19 C
Hanoi
Thứ năm, 28/11/2024, 03:34

Thanh khoản heo hút, cổ phiếu FPT gánh cả thị trường

Thanh khoản thị trường hôm nay tiếp tục giảm so với phiên giao dịch trước đó, chỉ đạt 12,8 nghìn tỷ đồng trên toàn thị trường.

Thanh khoản heo hút, VN-Index giảm điểm nhẹ

VN-Index mở cửa phiên chiều tiếp tục diễn biến giằng co quanh mốc tham chiếu mặc dù bên mua liên tục nâng đỡ thị trường nhưng lực bán vẫn có phần chiếm ưu thế khiến chỉ số không thể thoát khỏi sắc đỏ cuối phiên.

Thanh khoản heo hút, cổ phiếu FPT gánh cả thị trường - Ảnh 1

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm nhẹ 0,16 điểm (-0,01%), về mức 1.241.97 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 366 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 9,2 ngàn tỷ đồng.

Về mức độ ảnh hưởng, VHM, VIC, CTG và GAS là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 1,1 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, FPT, VCB, LPB và EIB là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất góp hơn 2,2 điểm vào chỉ số chung.

Hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Mức tăng của các mã cổ phiếu cũng không lớn, hầu hết là dưới 1%.

Cổ phiếu ngân hàng phân hóa, tuy nhân nhiều cổ phiếu lớn trên sàn HOSE vẫn giữ sắc xanh, trong đó có thể kể đến EIB (2,2%), LPB (1,3%), HDB (0,4%), SSB (0,3%), VCB (0,3%), BID (0,2%); riêng EIB, LPB, VCB và BID trực tiếp góp thêm gần 1 điểm cho VN-Index. Ở chiều ngược lại, TCB, VIB, MSB, CTG, SHB và OCB chốt phiên trong giá đỏ, tuy nhiên đều giảm ít hơn 0,6%.

Tương tự là cổ phiếu bất động sản khi vẫn có nhiều mã tăng điểm mạnh, như QCG tăng trần, HDG tăng 2,3%, DXG và NVL cùng tăng 0,9%. Ở chiều ngược lại, hàng loạt cổ phiếu giảm giá bao gồm NGL (-1,6%), VCG (-1,1%), DXS (-2,3%). Bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup là VIC, VRE và VHM giảm lần lượt 0,7%, 1,1% và 1,2%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán lại đồng loạt giảm: BVS giảm 2,1%, SSI giảm 1,22%, ORS giảm 1,44%, VND giảm 1,07%, VFS giảm 1,95%; HCM, VCI, VIX, FTS giảm gần 1%.

Riêng một vài cổ phiếu tăng mạnh, góp phần đỡ VN-Index bớt giảm: FPT tăng 2,74%, POW tăng 1,6%, VTP tăng 1,8%, HDG tăng 2,28%…

Khối ngoại mua ròng phiên thứ 4 trên sàn HOSE sau chuỗi ngày bán ròng miệt mài trước đó với tổng giá trị mua ròng tăng so với 3 phiên trước, gần 355 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh là FPT gần 687 tỷ đồng, tiếp đến là MSN gần 66 tỷ đồng và VNM gần 43 tỷ đồng.

Cổ phiếu FPT bật tăng mạnh, giao dịch tăng đột biến

Trong phiên hôm nay, cổ phiếu FPT nổi bật với mức tăng mạnh 2,7% lên 138.900 đồng/cp, cao nhất rổ bluechip.

Phiên tăng giá giúp cổ phiếu FPT đóng góp 1,36 điểm vào chỉ số VN-Index. So với mức đáy dưới 1.200 điểm vào ngày 20/11, nhiều nhà đầu tư đã tạm lãi 9,5% khi cổ phiếu về tài khoản T+5.

Giao dịch cổ phiếu FPT đạt hơn 9,8 triệu đơn vị, cao nhất trong 1,5 tháng qua, với giá trị khớp lệnh gần 1.360 tỷ đồng, chiếm 23,8% giá trị giao dịch nhóm VN30 và 12% toàn sàn HoSE. Có 17 lệnh giao dịch lớn, mua vào 1,6 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng 13 tỷ đồng/lệnh.

Đặc biệt, phiên này ghi nhận dấu ấn lớn từ khối ngoại khi nhóm này mua ròng gần 5 triệu cổ phiếu FPT, giá trị tương ứng 686 tỷ đồng. Đây cũng là phiên mua ròng thứ tư liên tiếp của khối ngoại, đưa tổng giá trị mua ròng toàn thị trường lên 360 tỷ đồng. Lực mua từ khối ngoại tại FPT đã cân bằng áp lực bán trên thị trường, giúp cổ phiếu đầu ngành công nghệ trở thành điểm sáng.

Quan sát một tháng gần đây cho thấy, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước đã liên tục mua vào cổ phiếu FPT, hấp thụ lực bán lớn từ khối ngoại. Tuy nhiên, trong tuần qua, dòng tiền nội đã đảo chiều, khi nhà đầu tư cá nhân bán ròng, nhường chỗ cho khối ngoại và các tổ chức gom mạnh cổ phiếu này.

Trước đó, tính đến hết phiên 20/11, FPT đã bị khối ngoại rút ròng gần 6.900 tỷ đồng từ đầu năm 2024, đứng thứ tư toàn thị trường sau các mã FUEVFVND, VIB và VHM. Áp lực bán mạnh đã khiến room ngoại của FPT “hở” hơn 3%, tương đương 45 triệu cổ phiếu, tạo cơ hội để khối ngoại quay lại gom hàng trong những phiên gần đây.

Phiên giao dịch ngày 27/11 khẳng định vị thế của FPT trong việc dẫn dắt thị trường, với sự hỗ trợ lớn từ dòng vốn ngoại. Đây là tín hiệu tích cực, củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng dài hạn của cổ phiếu đầu ngành công nghệ này.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

An toàn thông tin trong kỷ nguyên số, lợi thế cùng những thách thức

Sáng 27/11, tại TP.HCM, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm “An toàn thông tin trong kỷ nguyên số”, nêu lên những lợi thế của nền kinh tế số cùng những thách thức.

Tin liên quan