Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024
22 C
Hanoi
Thứ năm, 28/11/2024, 14:52

Xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển

Đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông trong chiến tranh, để vận chuyển vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam, trong kháng chiến chống Mỹ.

Ngày 26/11, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã kí quyết định của Thủ tướng Chính phủ, số 1473/QĐ-TTg (đợt 16, năm 2024), xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (thành phố Hải Phòng và các tỉnh Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau).

Cùng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt này còn có 5 di tích khác, bao gồm: Di tích kiến trúc nghệ thuật quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang); Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Đình Bảng (thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh); Di tích lịch sử- kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Đa Hòa- Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) và Di tích lịch sử trận địa pháo 105mm của Đại đội 805, thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (bổ sung vào Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ xếp hạng tại Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ).

Đường Hồ Chí Minh trên biển là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông trong chiến tranh, để vận chuyển vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam, trong kháng chiến chống Mỹ.

Đây là một nhân tố quan trọng, chiến lược, góp phần đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. 

 Tàu không số vận chuyển vũ khí vào Nam, ảnh do không quân Mỹ chụp. Ảnh tư liệu.

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được kí kết, đất nước ta tạm thời chia cắt thành hai miền Nam- Bắc. Miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Giơnevơ, ra sức đàn áp, khủng bố, thực hiện “tố cộng- diệt cộng”, đặt cách mạng miền Nam trước muôn vàn khó khăn, nguy hiểm.

Trước tình hình đó, ngày 13/1/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15, khóa II quyết định chuyển hướng cách mạng miền Nam, từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Thực hiện Nghị quyết 15, cách mạng miền Nam tập trung đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang; chuyển thế từ bị truy lùng ráo riết sang chủ động tiến công địch cả về chính trị, quân sự. 

Để kịp thời chi viện cho các chiến trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, rút kinh nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), mở tuyến đường vận tải chiến lược – Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đây là một quyết định lịch sử mang tầm chiến lược, táo bạo, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ chủ trương đúng đắn đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện với tinh thần, quyết tâm cao nhất, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, vượt qua mọi hi sinh, gian khổ, thông tuyến và vận chuyển được vũ khí đến những địa bàn chiến lược, xa hậu phương miền Bắc, vào thời điểm tuyến chi viện Trường Sơn chưa vươn tới. Đó thực sự là kì tích trong điều kiện con người, phương tiện của ta, đặc biệt là phải vượt qua sự ngăn chặn, đánh phá quyết liệt của địch.

 Di tích Bến tàu không số Vũng Rô, Phú Yên. Ảnh: NH

Những chiến công xuất sắc của Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành kì tích lịch sử- một huyền thoại sống động của ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh và sức sáng tạo của con người Việt Nam trong cuộc đụng đầu với đế quốc Mỹ xâm lược. Điều đó được thể hiện trong tổ chức, biên chế của “Đoàn tàu không số”.

Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên bộ, Đường Hồ Chí Minh trên biển giữ vai trò quan trọng đối với mỗi giai đoạn phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từng bước hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Trong suốt 14 năm (1961 – 1975), cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã lập nên những kì tích anh hùng trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, ác liệt.

Các đơn vị vận tải quân sự trên tuyến đường biển mang tên Chủ tịch  Hồ Chí Minh đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, vượt qua sự kiểm soát gắt gao, phong tỏa, đánh phá ác liệt của địch, tổ chức hàng trăm lượt tàu ra khơi, về đích; hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, trang bị kĩ thuật, khí tài quân sự, hàng hóa, thuốc chữa bệnh; hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn được đưa vào tiền tuyến, đáp ứng kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh.

Con đường vận tải chi viện chiến lược trên biển đã cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và làm nên thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo baovephapluat.vn

Mới nhất

Đại sứ quán Anh tại Việt Nam thăm và làm việc với Vườn Quốc gia Pù Mát

Sáng 27/11, đoàn công tác Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã tới thăm và làm việc với Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, Nghệ An.

Tin liên quan