Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024
20 C
Hanoi
Thứ năm, 28/11/2024, 20:55

Đề xuất đưa báo chí vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, được ưu đãi về thuế

“Cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% như doanh nghiệp thông thường, điều này gây áp lực tài chính lớn với báo chí”.

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 28-11 về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ thống nhất việc dự thảo Luật đã bổ sung người nộp thuế là doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.

Đại biểu cho biết, trong thời gian qua, nếu chúng ta bỏ không thu thuế đối với những đối tượng này sẽ dẫn đến tình trạng thất thu thuế. Sẽ không công bằng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước có những sản phẩm tương đồng với các sản phẩm của các tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, đối với cơ sở kinh doanh thường trú ở Việt Nam thì chúng ta đánh thuế được, còn có những cơ sở không thường trú ở Việt Nam mà chỉ thông qua sàn giao dịch điện tử thì cách tính thuế sẽ như thế nào? Vấn đề này, đề nghị Chính phủ có Nghị định quy định cụ thể.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu.

Đại biểu cũng cho rằng vấn đề xác định thuế, tính thuế là vấn đề rất quan trọng. Có những cơ sở kê khai thuế, hoặc có cơ sở hạch toán, quyết toán theo hóa đơn…Cho nên việc thu thuế rất khó khăn, doanh nghiệp dễ dàng trốn thuế nếu cơ quan thuế không phát hiện ra hành vi này. Do đó, Luật sửa đổi lần này cần khắc phục được tình trạng trốn thuế, đảm bảo công bằng cho những người nộp thuế.

Về thuế thu nhập đối với các cơ quan báo chí, đại biểu Phạm Văn Hoà phân tích, báo chí hiện nay rất khó khăn. Nếu đánh thuế trên thu nhập của báo chí sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan này. Do đó, đại biểu đề xuất đưa báo chí vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, được ưu đãi về thuế.

Cùng quan tâm đến nội dung trên, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, hiện nay, cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% như các doanh nghiệp thông thường. Điều này gây áp lực tài chính lớn, đặc biệt khi nguồn thu từ quảng cáo ngày càng giảm do cạnh tranh với các nền tảng số.

 Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) thảo luận.

Bên cạnh đó, Luật Thuế hiện tại chưa có quy định riêng cho cơ quan báo chí, dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất như doanh nghiệp thông thường mà không xét đến vai trò đặc biệt của báo chí. Đại biểu đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% đối với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện.

Đồng thời, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí; có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các cơ quan báo chí địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và khả năng tự chủ tài chính thấp hoặc là rất thấp.

Cũng theo đại biểu, dự thảo Luật đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 15% và 17% cho doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 50 tỉ đồng nhằm giúp giảm gánh nặng thuế, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ phát triển và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập như mức doanh thu 3 tỉ đồng áp dụng thuế 15% là quá thấp, cách phân loại doanh nghiệp chỉ dựa vào doanh thu có thể bị lợi dụng. Đại biểu đề nghị cần tăng ngưỡng doanh thu áp dụng thuế 15% và 17%, sử dụng thêm tiêu chí như số lao động và tổng tài sản để phân loại doanh nghiệp, áp dụng lộ trình tăng thuế suất khi doanh nghiệp vượt ngưỡng.

Theo baovephapluat.vn

Mới nhất

Bước tiến quản lý tài chính công của Việt Nam

Báo cáo đánh giá chi tiêu công và trách nhiệm giải trình tài chính (PEFA) vừa công bố cho thấy, Việt Nam đã có bước tiến rõ rệt trong cải cách quản lý tài chính công.

Tin liên quan