Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024
21 C
Hanoi
Thứ sáu, 29/11/2024, 19:56

Nông dân kiến nghị điều chỉnh mức hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh

Kinhtedothi – Chính sách, cơ chế hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh quá thấp, chưa tương xứng với giá trị thiệt hại, do đó chưa thu hút được người dân tái đầu tư khôi phục sản xuất sau thiệt hại.

Đây là ý kiến được chia sẻ tại hội nghị đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2024 với chủ đề “Phát huy tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững”, sáng 29/11.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức kiến nghị tại hội nghị. (ảnh: Phạm Hùng).
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức kiến nghị tại hội nghị. (ảnh: Phạm Hùng).

Cụ thể, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh cho biết, hiện nay, TP có Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, kinh phí hỗ trợ chưa tương xứng với giá trị thiệt hại. Điều này chưa thu hút được người dân tái đầu tư khôi phục sản xuất sau thiệt hại. Đặc biệt, sau ảnh hưởng của bão số 3 (YAGI) vừa qua, mức độ thiệt hại đối với ngành nông nghiệp và nông dân là rất lớn. Tuy nhiên, do chính sách hỗ trợ thấp, nên có thực trạng nhiều nông dân không kê khai thiệt hại để xin hỗ trợ.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh kiến nghị TP có thể điều chỉnh tăng mức hỗ trợ thiệt hại về cây trồng và bổ sung nội dung hỗ trợ thiệt hại đối với các loại cây cảnh, diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp, sạt lở; diện tích nuôi trồng thủy sản; các mô hình nông nghiệp ứng dung công nghệ cao như: nhà kính, nhà lưới, nhà màng…

Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị đối thoại với nông dân Thủ đô 2024, Giám đốc Sở NN&PTTN Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ, Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND TP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội thì mức hỗ trợ đối với thiệt hại về cây trồng, thủy sản là rất thấp chưa phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế thị trường hiện nay và chưa thu hút được người dân tái đầu tư khôi phục sản xuất sau thiệt hại.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại giải đáp kiến nghị của nông dân tại hội nghị. (ảnh: Phạm Hùng).
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại giải đáp kiến nghị của nông dân tại hội nghị. (ảnh: Phạm Hùng).

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm, hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, trong đó các mức hỗ trợ đối với thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản đều tăng so với quy định cũ. Dự thảo Nghị định sửa đổi đang trong thời gian Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ ban hành.

Sau khi Nghị định sửa đổi được ban hành, Luật Thủ đô có hiệu lực, UBND TP sẽ ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể với mức hỗ trợ cao hơn mức của Trung ương để áp dụng trên địa bàn TP.

Đối với việc hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn TP, UBND TP đã có nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các địa phương để phục hồi sản xuất như: Cấp hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, thị xã, đơn vị TP tổng số tiền 220,87 tỷ đồng tại 05 Quyết định.

Ngày 04/10/2024, trình HĐND TP thông qua Nghị quyết số 38/NQ-HĐND, trong đó có nội dung hỗ trợ sản xuất cây vụ Đông; gồm một số đối tượng cây trồng chủ lực như: đậu tương, lạc, ngô 12 triệu đồng/ha; khoai lang, khoai tây 30 triệu đồng/ha; rau các loại 10 triệu đồng/ha.

Quang cảnh buổi đối thoại.
Quang cảnh buổi đối thoại.

Ngày 19/11/2024 trình HĐND TP thông qua Nghị quyết hỗ trợ một số cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong đó quy định hỗ trợ một phần chi phí đầu tư ban đầu của một số chủng loại cây trồng, vật nuôi chưa được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND gồm: Quất cảnh là 45-90 triệu đồng/ha; đào cảnh, phật thủ, một số cây cảnh khác khác 30 – 60 triệu đồng/ha; chim cút 6000 đồng/con; chim bồ câu là 35.000/con.

Ngoài ra, để thúc đẩy phục hồi sản xuất, TP đã cấp bổ sung kinh phí cho các Quỹ: Quỹ Khuyến nông TP, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách TP Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã để người dân có thể tiếp cận vay vốn tại các Quỹ này khi có nhu cầu vay vốn để nhanh chóng phục hồi sản xuất sau mưa bão, thiên tai.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Dừng hoạt động nhà ở chuyển đổi công năng không đảm bảo PCCC

Cơ sở không thể áp dụng được các giải pháp kỹ thuật theo quy định và cũng không chuyển đổi công năng sử dụng thì phải dừng hoạt động theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tin liên quan