Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024
19 C
Hanoi
Thứ sáu, 29/11/2024, 21:47

Trang bị kỹ năng phòng, chống lừa đảo trực tuyến cho người dân trên địa bàn Vĩnh Phúc

Thời gian qua, địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên phải đối mặt với các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân đến lừa đảo tình cảm, đầu tư, việc làm, liên quan đến pháp luật… Mục đích của các đối tượng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trước diễn biến phức tạp của loại hình tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tích cực trang bị kỹ năng nhận diện và phòng ngừa tội phạm lừa đảo trực tuyến cho người dân. Theo đánh giá của cơ quan Công an, tội phạm lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi, khó lường. Trước tình hình đó, bên cạnh biện pháp phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng Công an, các ngành, đơn vị, địa phương đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng, chống lừa đảo trực tuyến cho các tầng lớp nhân dân.

Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công an các huyện, thành phố, trường học tổ chức tuyên truyền, truyền đạt các nội dung về nhận diện thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật; trách nhiệm khi tham gia, sử dụng mạng xã hội; cảnh báo phương thức, thủ đoạn, hoạt động của tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những kiến thức pháp luật trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng ngừa vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội và tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Qua đó tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh…Cùng với đó, lực lượng Công an tại các địa phương phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch tuyên truyền, trang bị kỹ năng nhận diện và phòng ngừa tội phạm lừa đảo trực tuyến cho người dân.

 Cảnh báo lừa đảo trên không gian mạng của lực lượng Công an.

Đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Thượng tá Lê Xuân Độ, Phó Trưởng phòng An ninh mạng & PCTP sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, mới đây, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp Công an tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho 70 cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Sở Công thương. Theo đó, cán bộ CNVC, người lao động đã được thông tin về kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng; Công tác đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình chuyển đổi số; một số phương thức, thủ đoạn chủ yếu về hoạt động của tội pham mạng. Từ đó nâng cao nhận thức, kỹ năng nhận biết, phòng ngừa các hoạt động phức tạp của tội phạm trên không gian mạng cho cán bộ, công nhân viên, người lao động Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc.

Trung tá Đào Trường Giang, Trưởng Công an xã Vũ Di (huyện Vĩnh Tường) cho biết: Lực lượng công an xã thường xuyên phối hợp với các đội nghiệp vụ Công an huyện Vĩnh Tường tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho nhân dân cũng như các kỹ năng nhận biết, phát hiện, xử lý, phòng tránh lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh hình thức tuyên truyền trực tiếp, công an xã đẩy mạnh trang bị kiến thức phòng, chống tội phạm lừa đảo trên các tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook chính thống của lực lượng công an địa phương, thu hút đông đảo nhân dân quan tâm. Tổ chức ký cam kết đến 100% hộ dân, đề nghị “không nghe, không tin và không làm theo” những hướng dẫn, yêu cầu của các đối tượng không quen biết…

Trước đó, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn lực lượng đẩy mạnh toàn diện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ở từng địa bàn cơ sở. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Liên đoàn lao động tỉnh, các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức tuyên truyền cho các tầng lớp Nhân dân, người lao động về phương thức, thủ đoạn, cách phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng dưới các hình thức phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức các chương trình ngoại khóa, hoạt động tuyên truyền, cảnh báo về tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng phù hợp với chương trình khóa học, lứa tuổi, bậc học; cập nhật, thông báo các thông tin về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên qua các hình thức phù hợp.

Phòng An ninh kinh tế phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo, hướng dẫn 100% các khu công nghiệp, công ty doanh nghiệp sản xuất tổ chức tuyên truyền, tập huấn, cảnh báo cho người lao động, công nhân nâng cao cảnh giác, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; cập nhật, thông báo các thông tin về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho công nhân, người lao động qua các hình thức phù hợp. Đồng thời, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp vận động từng người lao động, công nhân ký cam kết đã được tuyên truyền, nhận thức rõ về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; cam kết không thực hiện, không tham gia các hình thức kinh doanh, đầu tư… khi chưa rõ thông tin hoặc chưa được cơ quan chức năng xác thực trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Sở Công Thương chỉ đạo, huy động các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống tổ chức tuyên truyền về phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng qua các banner, áp phích, màn hình quảng cáo. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thường xuyên quán triệt, phổ biến cho cán bộ, nhân viên về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để kịp thời hỗ trợ khách hàng phát giác tội phạm, ngăn ngừa thiệt hại về tài sản giao dịch; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, quy định nội bộ về quy trình giao dịch nộp, rút, chuyển tiền; nâng cao tính bảo mật trong các hoạt động giao dịch trực tuyến, qua thẻ ngân hàng; cung cấp kịp thời thông tin cho cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra các cấp để phục vụ công tác điều tra, xác minh, xử lý tội phạm, phong tỏa tài khoản có liên quan khi có yêu cầu.

 Công an xã Thanh Vân (Tam Dương) tuyên truyền người dân cách thức nhận diện và phòng, chống tội phạm lừa đảo trực tuyến.

Đặc biệt, Công an tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo lực lượng Công an các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn trên các trang mạng xã hội theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ”, tuyên truyền qua các trang mạng xã hội facebook, zalo; thông báo qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở vào các khung giờ cao điểm từ 05h30’ đến 06h30 và 17h00 đến 18h00′ hằng ngày để nâng cao nhận thức của người dân, không để các đối tượng lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, Công an tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chủ động ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật, thông tin lừa đảo trên mạng internet. Tăng cường nắm tình hình, lập hồ sơ quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự liên quan lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, mạng viễn thông và có điều kiện, khả năng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đối tượng người Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên địa bàn tỉnh có biểu hiện, dấu hiệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh tài chính, bất động sản, chứng khoán biến tướng, sử dụng mạng internet để kêu gọi đầu tư, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các tổ chức tín dụng cung cấp sản phẩm cho vay và các công ty cung cấp sản phẩm cho vay trên các nền tảng di động và qua mạng internet. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tăng cường công tác kiểm tra, quản lý tình hình đăng ký tạm trú của người nước ngoài nhập cảnh vào địa bàn tỉnh, chú ý các địa bàn tập trung người nước ngoài cư trú, hoạt động và địa điểm có nhiều người nước ngoài thuê trọ, không để tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép để thực hiện các hành vi phạm tội, nhất là liên quan đến lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đơn vị nghiệp vụ tiếp nhận đầy đủ, phân loại, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đối với những tố giác, tin báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tập trung lực lượng khẩn trương điều tra các vụ án, làm rõ các đối tượng liên quan, kịp thời phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.  Phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân cùng cấp chủ động trong công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Quần chúng Nhân dân phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu nghi ngờ liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đề nghị thông tin ngay cho chính quyền hoặc cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc đường dây nóng 069.262.1236.

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, công dân cần nhớ quy tắc “6 không”: Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết. Tuyệt đối không nhận lời mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích.

Không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc. Không cán bộ nhà nước, cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án hay đơn vị tài chính… nào gọi điện để điều tra qua điện thoại, yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân hay đóng tiền. Không thực hiện chuyển khoản trước, tuyệt đối không đặt cọc, chuyển tiền cho các đối tượng lạ trong bất cứ trường hợp nào. Không tham nhũng tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận phi thực tế mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”…Khi người dân nhận diện và phòng ngừa lừa đảo trực tuyến sẽ nêu cao cảnh giác, từ đó giảm thiểu tình trạng lừa đảo trực tuyến đang xảy ra hằng ngày.

Theo baovephapluat.vn

Mới nhất

Áp dụng kỹ thuật cao xử lý thành công sỏi thận hình dạng hiếm gặp

Sỏi bể thận ngoài xoang hình dạng cỡ “quả trứng” ở bệnh nhân trẻ tuổi - Một ca bệnh hiếm gặp đã được các bác sĩ Khoa Ngoại thận, tiết niệu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Thu Cúc điều trị thành công qua đường hầm mini, bảo tồn tối đa chức năng thận.

Tin liên quan