Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024
24 C
Hanoi
Thứ bảy, 30/11/2024, 13:42

Nhiều thách thức trong đảm bảo an ninh nguồn nước tại ĐBSCL

Chiều 29/11, tại Cần Thơ, Cục Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ quan điểm:Nước là tất yếu của sự sống, là nguồn lực của quốc gia, có vai trò quan trọng đặc biệt trong phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm an ninh quốc gia, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường.

Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là vấn đề cấp bách, tất yếu khách quan; là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân”.

quan-canh.jpg
Quang cảnh Diễn đàn “Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL”

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), thời gian qua, mặc dù Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý điều hòa các nguồn nước sẵn có, các hoạt động phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thói quen sử dụng nước chưa tiết kiệm của người dân đã và đang tạo sức ép rất lớn đến cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, tiêu thoát nước cho đô thị, xử lý nước thải.

Riêng với ĐBSCL, đây là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây lớn nhất cả nước, thế nhưng đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến an ninh nguồn nước khi phải phụ thuộc đến 95% nước bên ngoài chảy vào nhưng các quốc gia thượng nguồn phát triển đập thủy điện, chuyển nước, trữ nước làm cho lưu lượng nước chảy về hạ nguồn ngày càng ít hơn, đây là một thách thức đáng lo ngại đối với vùng sản xuất nông nghiệp lớn như ĐBSCL.

Sự gia tăng các chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn, việc chuyển hướng dòng chảy sông Mê Kông sang các khu vực khác, làm suy giảm chất lượng môi trường đất và nước, thay đổi mục đích sử dụng đất kèm theo mâu thuẫn trong phân bổ nguồn nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, khai thác tài nguyên nước vượt quá mức cho phép, cùng với tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng…

Những thách thức này đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân địa phương và an ninh lương thực quốc gia.

Theo ông Vũ Minh Thiện, Phó trưởng VPĐD – Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tại TP. HCM: Khi tham vấn về xây dựng đập thủy điện Ủy ban sông Mê Kông luôn yêu cầu các chủ đầu tư phải thiết kế hồ chứa thủy điện có âu thuyền, đường đi cho cá.

Tuy nhiên, thiết kế như thế thì tổng mức đầu tư có thể tăng thêm khoảng 15%, nên nhiều chủ đầu tư đã bỏ qua các hạng mục này. Do vậy, việc phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông không chỉ là vấn đề an ninh nguồn nước mà còn tác động đến đa dạng sinh học, sinh kế của người dân ở hạ nguồn.

an-ninh-nguon-nuoc.jpg
ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, an ninh nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân là rất quan trọng

Để ứng phó và thích ứng với những biến đổi của điều kiện tự nhiên và tác động của bàn tay con người, đảm bảo an ninh nguồn nước tại khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, tại diễn đàn, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã đề xuất 10 giải pháp, gồm:

Tăng cường trữ nước phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; quản lý, hạn chế khai thác cát sỏi lòng sông để giảm sạt lở; phổ biến các mô hình sinh kế đa dạng, phù hợp với điều kiện tự nhiên; tăng cường áp dụng các giải pháp canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước; sắp xếp, quản lý dân cư sống ven kênh rạch, bảo đảm hành lang công trình thủy lợi; giám sát, dự báo nguồn nước;

Hoàn thiện quy trình vận hành hệ thống, nâng cao chất lượng vận hành hệ thống thủy lợi; cảnh báo lũ; cảnh báo sạt lở bờ sông, bờ biển cùng với các giải pháp phi công trình khác như: bố trí lịch thời vụ, đào tạo nguồn nhân lực; tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức…

Theo Congly.vn

Mới nhất

Giá lúa gạo hôm nay 30/11: giá lúa tăng giảm trái chiều

Ghi nhận giá lúa gạo hôm nay 30/11 tại thị trường trong nước biến động trái chiều 100 đồng/kg với mặt hàng lúa. Thị trường ít gạo đẹp giá vững, thơm đẹp nhích nhẹ.

Tin liên quan