Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024
18 C
Hanoi
Thứ hai, 16/12/2024, 20:32

Xây dựng ngưỡng nợ thuế để tạm hoãn xuất cảnh: không nên cào bằng

Đề xuất xây dựng ngưỡng nợ thuế để tạm hoãn xuất cảnh của Bộ Tài chính được đánh giá là bước đi đúng đắn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần điều chỉnh mức ngưỡng nợ thuế quá hạn theo quy mô và năng lực của từng đối tượng để đảm bảo tính công bằng, khả thi.

380.000 cá nhân thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh

Tạm hoãn xuất cảnh người nợ thuế là một trong những biện pháp cứng rắn, hiệu quả được ngành thuế áp dụng trong thời gian qua. Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, từ đầu năm đến nay, trên 6.500 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, gấp 3 lần so với năm ngoái. Nhà chức trách đã thu 1.341 tỷ đồng của 2.116 người nộp thuế bị tạm hoãn xuất cảnh.

Thông tin thêm về việc thu hồi nợ đọng tiền thuế, Tổng cục Thuế nhấn mạnh rằng, thực tế rất nhiều trường hợp nợ chây ỳ, dù có khả năng nộp mà không nộp, đến khi tạm hoãn xuất cảnh mới nộp thuế.

Tuy vậy, biện pháp cấm xuất cảnh người nợ thuế cũng gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng, bởi nhiều người chỉ nợ thuế vài trăm ngàn đồng cũng bị cấm xuất cảnh, ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Đề xuất cá nhân nợ thuế từ 10 triệu đồng bị tạm hoãn xuất cảnh.
Đề xuất cá nhân nợ thuế từ 10 triệu đồng bị tạm hoãn xuất cảnh.

Để khắc phục bất cập này, tại dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Biện pháp này áp dụng với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã khi đơn vị nợ quá hạn trên 120 ngày và từ 100 triệu đồng trở lên.

Bộ Tài chính giải thích, việc để ngưỡng nợ lớn sẽ để lọt những trường hợp chây ỳ. Do vậy ngưỡng nợ cần phải phù hợp để đảm bảo thu hồi nợ đọng, tránh nợ đọng dây dưa kéo dài khó thu hồi. Đồng thời thời gian nợ là 120 ngày là hợp lý để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Cũng theo Bộ Tài chính, quy định hiện hành quy định, với người nộp thuế có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày, thông thường cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc người nộp thuế như gửi thông báo nợ cho người nộp thuế (ba kỳ thông báo), áp dụng biện pháp cưỡng chế (trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, khấu trừ tiền lương, thu nhập, dừng thủ tục hải quan), công khai thông tin…

Bên cạnh đó, nhóm nợ có thời gian nợ từ 120 ngày trở lên cũng đã được phân loại thành nhóm nợ theo dõi riêng và đảm bảo đáp ứng trên ứng dụng quản lý thuế để cơ quan thuế có thể triển khai thực hiện ngay khi nghị định ban hành.

Để cá nhân không bất ngờ về việc bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, cơ quan thuế sẽ thông báo tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử cho người nộp thuế.

Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử thì cơ quan thuế sẽ thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan thuế.

Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo áp dụng biện pháp này mà doanh nghiệp, cá nhân chưa nộp thuế, cơ quan thuế sẽ có văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện biện pháp này.

Nếu phương án này được áp dụng, Bộ Tài chính ước tính cả nước có khoảng 380.000 cá nhân thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.

Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm

Góp ý về đề xuất của Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh ngưỡng quy định này là “quá thấp”. Họ đề nghị nâng ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh lên 200 triệu đồng với cá nhân và doanh nghiệp là 1 tỷ đồng.

Hiện cơ quan thuế có nhiều biện pháp cưỡng chế nợ thuế như trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên và bán đấu giá tài sản. VCCI cho rằng nhà điều hành cần ưu tiên áp dụng các biện pháp này, đặc biệt trích tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc bên thứ ba, trước khi hạn chế quyền đi lại của người dân.

Chưa kể, ngành thuế đang nắm dữ liệu hàng triệu tài khoản ngân hàng của người nộp thuế. Biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng nên được triển khai thời gian tới, khi thanh toán không dùng tiền mặt và liên kết dữ liệu trở lên phổ biến.

Theo Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Bộ Tài chính cho hay một số nước như Trung Quốc, Malaysia, Mỹ… cũng áp dụng chính sách hạn chế đi lại với các cá nhân nợ thuế lớn và thời gian dài. Mặt khác, đây cũng là biện pháp tích cực để thu hồi nợ thuế tồn đọng lâu nay.

Song theo VCCI, cấm xuất cảnh chỉ nên áp dụng cho những trường hợp rất hoặc đặc biệt nghiêm trọng với số tiền nợ thuế lớn. Bởi, theo tổ chức này, đa số trường hợp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ra nước ngoài không phải để trốn nghĩa vụ thuế mà vì công việc giao dịch làm ăn với đối tác. Nếu cấm xuất cảnh trên phạm vi rộng sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại về kinh tế, giảm thu ngân sách trong dài hạn.

Cùng với đó, nhà chức trách cần nghiên cứu cơ chế cho phép người bị tạm hoãn xuất cảnh được nộp thuế hoặc tiền tạm ứng tương đương ngay tại cửa khẩu. Việc này giúp Nhà nước sớm thu được tiền, tạo điều kiện cho người nợ thuế có thể ngay lập tức được dỡ bỏ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh để đi lại bình thường.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật S&B Law cho rằng, khi xác định ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, cần tuỳ từng trường hợp, không nên đánh đồng. Quy định, 10 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đối với tổ chức, doanh nghiệp vẫn là cào bằng đối với tất cả hộ kinh doanh, cá nhân và doanh nghiệp. Ví dụ 1 doanh nghiệp siêu nhỏ mức nợ thuế 100 triệu là lớn, nhưng đối với doanh nghiệp nghìn tỷ mức nợ thuế 100 triệu đó là quá nhỏ, cá nhân cũng thế.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, ngưỡng nợ thuế mà Bộ Tài chính đưa ra hoàn toàn không có cơ sở. Bởi thực tế, quy mô của từng doanh nghiệp khác nhau, số tiền nợ thuế khác nhau, tình hình kinh doanh năm trước kháu năm sau… Vì vậy, không nên đưa ra một ngưỡng cố định, mà có thể dựa vào doanh thu, mức nợ thuế của doanh nghiệp hàng năm.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm. Theo đó, cùng với việc gửi thông báo cho người nợ thuế, cơ quan thuế cần có một website thông báo nợ thuế cho doanh nghiệp, cá nhân tiện theo dõi.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Tạm dừng tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI- 2024

Việc tạm dừng tổ chức sự kiện một phần do khâu chuẩn bị, do tỉnh Ninh Thuận thực hiện, gặp trục trặc.

Tin liên quan