Trong bối cảnh nguồn vốn kiệt quệ, nhiều DN vẫn miệt mài chờ đợi hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) sau nhiều năm trời với số tiền lên đến vài chục tỉ đồng, thậm chí hàng trăm tỉ đồng.
Doanh nghiệp mắc kẹt dòng tiền
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn tới Tổ công tác Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính nhằm báo cáo về tình hình sản xuất, xuất khẩu và những bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách cũng như thủ tục hành chính mà các doanh nghiệp thủy sản gặp phải trong 11 tháng năm 2024. Một trong những vấn đề nổi cộm được VASEP nhấn mạnh là vướng mắc liên quan đến thủ tục hoàn thuế VAT, gây ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền và hoạt động kinh doanh của các DN trong ngành.
VASEP khẳng định, việc giải quyết vấn đề hoàn thuế không chỉ giúp DN vượt qua khó khăn tài chính mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thủy sản phát triển bền vững. Đây cũng là yếu tố quan trọng để duy trì năng lực cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế trong bối cảnh các DN đang nỗ lực phục hồi và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Câu chuyện chậm hoàn thuế VAT tiếp tục là tâm điểm tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục thuế và hải quan năm 2024 vừa diễn ra. Có những DN, số tiền chưa được hoàn thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hay có những DN việc không được hoàn thuế kéo dài đã 5 năm. Một trong những nguyên nhân được cho là do trong các bộ hồ sơ xin hoàn thuế có những hóa đơn mua hàng đầu vào của các DN đã dừng hoạt động.
Chia sẻ tại buổi đối thoại, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam (VNSTEEL) Tô Vĩnh Hưng phản ánh, công ty gặp vướng mắc trong việc hoàn thuế gần 200 tỉ đồng tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ tháng 8/2022. Nguyên nhân chính là nguyên liệu đầu vào của công ty là phế liệu, thuộc diện rủi ro nên bị kiểm tra trước khi hoàn thuế.
Tại thời điểm công ty phát sinh hoạt động mua bán phế liệu, tất cả các hồ sơ, thủ tục của công ty đều đúng theo quy định hoàn thuế, giải trình được hoạt động phát sinh cũng như công ty kiểm tra hóa đơn đầu vào của các đơn vị cung cấp đều đang hoạt động. Nhưng đến thời điểm hoàn thuế, cục thuế địa phương kiểm tra mới phát hiện các DN đầu vào ngưng hoạt động và đang chờ làm thủ tục phá sản, giải thể. Điều này dẫn đến nghi ngờ về tính hợp pháp của hóa đơn. “Cục thuế nói không xác minh được, không liên hệ để xác minh được những đơn vị cung cấp cho công ty chúng tôi, dẫn tới các hóa đơn đầu vào này số tiền rất lớn nhưng vẫn bị treo lại, không giải quyết hoàn” – ông Hưng than thở.
Theo ông Tô Vĩnh Hưng, công ty hoạt động và nộp thuế đầy đủ nhưng bị chậm hoàn thuế do vấn đề của đối tác là không hợp lý. Ông kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét lại quy trình hoàn thuế, bảo đảm nguyên tắc “DN nào sai thì xử lý DN đó”. Việc đối tác vi phạm không nên ảnh hưởng đến quyền lợi của DN hoạt động đúng quy định.
Chia sẻ những khó khăn của DN khi bị chậm hoàn thuế, Chủ tịch Phúc Sinh Group Phan Minh Thông cho biết, lĩnh vực xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, khi bên cạnh sự biến động và suy giảm nguồn cung, thì giá cả hàng hóa tăng vọt biến động không ngừng, chuỗi cung ứng cũng liên tục khó khăn, đặc biệt là những thay đổi về giá cước vận tải.
Trong bối cảnh như vậy, DN xuất khẩu đã vô cùng nỗ lực trụ vững, tiếp tục tạo đầu ra cho các ngành hàng và công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng nếu không được hoàn thuế thì DN sẽ gặp các vấn đề theo chuỗi liên hoàn, bao gồm cả về sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, lũy kế 11 tháng năm nay, cơ quan thuế đã ban hành 17.300 quyết định hoàn thuế VAT với tổng số tiền thuế hoàn là gần 132.000 tỉ đồng, bằng 77% so với dự toán hoàn thuế VAT của năm nay. Còn khoảng 39.000 tỷ đồng tiền thuế vẫn chưa được hoàn. Một trong các nguyên nhân được đưa ra còn là quy trình thực hiện.
Chỉ ra nguyên nhân của việc “tắc” hoàn thuế VAT, PGS.TS Lê Xuân Trường – Trưởng Khoa Thuế – Hải quan (Học viện Tài chính) phân tích, theo Luật Quản lý thuế hiện hành, thẩm quyền giải quyết hoàn thuế là Cục trưởng cục thuế cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo phân cấp quản lý DN thì các chi cục thuế khu vực và cấp huyện cũng trực tiếp quản lý và tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế. Điều này dẫn đến việc phát sinh thêm thời gian, thủ tục chuyển và xét duyệt hồ sơ từ cấp chi cục lên cấp cục. Số lượng người nộp thuế ngày càng lớn, nên hồ sơ hoàn thuế ngày càng nhiều. Việc dồn toàn bộ các hồ sơ giải quyết hoàn thuế lên cục thuế dẫn đến áp lực về thời gian giải quyết rất lớn. Trong khi đó, bên cạnh yêu cầu phải giải quyết đúng thời hạn và nhanh chóng hồ sơ hoàn thuế, cơ quan thuế còn phải kiểm soát rủi ro, ngăn ngừa gian lận hoàn thuế, chống thất thoát ngân sách Nhà nước, nên một tỷ lệ nhất định hồ sơ hoàn thuế được giải quyết không kịp thời.
Tại Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định thẩm quyền quyết định hoàn thuế của Cục trưởng Cục thuế DN lớn, chi cục trưởng chi cục thuế và chi cục trưởng cho cục thuế khu vực. Đề xuất này nhằm đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong giải quyết hoàn thuế cho cơ quan thuế các cấp theo hướng cơ quan thuế nào tiếp nhận hồ sơ phải trực tiếp giải quyết và quyết định hoàn thuế, từ đó giải quyết hoàn thuế nhanh cho người nộp thuế.
Khi phân cấp cho các chi cục thuế có thẩm quyền xem xét, hoàn thuế đối với những hồ sơ thuế mà chính họ được giao quản lý, sẽ tạo điều kiện rút ngắn thời gian xem xét hoàn thuế. Việc hoàn thuế nhanh hơn là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong mỏi. Bởi nếu được hoàn thuế sớm thì doanh nghiệp cũng sớm có dòng tiền để đưa vào sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, khi phân cấp, phân quyền, Bộ sẽ tăng cường các giải pháp công tác kiểm tra giám sát quá trình thực hiện của các chi cục thuế. Đồng thời nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ thuế ở các chi cục để thực hiện cho nó đúng, nó trúng với quy định của pháp luật trong hoàn thuế, tránh rủi ro phát sinh, trục lợi trong hoàn thuế.
Theo kinhtedothi.vn