Kinhtedothi- Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nghiêm túc triển khai thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã đạt được kết quả bước đầu. Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ này nhằm góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Ngày 23/12, Báo Công Thương tổ chức Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển.
Tiết kiệm, phòng chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, là một bộ kinh tế đa ngành, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo và các công chức viên chức của Bộ Công Thương không chỉ bám sát và tuân thủ những chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế ngành mà còn nhận thức sâu sắc về quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và có ý nghĩa hết sức quan trọng của ngành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, góp phần tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội.
Ngành Công Thương chiếm tỷ trọng rất lớn của nền kinh tế. Nếu ngành Công Thương làm tốt nhiệm vụ tiết kiệm, chống lãng phí, sẽ tạo nguồn lực khơi thông cho phát triển kinh tế đất nước. Hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, doanh nghiệp trong ngành quán triệt và triển khai thực hiện, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí.
Đặc biệt, năm 2024, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của các Ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, ngành Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác.
Nổi bật như, đã tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với hàng loạt luật, nghị định, thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp; tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; tách A0 ra khỏi EVN để đổi mới vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia.
Cùng với đó, giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội; đồng thời, mở ra cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội.
Nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị
Theo PGS.TS Lê Hải Bình – Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, các quốc gia đều thực hành việc chống lãng phí dựa trên một số yếu tố mang tính căn bản. Đó là một hành lang pháp lý chặt chẽ kết hợp với công nghệ hiện đại trong quản trị nguồn lực, từ giáo dục và nâng cao ý thức người dân cùng với quyết tâm mãnh mẽ của chính phủ. Các quốc gia phát triển đã chứng minh rằng phòng chống lãng phí không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là trách nhiệm xã hội. Chống lãng phí không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là sự thay đổi trong văn hóa, quan niệm và nhận thức.
Trong bối cảnh toàn cầu và sự gia tăng của các vấn đề về nguồn lực, tài nguyên, lãng phí đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng mà nhiều quốc gia đang nỗ lực giải quyết trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí, Đại tá Nguyễn Hữu Sơn – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) kiến nghị: tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần thực hiện nghiêm các quy định hiện hành của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thể chế hóa và quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí.
Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề ở tất cả các cấp đối với các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí; thực hiện tốt cơ chế kiểm tra, giám sát chéo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên nguyên tắc minh bạch về thời gian, tiến độ thực hiện; quy định đầy đủ, gắn trách nhiệm quản lý sai phạm liên đới đối với người đứng đầu tổ chức, đơn vị nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả làm việc của từng cá nhân; xóa bỏ cơ chế “xin – cho” trong phân bổ và sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tham gia thảo luận, phân tích xoay quanh các vấn đề về thực trạng, khó khăn vướng mắc, đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống lãng phí từ thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong đầu tư, sử dụng tài sản công, sử dụng nguồn nhân lực, công tác truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp cũng như người dân.
Qua đó, vừa góp phần quán triệt và lan tỏa những chỉ đạo, thông điệp mạnh mẽ và đổi mới của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; đồng thời giúp Bộ Công Thương nói riêng và các Bộ, ngành, địa phương nói chung tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống lãng phí, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới.
Theo kinhtedothi.vn