Thứ tư, Tháng Một 1, 2025
18 C
Hanoi
Thứ tư, 1/01/2025, 22:14

Áp lực tỷ giá năm 2025

Tuần cuối cùng của năm 2024, tỷ giá VND/USD đảo chiều liên tục và lập kỷ lục mới. Dự báo tỷ giá còn nhiều ẩn số trong năm 2025 và cần theo dõi chênh lệch lãi suất cũng như các chính sách thuế của Mỹ.

Chóng mặt vì biến động tỷ giá

Tỷ giá đã trải qua nhiều biến động xuyên suốt từ đầu năm 2024, giao dịch ở mức trên 25.000 đồng trong thời gian từ tháng 4 – 8/2024. Cụ thể tỷ giá USD/VND đã tăng kể từ đầu năm ở mức 24.345 đồng lên 25.450 đồng trong tháng 4, tương đương tăng tới 4,5%, sau đó neo cao và đi ngang đến tận tháng 7, trước khi giảm mạnh trong tháng 8.

Tỷ giá USD/VND đã từng trở lại mức thấp trong tháng 9 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Tuy nhiên, các biến động mạnh của căng thẳng địa chính trị thế giới sau đó khiến đồng USD tăng giá trở lại từ tháng 10.

Những ngày cuối tháng 12, thị trường được phen chứng kiến tỷ giá VND/USD một lần nữa lại nổi sóng. Cả tỷ giá trung tâm lẫn tỷ giá bán ra ngân hàng lại vượt kỷ lục cũ. Ngày 25/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.320 đồng/USD, tăng 12 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN là 23.400 – 25.450 đồng/USD (mua vào – bán ra).

Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá tăng mạnh chiều bán ra. Vietcombank, BIDV cùng tăng giá mua 13 đồng, lên lần lượt 25.207 đồng và 25.241 đồng; giá bán ra là 25.536 đồng – một trong những mốc “lịch sử” từ trước tới nay. Trên thị trường tự do, đồng bạc xanh tăng lên gần mức 26.000 đồng. Giá mua vào lên 25.820 đồng, bán ra 25.920 đồng (tăng 200 đồng trong một tuần qua).

Giao dịch ngoại tệ tại Agribank Chi nhánh Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Giao dịch ngoại tệ tại Agribank Chi nhánh Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Chỉ còn vài ngày nữa kết thúc năm 2024, giá USD hiện cao hơn đầu năm 4,5%, cao hơn con số dự kiến vào đầu năm chỉ ở mức 3%. Giá USD trên thị trường thế giới hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Việc tỷ giá căng thẳng trong bối cảnh xuất nhập khẩu cuối năm tăng cao đang gây sức ép lớn cho DN.

Trong bối cảnh đó, tuần từ ngày 16 – 23/12, NHNN đã liên tục phát hành tín phiếu với tổng khối lượng 53.223 tỷ đồng, ở 3 kỳ hạn: 7 ngày (19.443 tỷ đồng), 14 ngày (24.500 tỷ đồng) và 28 ngày (5.580 tỷ đồng). Lãi suất ở 3 kỳ hạn đều cố định ở mức 4%/năm.

Ở chiều ngược lại, sau 4 ngày liên tiếp cho ngân hàng thương mại vay cố định 1.000 tỷ đồng/ngày ở kỳ hạn 7 ngày, nhà điều hành đã tăng cường cho vay qua kênh cầm cố kỳ hạn 14 ngày trong phiên cuối tuần 20/12 và đầu tuần 23/12 với khối lượng lần lượt 10.000 tỷ đồng và 20.000 tỷ đồng.

Biến số tỷ giá trong năm 2025

Giới phân tích cũng đã có cảnh báo về những “biến số” có thể làm gia tăng áp lực tỷ giá trong năm 2025.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống của ông Donald Trump, cầu ngoại tệ tăng vọt cuối năm, chênh lệch giữa lãi suất bằng VND và USD… là những yếu tố khiến tỷ giá “nóng”. Giá USD trên thị trường thế giới hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

 

Chỉ số đồng USD (DXY) ghi nhận tăng mạnh trong thời gian qua, điều này kéo theo tỷ giá đồng Việt Nam cũng tăng. Dự báo, cả năm 2024, đồng Việt Nam sẽ mất giá khoảng 5%. Sang năm 2025, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của ông Donald Trump.

Chính sách giảm thuế cho người giàu của ông Trump sẽ tăng thiếu hụt ngân sách cho Mỹ và có khả năng buộc Chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách… Qua đó có khả năng làm tăng lạm phát và buộc Fed đảo ngược chính sách tiền tệ từ nới lỏng hiện nay trở lại thắt chặt và tạo lực đẩy tỷ giá USD/VND.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Standard Chartered dự báo việc Fed cắt giảm lãi suất có thể dẫn đến xu hướng suy yếu của đồng USD trong vài quý tới dẫn đến tỷ giá quy đổi ở mức 25.250 đồng/USD vào cuối năm 2024 và 25.450 đồng/USD vào quý II/2025. Nhưng ngân hàng này cũng cảnh báo kể từ quý II/2025, các chính sách của ông Trump có thể tạo áp lực lên tỷ giá và buộc NHNN phải nâng lãi suất điều hành.

 

Trong khi đó, Ngân hàng UOB dự báo VND có thể chịu áp lực lớn từ cách chính sách thuế quan của ông Trump. Vì thế, VND sẽ tiếp tục suy yếu và kéo theo tỷ giá USD/VND có thể lên đỉnh lịch sử là 26.200 đồng/USD vào quý III/2025. Trong năm 2025, UOB kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 25.800 đồng/USD trong quý I, 26.000 đồng/USD trong quý II, 26.200 đồng/USD trong quý III, 26.000 đồng/USD trong quý IV.

Với thị trường trong nước, ngoài áp lực tăng giá từ USD, tỷ giá tăng còn do nguyên nhân đầu cơ ngoại tệ, nếu chênh lệch lãi suất USD và VND tăng cao. Ông Phạm Thế Anh – Trưởng khoa Kinh tế học tại Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho hay, tỷ giá trong những năm qua chủ yếu phụ thuộc vào thâm hụt thương mại và chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới.

Giai đoạn trước đây, Việt Nam đã giải quyết tương đối tốt vấn đề thâm hụt thương mại, với thặng dư thương mại mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chênh lệch lãi suất lại nổi lên như một yếu tố gây bất ổn tỷ giá, do hiện tượng dòng vốn bị rút ra khỏi thị trường. Mặt bằng lãi suất huy động có dấu hiệu tăng, nhiều DN tỏ ra lo lắng. NHNN cũng cho biết, khó có thể giảm sâu thêm lãi suất bởi sức ép tỷ giá. Chưa kể, dư địa can thiệp tỷ giá của NHNN cũng đang bị thu hẹp.

Ngoài ra, khi Mỹ áp dụng thuế quan, thuế sẽ được chuyển vào giá tiêu dùng, điều này sẽ khiến lạm phát của Mỹ kéo dài lâu hơn và lãi suất khó giảm nhanh. Đồng thời, ngân hàng T.Ư các đối tác thương mại của Mỹ cũng phải chậm giảm lãi suất hơn vì họ không muốn đồng tiền mất giá quá nhiều.

Do đó các chuyên gia khuyến cáo nhà điều hành cần theo dõi sát sao chênh lệch lãi suất giữa VND và USD để có giải pháp can thiệp kịp thời. Thứ hai, mức độ áp dụng thuế quan của ông Trump đối với hàng hóa. Đồng thời phải ngăn chặn đầu cơ ngoại tệ.

Chính sách linh hoạt, doanh nghiệp phải chủ động

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2024, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 361,78 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, giá trị bình quân mỗi tuần nhập khẩu là hơn 7,86 tỷ USD.

Trong khi, theo tiêu chí đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô dự trữ ngoại hối phải tương đương từ 12 – 14 tuần nhập khẩu. Với mức dự trữ ngoại hối tại Việt Nam được dự đoán khoảng 87 tỷ USD, thì về lý thuyết, mức này vẫn thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị của quốc tế.

Việc duy trì ổn định lãi suất liên ngân hàng và kiểm soát tốt thanh khoản thị trường đã góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư và DN. Tuy nhiên, với nguồn dự trữ ngoại hối còn hạn chế và những biến động từ thị trường tài chính quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các chính sách linh hoạt nhiều kịch bản ứng phó với diễn biến tỷ giá.

Khi tỷ giá biến động mạnh, không chỉ các DN nhập khẩu hoặc vay nợ bằng USD nhiều sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi phải chịu chi phí tăng thêm mà cả các DN xuất khẩu cũng không được hưởng nhiều lợi ích, do phần lớn máy móc thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu đều phải nhập khẩu.

Các chuyên gia khuyến nghị DN cần liên tục theo dõi những biến động tỷ giá để có thể lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và đa dạng hóa, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD. Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, DN có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP)…

 

Thặng dư thương mại của Việt Nam dự kiến sẽ thu hẹp khi tốc độ tăng trưởng nhập khẩu vượt xuất khẩu. Các DN FDI đang gia tăng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất để tái tích lũy hàng tồn kho, làm giảm lượng ngoại tệ ròng trên thị trường.

Với nguồn dự trữ ngoại hối còn hạn chế và những biến động từ thị trường tài chính quốc tế, đòi hỏi NHNN cần tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt, kết hợp giữa kiểm soát lãi suất, ổn định tỷ giá và tích lũy lại dự trữ ngoại hối.

Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Pinetree Nguyễn Đức Khang

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Vờ mua hàng rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngày 31/12, thông tin từ UBND phường Hải Ninh (Nghi Sơn, Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn xuất hiện đối tượng người nước ngoài sử dụng xe Vision màu trắng vào các cửa hàng giả vờ mua hàng sau đó thanh toán tiền và dùng thủ đoạn tráo rút tiền rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Tin liên quan