Thứ hai, Tháng Một 6, 2025
14 C
Hanoi
Thứ hai, 6/01/2025, 05:15

Năm 2024, thu ngân sách cả nước đạt kỷ lục, Hà Nội vượt 500.000 tỷ đồng

Chiều nay (31/12/2024), Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.

Nhiều thành tựu nổi bật

Báo cáo tại hội nghị, Bộ Tài chính đã điểm lại những kết quả quan trọng trong công tác tài chính – ngân sách năm 2024, đặc biệt là việc triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Trong năm qua, ngành Tài chính đã chủ động triển khai các giải pháp quyết liệt và hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách. Bộ Tài chính cho biết, đã hoàn thành 70/71 đề án, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, 23 nghị định và 20 dự thảo nghị định đã được trình Chính phủ ban hành, cùng với 86 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính – NSNN.

Trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng hợp lý và hiệu quả, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, và duy trì sự ổn định của nền kinh tế. Các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 được thực hiện với tổng giá trị ước tính khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm thuế khoảng 99 nghìn tỷ đồng, gia hạn thuế khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị

Về tình hình thu ngân sách, tổng thu NSNN năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% so với dự toán và tăng 15,5% so với thực hiện năm 2023. Thu ngân sách trung ương và địa phương đều đạt mức cao so với dự toán, với thu ngân sách trung ương ước đạt 123,7% dự toán và thu ngân sách địa phương đạt 114,4% dự toán.

Chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tổng chi ngân sách năm 2024 ước đạt khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 78,1% dự toán, chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán.

Một kết quả đáng ghi nhận là nợ công được kiểm soát chặt chẽ, duy trì ở mức thấp hơn ngưỡng cho phép, với các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36% – 37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33% – 34% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN ở mức 20% – 21%.

Hà Nội lần đầu thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng

Tại hội nghị, đại diện các địa phương đều thể hiện sự đồng thuận cao với những kết quả đạt được của ngành Tài chính trong năm 2024. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, dù năm 2024 là một năm có nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương, cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Tài chính, TP Hà Nội đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải

Đặc biệt, trong năm 2024, thu ngân sách nhà nước của TP Hà Nội lần đầu tiên vượt 500.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm gần 94%. Thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đạt gần 40.000 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn thu mới, phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế số.

Với những thành tựu đạt được trong năm 2024, Bộ Tài chính đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2025. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước dự báo còn nhiều khó khăn, nhưng ngành Tài chính cam kết sẽ chủ động, linh hoạt, và quyết liệt thực hiện các giải pháp để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và dự toán NSNN năm 2025.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục duy trì nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bộ Tài chính sẽ tăng cường năng lực dự báo tình hình kinh tế, để từ đó đưa ra các giải pháp điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, mở rộng hợp lý, đồng bộ với các chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác.

Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào việc tăng cường quản lý thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ở mức cao nhất, đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Các giải pháp cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ thúc đẩy công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, đồng thời quản lý hiệu quả các nguồn lực tài chính, đảm bảo sự vận hành ổn định của thị trường tài chính, chứng khoán, và bảo hiểm.

Tự tin bước vào kỷ nguyên mới

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng ngành tài chính đã cơ bản hoàn thành các mặt công tác năm 2024, nhất là hoàn thành xuất sắc công tác thu chi, tăng thu, tiết kiệm chi.

Trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức của năm 2024, toàn ngành tài chính đã đoàn kết, nỗ lực cố gắng, quyết liệt triển khai hiệu quả nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm về điều hành, quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, các chính sách giảm thuế, phí và tiền thuê đất hỗ trợ, tháo gỡ sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại Hội nghị

Bên cạnh các kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, như công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cần nhanh hơn, chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Giải ngân vốn đầu tư công, vốn chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, chưa có nhiều chuyển biến, trong đó điểm nghẽn lớn nhất vẫn là thể chế, nhiều thủ tục còn rườm rà, cần mạnh dạn cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính.

Song song đó, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính – NSNN, chứng khoán, trái phiếu… để huy động nguồn lực phát triển với quan điểm thể chế là đột phá của đột phá, thể chế là nguồn lực, động lực phát triển, nhất là xây dựng, hoàn thiện Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, pháp luật về NSNN, đầu tư, đấu thầu…

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, mặc dù khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng ngành tài chính sẽ luôn phát huy sáng tạo để khắc phục mọi khó khăn, hạn chế, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2025, đạt thành quả năm sau cao hơn năm trước, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước và tạo điều kiện thuận lợi để đạt các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 và bước vào giai đoạn 2026 – 2030 với thế và lực mạnh mẽ hơn, tự tin bước vào kỷ nguyên mới.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Hai mẹ con tử vong sau bữa trưa nghi do ngộ độc

Ngày 1/1, cơ quan chức năng quận Hải An, TP. Hải Phòng đang điều tra xác định nguyên nhân 2 người tử vong sau bữa ăn vừa xảy ra trên địa bàn.

Tin liên quan