Thứ tư, Tháng Một 8, 2025
18 C
Hanoi
Thứ tư, 8/01/2025, 01:31

Những thanh niên “sập bẫy” lừa phỉnh “việc nhẹ, lương cao”

Mới đây, các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận thông tin ban đầu của các trường hợp là người dân trong tỉnh bị lừa phỉnh xuất cảnh trái phép để lao động chui với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”. Từ đây, đã hé lộ những thủ đoạn và những “cạm bẫy” mà bọn tội phạm giăng ra…

Miếng mồi ngon dụ người “sập bẫy”

Ngồi tại cơ quan Công an để kể lại hành trình bị dẫn dụ và sập bẫy, những nạn nhân từng là “con mồi” bị sập bẫy miếng mồi béo bở “việc nhẹ, lương cao” nơi xứ người vẫn còn rùng mình ớn lạnh khi nghĩ về những tháng ngày bị quản thúc, cầm giữ nơi bên kia biên giới chẳng biết đến ngày về.

Theo lời kể của Tr.C.S (SN 2000) trú tại Đồng Tâm (Lạc Thủy) thì: Vào khoảng tháng 7/2024, S có vào trang “Tìm việc làm ở Hà Nội” trên Facebook để tìm việc làm thì có trò chuyện với một người không quen biết. Người này, giới thiệu với S là có việc làm bên Campuchia bán quần áo với mức lương từ 15 triệu đến 20 triệu đồng/tháng nên S đồng ý.

Sau đó, người này đã hướng dẫn S đi xe ô tô khách đến bến xe miền Đông (Quận 10, TP Hồ Chí Minh). Ở đó, có người đến đón và chở đến khu vực tập kết tại biên giới thuộc huyện Bến Cầu (Tây Ninh) rồi vượt biên sang Campuchia.

Cùng đi với S còn có nhiều người Việt Nam. Khi sang đến Campuchia S được ký hợp đồng làm việc với Công ty Venus. Tại đây, những người như S đều không còn có tên mà thay vào đó, mỗi người sẽ được phân vào làm việc theo tổ và được gọi bằng mã số định danh nên hầu như không ai biết thông tin gì về nhau.

Sau khi ký hợp đồng, công việc của S là tạo dựng các tài khoản Facebook giả do Công ty cung cấp, sau đó sẽ sử dụng các tài khoản Facebook này để tìm kiếm các đối tượng là nữ độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi, thường là những phụ nữ đã ly hôn, chồng đã chết hoặc là mẹ đơn thân, vào tìm hiểu trang cá nhân của những người phụ nữ này để chuyển tiếp cho “cấp trên” trò chuyện để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Đối tượng Trịnh Công Sơn tại Cơ quan Điều tra.

Cũng giống như Tr.C.S, vào khoảng tháng 2/2024, B.V.A (SN 2001) trú tại An Bình (Lạc Thủy) lên mạng xã hội Facebook tìm việc làm thì thấy tài khoản Facebook có tên “Ngọc Bích” tuyển công việc làm phụ bếp ở tỉnh Tây Ninh lương từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/tháng.

Sau khi trò chuyện và đồng ý với các điều kiện của 2 bên đưa ra, B.V.A đã đi xe khách ra Hà Nội, đặt vé máy bay đến TP Hồ Chí Minh sau đó về Tây Ninh.

Tại đây, B.V.A đã được đưa sang Camppuchia làm việc tại Công ty OKVIP và Công ty KO66 (KO66 là Công ty con của OKVIP). Chủ và quản lý đều là người Trung Quốc.

Nhân viên có nhiều người là người Việt Nam (không biết tên, tuổi, địa chỉ cụ thể) và đều được “định danh” bằng một mã số riêng. Công việc của B.V.A cũng giống như những người Việt Nam bị lừa sang Campuchia đều làm nhiệm vụ dẫn dụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. 

 Đối tượng Bùi Văn Anh.

Ngoài 2 trường hợp nêu trên, còn có trường hợp của Tr.Đ.Th (SN 2005) trú tại thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn). Theo đó, vào ngày 5/9/2024, Th có tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook qua page “Công ăn việc làm”.

Sau đó, Th được giới thiệu về công việc bưng bê quán ăn và bê bình nước theo các xe với mức lương từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng và làm việc tại khu vực gần cửa khẩu thuộc tỉnh Tây Ninh.

Sau khi đồng ý với các yêu cầu công việc, ngày 26/9/2024, Th tự đi đến TP Hồ Chí Minh rồi bắt xe về Tây Ninh. Tại đây, Th được một người đưa vượt biên sang Campuchia trái phép. Sau đó, được đưa đến “Công ty Thiên Hải”, tại Tòa D, tầng 6 K10 Hai Con Voi”.

Tại đây, Th bị các đối tượng quản lý là người Trung Quốc và một số đối tượng tay chân là người Việt Nam giao tạo dựng một tài khoản Facebook dựa trên một nhân vật nam giới để tạo lòng tin với người phụ nữ trung và lớn tuổi nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong quá trình làm việc tại đây, Th đã tạo dựng được 8 tài khoản Facebook nói chuyện với khoảng 30, 40 người nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo yêu cầu của nhóm đối tượng quản lý.

Quá trình làm việc thì Th được người làm cùng cho biết “mới bị lừa sang Campuchia nên cho số đại sứ quán nhờ giải cứu” được biết thông tin như vậy và biết mình đang làm công việc lừa đảo nên Th đã gọi và báo tin qua số điện thoại 855979117117 của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia. Sau đó, đã được giải cứu và đưa đến đồn Biên phòng cửa khẩu Mộc Bài về Việt Nam.

“Cạm bẫy” không lối thoát

Theo thượng tá Lỗ Văn Tiến, Phó trưởng phòng CSHS, Công an tỉnh thì trên thực tế đây là một trong những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người.

Thủ đoạn mà tội phạm này đang thực hiện đó là đưa ra những lời mời chào hấp dẫn “việc nhẹ, lương cao” để lừa phỉnh người dân để lừa bán sang bên kia biên giới cho các ông chủ người nước ngoài để ép những người này làm việc hoặc tham gia thực hiện các hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Một khi đã “sập bẫy” thì hầu như chẳng có ai thoát ra được. 

Xuất phát từ thực trạng trên, mới đây Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã phát đi cảnh báo về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo mua bán người.

Theo đó, đằng sau những lời mời chào về cơ hội việc làm như “rót mật vào tai” là những cạm bẫy chực chờ người lao động. Sự thật thì không hề có cái gọi là “việc nhẹ, lương cao” đầy hấp dẫn như các đối tượng đưa ra. Khi người lao động xuất cảnh trái phép sẽ phải đối mặt với những điều khủng khiếp nơi xứ người.

Như bị đưa vào các sòng bạc làm việc liên tục từ 15 – 16 tiếng/ngày hoặc được giao các công việc liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua MXH; chịu sự quản thúc và thường xuyên bị đánh đập, bóc lột sức lao động. Muốn về thì buộc phải nộp tiền chuộc thân lên tới cả trăm triệu đồng.

Từ thực tế đó Phòng Cảnh sát hình sự khuyến cáo đến người dân khi có nhu cầu tìm việc làm cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ các thông tin về nơi thuê lao động. Liên hệ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động đã được nhà nước cấp phép để được hướng dẫn cụ thể.

Không tin, không theo những thông tin của các đối tượng đưa ra để tránh rơi vào “cạm bẫy” của bọn tội phạm lừa đảo, mua bán người. Và câu chuyện của những “nạn nhân” trên sau khi đã may mắn được lực lượng chức năng giải cứu được đưa trở về Việt Nam đó chính là lời cảnh tỉnh nghiêm túc cho những ai còn mơ tưởng đến giấc mơ “việc nhẹ, lương cao” để rồi khi sập bẫy, trở thành con mồi của tội phạm mua bán người thì khi đó mọi sự hối hận cũng đã muộn màng… 

Theo baovephapluat.vn

Mới nhất

Triệt xóa đường dây mua bán, tàng trữ ma túy liên tỉnh

Ngày 7/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Cảnh sát ma túy), Công an TP. Đà Nẵng cho biết, vừa triệt xóa thành công chuyên án mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy từ các tỉnh phía Bắc về Đà Nẵng do 3 đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự điều hành.

Tin liên quan