Thông tin về mục tiêu GDP năm 2025 tăng trưởng, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 8/1, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm đã thông tin về kế hoạch đặt mục tiêu GDP đạt 8,25% năm 2025.
Theo đó, Chính phủ đã trình Quốc hội và Quốc hội đã thông qua Nghị quyết và tại Nghị quyết số 158 cũng thông qua về tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6,5 – 7%, phấn đấu từ 7 – 7,5%. Song trong bối cảnh tình hình mới hiện nay theo chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì ngay từ cuối tháng 12/2024, Thủ tướng đã có công điện 140, trong đó yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương phải triển khai thực hiện các kịch bản tăng trưởng để làm sao ngay trong năm 2025 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu là 8% và trong điều kiện thuận lợi sẽ tăng trưởng 2 con số.
Trong đó có đưa ra các yêu cầu rất cao với các địa phương đầu tầu, động lực tăng trưởng (gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) cùng Bình Dương, Đồng Nai và các địa phương khác.
“Nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn so với số cũng như hiện nay đạt được của năm 2024 thì sẽ tạo động lực tăng trưởng rất lớn” – ông Tâm nói.
Điểm lại Kế hoạch năm 2024, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết mục tiêu tăng trưởng lúc đầu đặt ra là 6,5% vì ảnh hưởng của bão lũ tác động tới tăng trưởng 0,8% và phấn đấu tới thời điểm hiện nay với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng đã đạt được tăng trưởng 7,09% – đây là cơ sở cũng như tiền đề rất quan trọng trong năm 2025 để triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra.
Nhấn mạnh cơ sở hiện nay để đạt được mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số (tối thiểu 10%), về giải pháp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng với cơ quan tham mưu, Bộ vẫn xác định năm 2025 tiếp tục phải đổi mới và hoàn thiện công tác thể chế, đây sẽ là một trong những động lực giúp tăng trưởng đạt được kết quả cao.
“Như năm 2024 đã trình rất nhiều luật, trong các luật được bộ, ngành, địa phương đánh giá rất cao, như 1 luật sửa 4 luật thuộc lĩnh vực kế hoạch đầu tư; cũng như 1 luật sửa 9 luật của lĩnh vực tài chính và luật đầu tư công… thực hiện việc phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương theo đúng định hướng: địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, chúng tôi xác định năm 2025 tiếp tục công tác liên quan đến công tác thể chế sẽ là một trong những động lực tăng trưởng” – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Đồng thời thông tin thêm, tại Kỳ họp thứ 9 tới đây, Chính phủ phấn đấu sửa đổi rất nhiều luật, trong đó gồm: sửa luật 69 sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp và sửa đổi luật doanh nghiệp sẽ trình Quốc hội thời gian tới nhằm “cởi trói” và tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tiếp đến, đối với điều hành kinh tế vĩ mô, ông Nguyễn Đức Tâm khẳng định việc tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
“Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mặc dù chúng ta phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao, song vẫn phải đảm bảo các yếu tố nền tảng liên quan đến kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong thời gian tới” – ông Nguyễn Đức Tâm nói.
Liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh việc tiếp tục theo hướng chủ động linh hoạt, kịp thời, hiệu quả và đồng bộ. Cụ thể, năm 2024, mặc dù thực hiện nhiều việc liên quan đến miễn, giảm, giãn, hoãn thuế và tính đến hết năm 2024, thực hiện việc miễn giảm, hoãn thuế khoảng 197.000 tỷ đồng, đồng thời cuối năm vẫn thực hiện việc tăng thu, dự kiến đến hiện nay khoảng 337.000 tỷ đồng, cho thấy một điều: Nếu chúng ta thực hiện việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì chúng ta sẽ thu được nhiều hơn và doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động và tin tưởng vào nền kinh tế hơn, đây là một trong những giải pháp mà Bộ cho rằng thời gian tới tiếp tục triển khai thực hiện.
Theo kinhtedothi.vn