Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025
16 C
Hanoi
Thứ sáu, 10/01/2025, 11:42

Vĩnh Phúc: sản xuất công nghiệp giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế

Dù đối diện với nhiều khó khăn thách thức nhưng sản xuất công nghiệp năm 2024 của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đạt kết quả tích cực, tiếp tục đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Sản xuất công nghiệp giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế

Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2024, Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư chiến lược, công nghệ cao.

Các doanh nghiệp cũng chủ động đổi mới quản trị, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp năm 2024 đạt kết quả tích cực, tiếp tục đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế.

Năm 2024, sản xuất công nghiệp tại Vĩnh Phúc đạt kết quả tích cực. Ảnh minh họa: Lương Giang. 
Năm 2024, sản xuất công nghiệp tại Vĩnh Phúc đạt kết quả tích cực. Ảnh minh họa: Lương Giang. 

Tháng 12/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 5,82% so với tháng trước nhưng tăng 14,49% so với cùng kỳ. Trong tháng, sản xuất của các ngành chủ lực tăng khá so với tháng 12/2023: ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 9,17%; sản xuất ô tô tăng 20,65%; sản xuất xe máy tăng 29,25%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 16,22%; ngành sản xuất kim loại tăng 7,49%.

Ước tính cả năm 2024, chỉ số IIP tăng khoảng 11,43% so với năm trước (riêng quý IV tăng 8,93%), là mức tăng cao thứ hai trong 5 năm trở lại đây, chỉ sau mức 15,43% của năm 2022. Kết quả sản xuất kinh doanh có nhiều tích cực với 22/25 ngành có chỉ số tăng.

Các ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất linh kiện điện tử, xe máy, thức ăn chăn nuôi, gạch ốp lát, sắt thép, sản phẩm cơ khí… (chiếm trên 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh) nhìn chung ổn định và có sản lượng gia tăng so với năm 2023.

Trong đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng trưởng mạnh với IIP tăng 13,52%, nhờ các dự án lớn như Newface Optoelectronics và Acc Technologies đi vào hoạt động; ngành sản xuất trang phục giảm nhẹ 0,13% do nhu cầu xuất khẩu sụt giảm, nhưng đã dần phục hồi vào cuối năm;

Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại và sản xuất kim loại tăng lần lượt 15,12% và 9,47%, nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại và tăng sản xuất thay thế hàng nhập khẩu; ngành sản xuất xe có động cơ tăng 1,49%, hưởng lợi từ chính sách ưu đãi giảm thuế trước bạ; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 7,62%.

Năm 2024, ước tính sản lượng sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh như thức ăn gia súc, gia cầm, giày thể thao, gạch ốp lát, xe máy các loại, sản xuất linh kiện điện tử tăng so với năm trước (trong đó, riêng tháng 12/2024 xe máy các loại đạt mức tăng 26,70%). Tuy nhiên, sản lượng xe ô tô các loại lại có xu hướng giảm nhẹ.

Dự báo triển vọng tốt hơn trong năm 2025

Tháng 12/2024, chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước giảm 3,18% so với tháng trước và tăng 6,91% so với cùng kỳ. So với tháng trước, một số ngành có mức tăng khá gồm: ngành sản xuất trang phục tăng 7,74%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 21,18%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 30,34%.

Về chỉ số tồn kho, tháng 12/2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tồn kho tăng 5,34% so với tháng trước và giảm 34,24% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm đáng kể so với tháng trước là: ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 32,79%; ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 20,20%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 8,13%.

 Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Vĩnh Phúc vẫn là tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: Sỹ Hào.
 Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Vĩnh Phúc vẫn là tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: Sỹ Hào.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2024 tích cực hơn quý III/2024 với 68,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động tốt hơn và giữ ổn định (35,3% nhận định tốt hơn và 33,3% giữ ổn định); 31,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2025 sẽ tiếp tục tốt hơn với 37,3% số doanh nghiệp được hỏi đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2025 tốt hơn so với quý IV/2024, 34,3% nhận định giữ ở mức ổn định và 28,4% đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ gặp khó khăn hơn.

 

Trong quý IV/2024, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Vĩnh Phúc vẫn là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Cụ thể, có 54,9% doanh nghiệp gặp khó khăn do sự cạnh tranh của hàng hóa trong nước ngày càng cao; 51,0% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước vẫn ở mức thấp và 32,4% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa tại các thị trường quốc tế chưa hoàn toàn phục hồi trở lại.

#box1736400088748{background-color:#97ba9a}

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Giá heo hơi hôm nay 10/1: tiếp đà tăng giá tại miền Bắc

Ghi nhận giá heo hơi hôm nay 10/1 vẫn tiếp chiều tăng tại khu vực miền Bắc, đi ngang tại thị trường hai miền Trung và Nam, thu mua heo hơi trong khoảng 66.000 - 69.000 đồng/kg.

Tin liên quan