Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025
16 C
Hanoi
Thứ sáu, 10/01/2025, 13:16

Hà Nội tìm cách “đánh thức” du lịch sông Hồng

Để “đánh thức” tiềm năng du lịch sông Hồng đòi hỏi cơ quan quản lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, liên kết xây dựng tour mới. Đó là hiến kế của chuyên gia, doanh nghiệp trong việc đưa du lịch sông Hồng trở thành sản phẩm mang thương hiệu Thủ đô.

Giầu tiềm năng nhưng vẫn “ngủ yên”

Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, sông Hồng chảy qua Hà Nội có chiều dài khoảng 160km. Dọc 2 bên bờ sông có nhiều di tích lịch sử văn hóa đặc sắc như đền thờ Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo và Ðức Thánh Chử Ðồng Tử…

Cùng với đó là những làng nghề truyền thống, làng cổ như làng Đường Lâm, làng nghề gốm Bát Tràng; làng đào Nhật Tân (Tây Hồ); làng nghề mây tre đan (Thường Tín)… Năm 2019, tờ Daily Mail (Anh) đã bình chọn sông Hồng là một trong tám địa điểm du thuyền trên sông tuyệt nhất thế giới.

Du khách Nguyễn Linh Tâm, ở đường Núi Thành (Đã Nẵng) chia sẻ: “Cảm giác khám phá các di tích, làng nghề bằng đường sông rất khác lạ so với tour đường bộ khi du khách được hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm nghề thủ công, tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa.

Khách du lịch tham gia tour du lịch sông Hồng. Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham gia tour du lịch sông Hồng. Ảnh: Hoài Nam

Bàn về tiềm năng du lịch của sông Hồng đối với Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội Nguyễn Tuấn Anh nhìn nhận, tuyến du lịch sông Hồng là một sản phẩm hấp dẫn không chỉ với khách du lịch trong nước, mà cả khách quốc tế. Nếu biết cách khai thác, sản phẩm này có nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt với đối tượng khách nước ngoài đến từ châu Âu.

Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, Giám đốc Công ty Du lịch Sunsmiletravel  Dương Thanh Hằng cho rằng tham gia tour du lịch sông Hồng, du khách được ngắm cảnh quan thiên nhiên, tham quan đình, chùa dọc hai bên bờ lại được khám phá, trải nghiệm du lịch nông thôn của những địa phương 2 bên bở sông… “Đây là những ưu thế mà tour du lịch sông Hồng khác hẳn với tour đường bộ”- bà Hằng nhấn mạnh

Làm cách nào “đánh thức” du lịch sông Hồng

Thực tế cho thấy mặc dù sông Hồng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch song việc khai thác tour mới dừng ở mức nhỏ lẻ khi chỉ có Công ty CP Thăng Long – GTC khai thác loại hình du lịch này. Theo các chuyên gia du lịch, nguyên nhân chính cho việc sản phẩm du lịch sông Hồng chưa khai thác hết tiềm năng là do cơ sở hạ tầng thiếu và yếu khi chỉ có 1 bến tầu ở Chương Dương Độ (Hoàn Kiếm).

Du khách tham quan di tích văn hóa tại huyện Thường Tín khi tham gia tour du lịch sông Hồng. Ảnh: Hoài Nam
Du khách tham quan di tích văn hóa tại huyện Thường Tín khi tham gia tour du lịch sông Hồng. Ảnh: Hoài Nam

Nhìn nhận những khó khăn trong quá trình khai thác tour sông Hồng, Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học KHXHNV – Đại học Quốc gia Hà Nội) PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, sự chồng chéo trong các chính sách, quy định về cấp phép, quản lý bến tàu thủy nội địa và phương tiện đường thủy khiến nhiều nhà đầu tư không dám vận hành, khai thác sản phẩm du lịch sông Hồng. “Công ty A Class Cruises Group từng kéo du thuyền cao cấp mang tên Jade of River từ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) về hoạt động trên sông Hồng. Nhưng sau khi kéo vào thì đã phải… kéo ra bởi hạ tầng bến bãi đón trả khách không đủ đáp ứng nhu cầu”- ông Phạm Hồng Long nêu ví dụ.

Dưới góc độ doanh nghiệp Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt phản ánh, hiện hầu hết các tour du lịch sông Hồng chủ yếu tham quan đình, đền, chùa, làng nghề, chưa tạo thành gói sản phẩm hấp dẫn. Bên cạnh đó, du lịch Thủ đô chưa có chính sách khuyến khích nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ tuyến du lịch đường thủy trên sông Hồng. Đây là những lý do khiến du lịch sông Hồng chưa khai thác hết tiềm năng.

Để “đánh thức” tiềm năng du lịch sông Hồng, tại Hội nghị “Kết nối điểm đến du lịch trên dọc tuyến sông Hồng với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP Hà Nội”, do Sở Du lịch vừa tổ chức, Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á (ATI) Phạm Hải Quỳnh cho rằng thời gian tới ngành du lịch cần lập quy hoạch chi tiết cho tuyến du lịch này, nâng cấp chất lượng tàu, dịch vụ phục vụ du khách. Đồng thời chính quyền cần tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp cùng đầu tư bến tàu đón khách thành điểm check-in ấn tượng, an toàn thân thiện. Tăng cường quảng bá cho tuyến du lịch mang nhiều giá trị thiên nhiên, văn hóa, lịch sử này.

Khách du lịch tham gia tour du lịch sông Hồng. Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham gia tour du lịch sông Hồng. Ảnh: Hoài Nam

Đồng tình với ý kiến này Giám đốc Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên “hiến kế”, chính quyền Thủ đô cần có cơ chế thu hút các nhà đầu tư tăng thêm lượng du thuyền đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm đối tượng khách. Thành phố nên đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư phát triển cảng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; Có cơ chế tháo gỡ vướng mắc trong quản lý tài sản công để kêu gọi nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia vận hành, khai thác hiệu quả các cảng du lịch sẵn có như cảng Chương Dương Độ (Hoàn Kiếm), cảng Bát Tràng (Gia Lâm).

Trước những kiến nghị của chuyên gia, doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, để phát triển loại hình du lịch này, Sở đã tham mưu UBND TP Hà Nội hoàn thiện và mở rộng các sản phẩm du lịch đường sông.

Cụ thể, định hướng phát triển các hoạt động du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí ven sông… qua đó thu hút các nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng, dịch vụ cho loại hình du lịch này. Đồng thời, Hà Nội sẽ tập trung các nguồn lực hình thành các nhóm sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn như du lịch sông Hồng, sông Đuống qua đó kết nối các điểm đến du lịch dọc 2 bên bờ sông. Hoàn thiện tuyến du lịch đường sông Chương Dương Độ – Bát Tràng – Đền thờ Chử Đổng Tử, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì.

“Tuy nhiên bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý còn đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách gia tăng trải nghiệm cho du khách. Nâng cấp chất lượng dịch vụ và đội ngũ phục vụ tàu, hướng dẫn viên, tăng cường thông tin về các điểm đến cho du khách”- ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Vẫn nỗi lo hàng giả, hàng nhái dịp Tết

Cận Tết Nguyên đán cũng là lúc nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thường sản xuất, tuồn ra thị trường với số lượng lớn các loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tin liên quan