Thứ ba, Tháng Một 14, 2025
15 C
Hanoi
Thứ ba, 14/01/2025, 01:11

“Phục hồi” xăng sinh học E5: khó khả thi

Cả người dân và DN đều không mặn mà với xăng E5 dẫn đến sản lượng tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cửa hàng xăng dầu ngừng bán. Thực trạng này khiến cơ quan quản lý (Bộ Công Thương) trăn trở tìm kiếm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng nhiên liệu sinh học.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, DN cho rằng nếu không có cơ chế, chính sách khuyến khích kinh doanh, tiêu thụ hợp lý thì việc “phục hồi” xăng E5 khó khả thi.

Kinh doanh èo uột, sản lượng tiêu thụ giảm

Anh Đặng Văn Thực (quận Hà Đông, Hà Nội), lái xe taxi chia sẻ, năm 2018 khi Nhà nước có chủ trương thay thế xăng Ron 92 bằng xăng sinh học E5, anh vẫn còn e ngại. Nhưng khi được nghe tuyên truyền về xăng sinh học E5 tốt cho môi trường, tiết kiệm chi phí… anh đã chọn sử dụng.

Tuy nhiên, sau vài lần đổ xăng sinh học E5 để trải nghiệm, anh cảm nhận xe chạy không êm như trước, nên đã chuyển sang dùng xăng A95, dù giá loại xăng này cao hơn xăng sinh học E5.

Mua bán xăng sinh học tại cửa hàng trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Mua bán xăng sinh học tại cửa hàng trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ở góc độ DN, Giám đốc Công ty Thương mại, vận tải, xây dựng Hà Giang Hoàng Thanh Tùng cho hay, các cửa hàng của công ty đã ngừng kinh doanh xăng sinh học E5 cách đây 5 năm. Nguyên nhân là do mức chiết khấu nhận được của mặt hàng xăng E5 tương đương như xăng Ron 95, chứ không có ưu đãi, trong khi đa số khách hàng vào cửa hàng mua xăng Ron 95 chứ không mua xăng sinh học E5.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Dầu khí Đồng Nai Văn Tấn Phung cho biết, công ty có hơn 30 cây xăng tại nhiều tỉnh, thành. Trước đây, mỗi trạm đều được trang bị 1 trụ bơm xăng E5, nhưng chỉ sau 1 năm kinh doanh, công ty phải ngưng đồng loạt vì không hiệu quả, thậm chí lỗ do nguồn hàng tồn quá lớn.

Hiện tại, tất cả các cửa hàng xăng dầu của công ty đều ngừng bán xăng E5 vì không có người mua. Đó là chưa kể, muốn kinh doanh xăng E5, DN phải đầu tư trạm trộn, hệ thống hạ tầng tiền tỷ trong khi sản lượng bán ra thấp, lợi nhuận không cao.

 

Cần phải có cơ chế, chính sách khuyến khích kinh doanh, tiêu thụ xăng E5. Trong đó, bao gồm chính sách về thuế, tín dụng cho nhà đầu tư nhà máy sản xuất Ethanol (xăng E5 được pha chế từ 95% xăng Ron92 và 5% Ethanol khan), chính sách thuế cho tiêu thụ xăng E5 để người kinh doanh đưa vào bán.

Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tính an toàn, tiết kiệm, hiệu quả của xăng E5 để dần thay đổi hành vi tiêu dùng, chủ động chọn đổ xăng sinh học.

PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

Báo cáo đánh giá của Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương) cho thấy, mặc dù Chính phủ rất quyết tâm và đã triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, song, xu hướng sử dụng nhiên liệu này đang giảm dần ở những năm gần đây.

Nguyên nhân bởi chênh lệch giá giữa xăng sinh học và xăng khoáng truyền thống không đủ hấp dẫn để người tiêu dùng chuyển đổi sử dụng xăng sinh học. Hiện nay, người tiêu dùng còn định kiến dùng loại xăng này có thể ảnh hưởng tới động cơ, đặc biệt là đối với những người dùng xe máy.

Phân tích về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, thời gian qua, việc tuyên truyền sử dụng xăng E5 sẽ giúp bảo vệ môi trường chưa hiệu quả, thậm chí “không đến nơi đến chốn” nên người dân cho rằng sử dụng xăng E5 có thể gây ảnh hưởng đến động cơ xe, cháy nổ. Một điều quan trọng nữa là chênh lệch giá giữa xăng E5 các loại và xăng Ron 95 không có sự khác biệt lớn, cũng không hấp dẫn người tiêu dùng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, xăng E5 ngày càng giảm tiêu thụ do DN kinh doanh không có lãi. Thuế bảo vệ môi trường có giảm nhưng cũng không chênh lệch nhiều với xăng Ron 95, giá cả giữa xăng sinh học E5 với xăng khoáng không lớn nên không được người dân ưu tiên sử dụng.

Bên cạnh đó, việc nhập ethanol (nguyên liệu sản xuất xăng E5) từ nước ngoài rẻ hơn so với trong nước. Do đó, DN đầu tư các dự án sản xuất ethanol gần như không hiệu quả. Đây là những lý do khiến việc thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không đạt kết quả như mong muốn.

Đánh giá toàn diện để đưa ra cơ chế, chính sách đúng, trúng

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam Trịnh Quang Khanh cho biết, trong năm 2024, Hiệp hội đặt vấn đề với Bộ Công Thương về việc hiện nay phải kinh doanh nhiên liệu sinh học, kinh doanh các loại diezel đạt tiêu chuẩn khí thải mức 5 để đến năm 2050 đưa phát thải nhà kính ròng bằng 0 như cam kết của Chính phủ tại hội nghị COP 26.

“Theo tôi, nếu muốn kinh doanh hiệu quả mặt hàng xăng sinh học, chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, để người dân nhận thấy nếu chạy xăng E5 là tốt cho môi trường. Về cơ chế kinh tế, cần xây dựng mức giá hấp dẫn để người dân dễ dàng chấp nhận” – ông Trịnh Quang Khanh đề xuất.

Nhiều chuyên gia nhận định, qua 6 năm triển khai thực tế cho thấy DN đã đầu tư các nhà máy sản xuất, pha trộn xăng sinh học và có sản phẩm xăng E5 tốt, tuy nhiên xăng E5 chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu. Sắp tới, Chính phủ có chiến lược thay thế ô tô chạy xăng bằng ô tô điện theo xu hướng thế giới.

“Nhà nước cần có nghiên cứu đánh giá toàn diện, nếu cần thiết thì giữ lại bởi chủ trương phát triển xăng sinh học là tốt. Nếu chứng minh chất lượng xăng E5 không ảnh hưởng đến động cơ máy móc, giúp giảm phát thải khí ra môi trường, tiết kiệm chi phí… thì nên có chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy sản phẩm này phục hồi” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.

Mới đây (ngày 26/12/2024), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành Chỉ thị số về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu sinh học tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường, theo dõi, đôn đốc các địa phương, các thương nhân kinh doanh xăng dầu đẩy mạnh kinh doanh xăng nhiên liệu sinh học (E5 Ron92, E100) cung cấp cho thị trường.

Chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo Bộ định kỳ 3 tháng/lần về việc triển khai kinh doanh xăng E5 Ron92 để nắm bắt những khó khăn trong quá trình thực hiện. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng cơ chế về giá để bảo đảm mức hấp dẫn sử dụng nhiên liệu sinh học E5 Ron92; phối hợp với Vụ Khoa học & Công nghệ kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học.

Đối với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tham gia đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhiên liệu sinh học, bao gồm ưu đãi về thuế, phí hoặc các hình thức hỗ trợ khác để giảm giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của nhiên liệu sinh học nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nhiên liệu sinh học, đặc biệt tại các địa phương, khu vực có tiềm năng tiêu thụ lớn.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để khuyến khích sử dụng xăng sinh học như: điều hành giá xăng dầu một cách linh hoạt nhằm tạo mức chênh lệch giá giữa giá xăng khoáng và xăng sinh học ở mức hợp lý; tăng cường và đổi mới tuyên truyền, khuyến khích sử dụng xăng sinh học…

 

Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện cả nước có khoảng 23/30 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bán xăng E5 Ron92; khoảng 80% cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của các DN kinh doanh xăng dầu đã và đang kinh doanh 2 sản phẩm xăng là xăng sinh học E5 Ron92 và xăng khoáng Ron95 trên 63 tỉnh, TP. Số lượng tiêu thụ xăng E5 Ron92 những năm gần đây đạt trung bình từ 2 – 2,5 triệu m3/năm.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Khởi tố 4 đối tượng mua bán hóa đơn trái phép

Ngày 13/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (gọi tắt là Phòng Cảnh sát kinh tế), Công an TP. Đà Nẵng cho biết, vừa triệt phá thành công chuyên án mua bán hóa đơn, chứng từ trái phép với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.

Tin liên quan