Kinhtedothi- Hà Nội đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, không để xẩy ra tình trạng khan hàng tăng giá. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển hàng hóa.
Đó là ý kiến của các doanh nghiệp tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với Sở Công Thương Hà Nội về công tác đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 (chiều 14/1).
Lượng hàng hóa phục vụ Tết đã tăng 30-35%
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán là dịp cao điểm mua sắm nên sức mua của người dân sẽ tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Ất Tỵ ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5-20% theo từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024.
Cụ thể, dữ trữ lượng hàng hóa gồm 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo…
Thông tin từ hệ thống siêu thị Co.op Mart cho thấy, để đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán, hệ thống siêu thị Co.op Mart dự trữ khoảng 12.000 tấn hàng hóa như gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản…tăng từ 30 – 50% so với tháng kinh doanh bình thường.
Tương tự, Trưởng phòng Marketing – Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce chi nhánh Hà Nội Hà Thị Thu Trang cho hay, dự báo sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 sẽ tăng khoảng 20% so với ngày thường, nên hệ thống siêu thị Winmart đã chủ động thực hiện công tác dự trữ hàng hóa từ sớm với lượng dự trữ tăng 10-20%, bảo đảm lượng hàng hóa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong suốt dịp Tết. Đặc biệt đối với những mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, gà, rau củ quả, các loại gia vị hay các mặt hàng có lượng tiêu thụ cao trong dịp Tết như bánh mứt kẹo, đồ uống,… phía siêu thị đã chủ động dự trữ nhằm đảm bảo nguồn cung và duy trì mức giá ổn định trong suốt dịp Tết.
“Các mặt hàng phục vụ Tết năm nay rất phong phú và đa dạng, với hơn 90% là hàng hóa nội địa và 10% còn lại nhập khẩu từ các nhà cung cấp quốc tế uy tín. Các siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc nói chung và chi nhánh ở TP. Hà Nội nói riêng sẽ hoạt động tới 12 giờ ngày 29 Tết và mở bán trở lại vào ngày mùng 4 Tết” – bà Thu Trang cho biết.
Thực tế cho thấy, hiện hệ thống bán lẻ quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội như AEON, Hapro/BRG Mart, Central Retail, Mega Market… cũng đang tích cực ký kết hợp đồng dự trữ hàng hóa phục vụ trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Doanh nghiệp than khó trong việc vận chuyển hàng hóa
Phản ánh về những khó khăn trong quá trình dự trữ, tiêu thụ hàng Tết các siêu thị có chung ý kiến, tình hình giao thông ách tắc đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi vận chuyển hàng hóa.
Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, đối với mặt hàng công nghệ, doanh nghiệp tăng cường vận chuyển về các trung tâm phân phối và điểm bán siêu thị. Dù vậy, các mặt hàng như rau sống, thực phẩm tươi sống vẫn phải đi theo chuyến hàng mỗi ngày nên gặp phải vấn đề về giao thông. Ngay cả việc giao hàng lẻ bằng xe máy cũng gặp khó khăn khi một số tài xế bị cơ quan chức năng chặn lại dù lượng hàng không lớn.
Để khắc phục khó khăn này, mặc dù phải tăng thêm chi phí vận chuyển doanh nghiệp đã đẩy mạnh nhập hàng vào buổi tối. “Thời gian tới TP Hà Nội bên cạnh việc cấp phép cho những xe của siêu thị vận chuyển hàng hóa trong giờ cao điểm, nên mở rộng cấp phép vận chuyển cho cả những đối tác cung ứng hàng hóa cho siêu thị qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bán lẻ dự trữ, tiêu thụ hàng hóa”-bà Dung kiến nghị.
Đồng tình với kiến nghị này, dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất Giám đốc Kinh doanh Chi nhánh Công ty CP C.P Việt Nam Nguyễn Thị Nghĩa cho hay, để đảm bảo nguồn thực phẩm tươi sống trong dịp Tết Ất Tỵ, doanh nghiệp đã tăng lượng dự trữ them 20% với hàng tươi sống và tăng 50% với hàng chế biến. Trong dịp Tết, việc vận chuyển cũng là vấn đề khiến doanh nghiệp “đau đầu” do đó đề nghị TP Hà Nội và Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển hàng hóa trong khu vực nội đô giờ cao điểm.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thúy Hiền cho rằng, việc người dân chấp hành nghiêm Nghị định NĐ 168/2004 NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ trong khi hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng là một trong những nguyên nhân xẩy ra hiện tượng kẹt xe kéo dài. Điều này gây khó cho siêu thị vận chuyển thực phẩm tươi sống.
“Đề nghị thời gian tới Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Sở GTVT tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận chuyển thực phẩm tươi sống phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết”-bà Hiền nêu rõ.
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đã báo cáo UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương cho phép Sở chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Công an TP kiểm tra, hướng dẫn cho phép xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24/24 trên địa bàn Hà Nội để phục vụ Tết và công tác bình ổn thị trường năm 2025.
“Hiện Sở Công Thương đã gửi danh sách 190 xe vận chuyển hàng hóa để Sở GTVT, Công an TP Hà Nội kiểm tra, cấp phép để đảm bảo lưu thông thông suốt hàng hóa trong dịp Tết”-ông Hiệp nêu rõ.
Theo kinhtedothi.vn