Trong tháng 1/2025, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 416 triệu USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo mặt hàng này sẽ tăng mạnh xuất khẩu trong những tháng tiếp theo, nhất là vào tháng 4, khi các tỉnh miền Tây bắt đầu mùa thu hoạch sầu riêng chính vụ.
Thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 1/2025, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 416 triệu USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả đạt 285 triệu USD tăng 31%.
Lý giải về nguyên nhân sụt giảm, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết: do Trung Quốc tăng cường giám sát chất vàng O trên trái sầu riêng, điều này khiến mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng, kéo tổng kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2023, đồng thời cũng giảm so với tháng liền kề trước đó.
Các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh chóng làm việc với giới chức Trung Quốc để nối lại hoạt động xuất khẩu sầu riêng. Theo đó, để xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc, các lô hàng phải có giấy chứng nhận không có vàng O cùng giấy xác nhận cadmi ở mức cho phép.
Hiện tại, Bộ NN&PTNT đã công bố danh sách 9 phòng kiểm nghiệm được Việt Nam và Trung Quốc công nhận đủ tiêu chuẩn cấp chứng nhận. Đây là cơ sở để sầu riêng Việt Nam tiếp tục thâm nhập thị trường trị giá gần 10 tỉ USD.
Đầu tháng 1/2025, Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu các trạm kiểm soát hải quan trên toàn quốc từ chối nhập khẩu sầu riêng Thái Lan nếu không xuất trình được kết quả xét nghiệm không có chất vàng O. Điều này khiến sầu riêng của Việt Nam cũng bị “vạ lây”.
Theo đó, giá sầu riêng trái vụ của Việt Nam đang ở mức 180.000 – 200.000 đồng/kg, giảm hơn một nửa vào những ngày giáp tết và hiện dao động từ 80.000 – 90.000 đồng/kg với sầu riêng Thái loại A.
Với việc các phòng kiểm nghiệm chất vàng O được cấp phép, hoạt động xuất khẩu được nối lại và giá sầu riêng sẽ tăng trở lại trong những thời gian tới. Sầu riêng trái vụ của Việt Nam sẽ kéo dài đến cuối tháng 3. Từ giữa tháng 4, các tỉnh miền Tây bắt đầu bước vào mùa thu hoạch sầu riêng chính vụ.
Trong khi đó, nhập khẩu rau quả của Việt Nam tăng đáng kể do các doanh nghiệp tăng nhập hàng để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Theo kinhtedothi.vn