Kinhtedothi-Sản xuất mía đường từng là nghề hưng thịnh ở Quảng Ngãi, nhưng ngày nay đã dần mai một. Riêng miền quê xã Bình Trung (huyện Bình Sơn) vẫn còn lưu lại một lò mía đường cha truyền con nối.
Cây mía từng gắn bó bền chặt với nông dân Quảng Ngãi. Từ nước ép mía, người dân nơi đây tạo ra đường muỗng- sản phẩm chắt lọc tinh hoa của đất trời, kết hợp với sức lao động cần cù, bàn tay khéo léo và khối óc thông minh.
Sản phẩm từ đường muỗng Quảng Ngãi, đặc biệt là đường cát, không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh, mà từ những năm đầu thế kỷ XX đã được xuất khẩu ra nước ngoài như: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc…
Xã Bình Trung (huyện Bình Sơn) là vùng đất có truyền thống trồng mía và làm đường từ cây mía. Từ xưa, những sản phẩm làm ra từ cây mía đã rất nổi tiếng, không chỉ trong tỉnh mà còn vươn xa tới các tỉnh bạn.
Thời nghề mật mía, đường mía dạng sệt nức tiếng, cả xã Bình Trung có đến vài chục lò đường như vậy. Nghề làm mía đường đã tồn tại từ lâu nhưng đến nay chỉ còn duy nhất lò mía đường của gia đình chị Trịnh Thị Kim Oanh.
Chị Oanh cho biết, trước kia có khoảng 60 hộ trong làng dựng trại, che mái tranh để làm lò đường. Tại mỗi lò nấu đường, các thợ luân phiên nhau, người thu hoạch mía, người ép nước mía, người nấu đường, đổ vào muỗng, rút mật, tinh đường… Công việc bận rộn khiến vùng quê huyên náo từ sáng sớm đến tối muộn.
“Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, ông, bà, cha tôi còn làm nghề mía đường, mỗi phi đường 300kg có thể tương đương 3 chỉ vàng. Hồi đó, những thợ làm đường giỏi được chủ trả tiền rất cao”- chị Oanh nói.
Qua thời thịnh vượng, nghề làm đường muỗng, đường sệt dần mất đi chỗ đứng trên thị trường. Cha của chị Oanh, ông Trịnh Huệ, chuyển nghề nấu đường mật để bán cho những người nuôi trồng thủy sản.
“Họ dùng mật mía để xử lý nước trong ao nuôi và phòng bệnh cho tôm. Cách nấu cũng đơn giản hơn, chỉ cần nấu nước ép mía cho đến khi đặc lại, để nguội và xuất bán”- chị Oanh cho hay.
Tiếc nghề xưa, chị Oanh mở lại lò làm mía đường, vừa học theo quy trình truyền thống, vừa cải tiến chất lượng mật mía cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Mía thu hoạch về được đưa đi ép nước ngay, sau đó đổ vào những chảo gang lớn. Người thợ nấu đảm nhiệm khuấy đảo nước đường. Bên dưới lò, bã mía được tận dụng làm chất đốt. Công việc nấu nước đường mía kéo dài khoảng 2 tiếng, vừa nấu vừa vớt bọt mía nổi trên bề mặt chảo.
“Ngày xưa làm mật mía chỉ lọc cặn 1-2 lần, nhưng làm như vậy, đường còn rất thô và còn cặn mía. Do vậy, kể từ khi đường mía được nấu xong, tôi để từ 3-4 tiếng để cô đặc lại thành mật và chắt lọc liên tục cho đến khi màu mật mía chuyển sang trong suốt”- chị Oanh chia sẻ.
Sau công đoạn lọc, người thợ đổ vào nồi và đánh đều tay liên tục đến khi thành đường cát. Cuối cùng, sử dụng những khuôn làm từ gỗ để đổ đường ra khuôn, chờ khoảng 2 tiếng cho đường đông lại.
Theo chị Oanh, xu hướng dùng đường “sạch” (không tẩy trắng, không chất bảo quản) đang trở nên phổ biến. Trong khi đó, đường từ mật cây mía tự nhiên hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí này, không hóa chất, thơm lừng, vị ngọt thanh.
Do đó, chị chú trọng đến việc đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ tạo ra đường mía mà còn đường có cát hoa mơ- loại đường có thể thay thế cho đường trắng trong nấu ăn.
Xác định khởi nghiệp từ mía đường vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chị Oanh vẫn tin tưởng vào sự lựa chọn của bản thân. Đây cũng là cách góp phần lưu giữ những nét đẹp mộc mạc và sản phẩm đặc trưng của làng nghề.
Theo ông Huỳnh Văn Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung, nghề làm mía đường tại địa phương đã có từ lâu đời. Đây từng là nghề mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.
Nghề này cũng được ghi vào nhóm ngành nghề truyền thống của huyện và tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay, do đầu ra sản phẩm từ mía đường ngày càng khó khăn nên rất ít người còn giữ nghề.
“Chị Oanh là một trong số hiếm hoi giữ nghề truyền thống, nâng tầm nghề mía đường lên thành sản phẩm có giá trị, mang tính thương hiệu. Sắp tới, địa phương sẽ xem xét đề xuất sản phẩm OCOP từ các nghề truyền thống, hy vọng giữ gìn, phát huy nghề đang dần mai một này”- ông Tuấn cho biết.
Theo kinhtedothi.vn