Thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sẽ đối diện với các vụ việc cũng như bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Do vậy, công tác PVTM cần tiếp tục đẩy mạnh để bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp trước xu thế bảo hộ gia tăng.
Hiện hữu nhiều thách thức
Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đạt những bước tiến đáng kể, thể hiện qua việc gia tăng về tổng giá trị xuất khẩu và mở rộng sang các thị trường tiềm năng mới. Tuy nhiên, xu hướng bảo hộ thương mại, điển hình là các quốc gia tăng cường áp dụng các biện pháp PVTM cũng đặt ra nhiều thách thức cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2025, dự báo với những thuận lợi và thách thức đan xen đặt ra đối với hoạt động xuất khẩu, vì thế, công tác PVTM tiếp tục được khẳng định vai trò quan trọng, trong việc nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi của các hiệp định, thỏa thuận thương mại.
Phân tích về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ Tạ Hoàng Linh cho biết, hiện nay, chủ nghĩa đơn phương về thương mại đang chiếm ưu thế trở lại, chính sách bảo hộ thương mại được các nước đang áp dụng ngày càng đa dạng và phức tạp. Nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đối với sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt nhiều thị trường gia tăng điều tra áp dụng biện pháp PVTM.
Đặc biệt, Mỹ và EU được coi là hai thị trường trọng điểm. Đây đều là những thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao và sử dụng ngày càng nhiều rào cản kỹ thuật, điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam.
Cũng theo ông Tạ Hoàng Linh, chính quyền Tổng thống Trump nhiệm kỳ 2 dự kiến sẽ ban hành hàng loạt chính sách mới, có khả năng tác động sâu rộng tới quan hệ kinh tế thương mại song phương. Còn đối với EU, xu hướng bảo hộ đang gia tăng trong một số lĩnh vực, phản ánh nỗ lực theo đuổi việc xây dựng tự chủ chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang gay gắt. Những biện pháp này có nguy cơ làm tăng chi phí nhập khẩu, gây phản ứng từ các đối tác thương mại lớn, làm phức tạp chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế rất lớn, vì vậy nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt ở các thị trường trọng điểm này là hết sức quan trọng. Do đó, Cục PVTM cần phối hợp để thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, đảm bảo chính sách đối thoại giữa Việt Nam và các đối tác thương mại lớn nhằm củng cố lòng tin chiến lược; đồng thời cần chủ động tiếp tục xây dựng chiến lược vận động Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Tăng cường cảnh báo sớm
Nhiều chuyên gia đề xuất, cơ quan quản lý là Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cần tăng cường cảnh báo sớm, xây dựng danh mục cảnh báo sớm, phối hợp giám sát cấp phép các dự án đầu tư mới, sàng lọc nghiêm ngặt vốn đầu tư nước ngoài để tránh trường hợp Việt Nam trở thành địa điểm trung chuyển, lợi dụng nguồn gốc xuất xứ của nước thứ ba. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam đề xuất, VASEP mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ Công Thương và Cục Phòng vệ thương mại về việc cập nhật thông tin, tình hình diễn biến các vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ và các thị trường khác; đưa ra những cảnh báo sớm về nguy cơ bị điều tra cho các doanh nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua được vụ kiện và đạt kết quả tốt nhất.
Cơ chế cảnh báo sớm cần phân tầng về mặt thông tin, nếu không chủ động thì không đáp ứng được mong mỏi của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng; tránh dự báo mà không cùng tiêu chí với doanh nghiệp, hiệp hội dẫn đến không đồng bộ trong triển khai liên quan đến ứng phó các vụ việc, thậm chí kéo các vụ việc.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân
Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin: năm 2025, Chính phủ tiếp tục đưa ra những chỉ tiêu tăng trưởng đột phá về hoạt động xuất nhập khẩu với yêu cầu rất cao, vì thế các vấn đề liên quan đến PVTM cũng phải đặt ra.
Trong bối cảnh, Việt Nam đã và đang tham gia thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), nếu tận dụng tốt sẽ tác động tích cực đối với xuất nhập khẩu. Do đó, cần tập trung thực hiện, triển khai công tác PVTM mạnh mẽ, đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế. Trong đó, tập trung bảo vệ ngành sản xuất trong nước song song với bám sát tình hình địa bàn, thị trường.
Cơ chế cảnh báo sớm cần phân tầng về mặt thông tin, nếu không chủ động thì không đáp ứng được mong mỏi của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng; tránh dự báo mà không cùng tiêu chí với doanh nghiệp, hiệp hội dẫn đến không đồng bộ trong triển khai liên quan đến ứng phó các vụ việc, thậm chí kéo các vụ việc.
Theo kinhtedothi.vn