Thứ Năm, Tháng 2 6, 2025
17 C
Hanoi
Thứ Năm, 6/02/2025, 00:00

Nghị quyết 57-NQ/TW: Kiến tạo hệ sinh thái đưa khoa học bứt phá

Kinhtedothi-Xuyên suốt Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị là những điểm mới đột phá thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Khi được triển khai, Nghị quyết không chỉ nâng tầm vị thế khoa học Việt Nam mà còn mở đường cho những bước tiến vững chắc trong thời đại số.

Nhiều điểm đột phá

Trong giai đoạn phát triển 2021-2030, tầm nhìn năm 2045, Đảng và Nhà nước ta đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là “đột phá chiến lược”, “động lực chính” để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2044 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Khách hàng tham quan sản phẩm số hóa của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Khách hàng tham quan sản phẩm số hóa của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, năng lực và trình độ khoa học, công nghệ của nước ta còn yếu và có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với thế giới, phát triển chưa xứng với tiềm năng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Trước hết, cầu công nghệ kém do cạnh tranh và tăng trưởng của doanh nghiệp chưa dựa vào nhân tố công nghệ mà còn dựa chủ yếu và tăng quy mô vốn đầu tư, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên và các lợi ích ngắn hạn. Vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với tổ chức khoa học, công nghệ công lập làm giảm động lực phát triển của các tổ chức này.

Bên cạnh đó, tư duy không chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, dẫn tới các khó khăn trong đánh giá hiệu quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ và yêu cầu hoàn chi ngân sách.

Vì vậy, Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57), khoa học, công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được đặt lên vị trí “là đột phá quan trọng hàng đầu”. Trong đó Nghị quyết đã đề ra những mục tiêu quan trọng, cụ thể cùng các giải pháp quyết liệt chưa từng có.

Chỉ ra những điểm đột phá của Nghị quyết 57, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam TS. Nguyễn Nguyên Quân cho biết, đầu tiên đó là Đảng ta đã đặt ra các mục tiêu cụ thể ở mức cao đến năm 2030 và 2045 để Việt Nam có thể trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao. Điểm đột phá thứ hai là Nghị quyết xác định phải tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đáng chú ý, Nghị quyết 57 đã có đột phá về tư duy trong đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động R&D. Theo đó, ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Điểm đột phá tiếp theo đó chính là cơ chế xác định “chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”.

Điểm đột phá cuối cùng chính là tính khả thi trong tổ chức thực hiện Nghị quyết. Lần đầu tiên người đứng đầu Đảng ta trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết và bên cạnh Ban chỉ đạo còn có Hội đồng tư vấn gồm các nhà quản lý và các nhà khoa học có trình độ và uy tín. Đây là cách làm khắc phục nhược điểm của các giai đoạn trước đây, khi các Ban chỉ đạo thường chỉ bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, không đủ quyền lực trong hệ thống chính trị và nặng tư duy nhiệm kỳ.

Gỡ điểm nghẽn, mở đường cho khoa học, công nghệ bứt phá

Sau khi Nghị quyết 57 ra đời, cộng đồng các nhà khoa học đang đặt nhiều niềm tin vào một giai đoạn mới, nơi những rào cản hành chính được gỡ bỏ, cơ chế vận hành linh hoạt hơn, tạo điều kiện để nghiên cứu khoa học thực sự phát huy vai trò then chốt trong phát triển kinh tế – xã hội.

Giới chuyên gia và các nhà khoa học cũng kỳ vọng, Nghị quyết là cơ sở quan trọng để Quốc hội tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt thể chế gắn với sự phát triển khoa học công nghệ đã tồn tại trong thời gian qua, nhất là Nghị quyết đã cho phép có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) TS Trịnh Thành Trung đánh giá, Nghị quyết 57 đã tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, nơi nghiên cứu khoa học không chỉ dừng lại ở việc tạo ra tri thức, mà còn được chuyển hóa thành công nghệ, ứng dụng thực tiễn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng hạ tầng dữ liệu lớn phục vụ nền kinh tế số.

Đây không chỉ là một quyết định mang tính chiến lược mà còn là tín hiệu vui cho toàn ngành khoa học. Bởi lẽ, suốt thời gian dài, các nhà khoa học đã nhiều lần kiến nghị về những khó khăn trong việc thực thi chính sách, nhưng các nút thắt vẫn chưa thể được tháo gỡ. “Khi những điểm nghẽn được tháo gỡ, khoa học công nghệ sẽ thực sự trở thành động lực phát triển quốc gia” – TS Trịnh Thành Trung tin tưởng.

Đồng quan điểm, TS. Vương Thị Hường – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 sẽ tạo sự đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Điều nayg còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ do CMCN 4.0.

Việc xác định vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, thể hiện tầm nhìn phù hợp với  xu hướng toàn cầu, bởi các quốc gia tiên tiến đều coi đây là yếu tố quyết định để vượt qua thách thức và đạt được sự phát triển bền vững.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Tin tức kinh tế 5/2: xuất nhập khẩu 15 ngày đầu năm vượt 34 tỷ USD

Kinhtedothi – Giá vàng xô đổ kỷ lục, vượt mốc 91 triệu đồng/lượng; xuất nhập khẩu 15 ngày đầu năm vượt 34 tỷ USD; gia tăng xu hướng tiêu dùng hàng nhập khẩu trực tuyến… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 5/2.

Tin liên quan