Thứ Sáu, Tháng 2 7, 2025
17 C
Hanoi
Thứ Sáu, 7/02/2025, 18:49

Đổ hàng tấn bánh kẹo ra bãi rác: Chế tài xử phạt ra sao?

Theo luật sư, với hành vi vận chuyển, đổ, thải không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường xảy ra tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả mà cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bạn đọc Nguyễn Văn Đức hỏi: Mới đây, tại bãi rác tự phát gần đường tàu thuộc địa bàn xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có hàng tấn bánh kẹo, đồ ăn nhanh bị vứt bỏ chất cao “như núi”, làm ảnh hưởng đến môi trường và việc đi lại của người dân. Tôi muốn biết hành vi này bị xử lý như thế nào?

banh-keo-la-phu.jpg
Hàng tấn bánh kẹo được phát hiện tại bãi rác. Ảnh Thu Hằng

Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) trả lời: Tại khoản 18 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định “Chất thải” là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác. Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân. Việc vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại xã La Phù – Hoài Đức không đúng quy định là một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường.

Với hành vi vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường xảy ra tại xã La Phù – Hoài Đức, tùy theo mức độ mà cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chính là bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi.

Tại điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp bị xác định có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị áp dụng một trong hai hình phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Hình thức phạt tiền cao nhất là 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức cho mỗi hành vi vi phạm.

Cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tước quyền sử dụng có thời hạn với Giấy phép xử lý chất thải nguy hại/Giấy phép xả thải khí thải công nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp tạo ra chất thải cần xử lý sẽ bị tạm đình chỉ cho đến khi hết thời hạn xử lý, các hoạt động khác không liên quan đến quá trình xả thải vẫn được phép tiếp tục.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra; Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định.

Trường hợp hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm sẽ bị xử lý theo Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 về “Tội gây ô nhiễm môi trường” nếu cá nhân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị phạt tiền, bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Cụ thể:

Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù 1 – 5 năm với các hành vi:

– Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ trái quy định của pháp luật từ 3.000kg đến dưới 5.000kg.

– Xả thải ra môi trường từ 5.000 m3/ngày đến dưới 10.000m3/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên.

– Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 2 lần đến dưới 4 lần.

– Xả ra môi trường từ 5.000 m3/ngày đến dưới 10.000 m3/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14.

– Thải ra môi trường từ 300.000 m3/giờ đến dưới 500.000m3/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên.

– Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 200.000 kg đến dưới 500.000 kg.

– Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép.

– Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 2 lần đến dưới 4 lần.

Các hành vi vi phạm này nếu ở mức cao hơn có thể bị phạt tiền từ 1 – 3 tỷ đồng hoặc phạt tù 3 – 7 năm:

– Số tiền phạt: Từ 3 tỷ đến 20 tỷ đồng (tùy vào mức độ thiệt hại)

– Tạm đình chỉ hoạt động: Từ 06 tháng đến 36 tháng

– Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn: Trong trường hợp doanh nghiệp gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

Ngoài ra, cũng cần truy nguồn gốc sản phẩm và lý do xả thải có hay không việc sả xuất hàng giả, hàng kém chất lượng khi không thể bán được thì xả thải trái phép ra môi trường. Nếu có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thì cần chuyển hồ sơ sang phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội để điều tra xử lý theo thẩm quyền đối với hàng loạt hành vi vi phạm này.

Theo Congly.vn

Mới nhất

Tiếp nhận 177 công dân liên quan đến công ty lừa đảo qua mạng ở Campuchia

Ngày 7/2/2025, Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh hoàn tất tiếp nhận 177 người Việt Nam được trao trả từ Campuchia, liên quan đến lao động và cư trú bất hợp pháp tại nước này.

Tin liên quan