Hôm nay 8/2 (11 tháng Giêng), Lễ hội Đền Sái đã được người dân làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội tổ chức long trọng. Với những nghi thức rước vua chúa bằng người thật, lễ hội đã thu hút lượng lớn sự quan tâm của người dân và du khách.
![]() |
Những người có uy tín trong làng được chọn làm vua, chúa và các quan trong lễ rước. |
Lễ hội đền Sái tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội được tổ chức nhằm tưởng nhớ vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa năm xưa. Năm nay, người có vinh dự nhận vai vua là cụ Nguyễn Hữu Bá, 73 tuổi (bên trái) và vai chúa là cụ Trương Nam Cường, 72 tuổi (bên phải).
Nét đặc sắc của lễ hội là sự xuất hiện của cả vua và chúa. Kiệu chúa đi trước để dẹp đường đánh giặc, phía sau là vua ngự trên ngai. Đoàn rước vừa đi vừa quay kiệu chúa, liên tục nâng lên hạ xuống cùng tiếng hò reo để tạo không khí phấn khởi trong những ngày đầu xuân năm mới. Khác với các lễ hội khác, vua ở đền Sái là người thật, mặc áo long bào, không phải đeo mặt nạ hay rước kiệu tượng trưng.
![]() |
Vua mặc long bào, được các thanh niên trai tráng ở địa phương rước trong không khí vui tươi, phấn phởi. |
Ông Phạm Minh Huỳnh – Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm cho biết: “Các cụ được lựa chọn đóng làm vua, làm chúa và làm các quan thì thực hiện theo quy ước của hội hương lão. Trong đó, với điều kiện đầu tiên là các cụ phải đủ sức khỏe. Tiếp theo là gia đình, con cháu phải tuân thủ, chấp hành mọi quy định, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thứ 3 là phải đủ cả ông cả bà còn sống và cuối cùng là kinh tế khá giả”.
![]() |
Bên cạnh vai vua và chúa, người dân Thụy Lôi còn rước kiệu võng chở 4 vị quan Thự vệ, quan Tán lý, quan Đề lĩnh và quan Trấn thủ. |
Không khí rộn ràng của lễ hội thu hút lượng lớn sự quan tâm của người dân và du khách. Bà Trần Anh Thư (Quận Ba Đình) đã 10 năm liên tiếp đi đền Sái. Mỗi năm đến với di tích bà đều cảm thấy có sự đổi mới rõ rệt.
“Tôi đã đi rất nhiều lễ hội trên cả nước, nhưng chưa nơi nào như ở đây có lễ rước vua, chúa và quan bằng người dân ở địa phương, nó thực sự rất độc đáo. Đây là một nét đẹp nên lưu giữ và bảo tồn cho muôn đời về sau”, bà Thư bày tỏ cảm xúc.
“Lần đầu tiên tôi đến đền Sái và được xem trực tiếp lễ rước vua, chúa là người thật thì cảm thấy rất vui và bất ngờ. Nhân dịp năm mới, tôi cũng muốn đi lễ để cầu cho bản thân và gia đình mạnh khỏe, bình an và gặp nhiều may mắn”, bà Đỗ Ngọc Duyên (Huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ.
![]() |
Các nghi thức lại lễ hội đền Sái năm 2025. |
Lễ hội đền Sái Xuân Ất Tỵ 2025 có nhiều điểm mới, từ công tác tổ chức, đảm bảo an ninh trật tự cho đến trang hoàng cảnh quan di tích. Điều này giúp giữ vững giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống của cha ông.
Ông Phạm Minh Huỳnh – Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm thông tin, chính quyền địa phương cũng đang thực hiện kế hoạch ghi hình, làm hồ sơ khoa học để đề nghị các cấp công nhận lễ hội đền Sái là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
“Đối với nhân dân xã Thụy Lâm và du khách thập phương khi đến với lễ hội đền Sái, mong muốn đầu tiên là được chiêm ngưỡng những nét truyền thống đặc sắc, độc đáo, theo tôi nghĩ là có một không hai ở miền Bắc. Từ đó, lan tỏa trong cộng đồng để trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc, để cùng với những thế hệ đi trước phấn đấu xây dựng quê hương đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp hơn”, lãnh đạo UBND xã Thụy Lâm chia sẻ thêm.
Theo nghi thức, sau khi lễ bái xong, “vua, chúa sống” sẽ được rước trên kiệu, đến cánh đồng chầu, vua làm lễ bái vọng Đức Thánh Huyền Thiên trên đền Sái, sau đó, cùng quan trở về đình.
Hình ảnh đặc sắc tại Lễ hội đền Sái năm 2025. |
Theo baovephapluat.vn